Bộ Thông tin và Truyền thông đã bắt đầu xin ý kiến nhân dân dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo dự thảo, chương trình sẽ có bốn mục tiêu cụ thể sau từ nay đến năm 2015.
Thứ nhất là, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên quy mô quốc gia. Cụ thể, 100% các cơ quan nhà nước cấp đơn vị trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, cấp xã, phường tại các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan được kết nối vào mạng truyền dẫn tốc độ cao, an toàn, bảo mật của Đảng và Nhà nước.
Ngoài ra, 100% các cơ quan nhà nước đã kết nối mạng diện rộng của Đảng và Nhà nước được cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số và xác thực quốc gia; bảo đảm hạ tầng kết nối các hệ thống thông tin có quy mô quốc gia của các cơ quan nhà nước theo mô hình thống nhất.
Thứ hai, xây dựng các hệ thống thông tin nền tảng quy mô quốc gia nhằm tạo môi trường làm việc điện tử giữa các cơ quan nhà nước. Trong đó, 70% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử; bảo đảm 100% các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, các tổ chức chính trị - xã hội cấp Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể được thực hiện trên môi trường mạng; 100% hồ sơ quản lý cán bộ công chức các cấp có thể được quản lý chung trên mạng với quy mô quốc gia và
Đồng thời, từng bước chia sẻ các thông tin hành chính thiết yếu giữa các cơ quan nhà nước, bao gồm: dân cư, thuế, đất đai, xe cộ, xây dựng, thông tin kinh tế - xã hội nhằm giảm tối thiểu các thông tin yêu cầu từ người dân và doanh nghiệp; triển khai hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc tới 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện các hệ thống thông tin chuyên ngành quy mô quốc gia thiết yếu, phục vụ cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, 80% người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế qua mạng; 90% Cục hải quan các tỉnh, thành phố triển khai thủ tục hải quan điện tử; 30% các đấu thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp và dịch vụ tư vấn cho các cơ quan nhà nước được thực hiện qua mạng; 100% hộ chiếu được cấp cho công dân Việt Nam phục vụ công tác xuất, nhập cảnh là hộ chiếu điện tử.
Đặc biệt sẽ đảm bảo 30% công dân Việt Nam trên 14 tuổi được cấp chứng minh nhân dân sản xuất trên dây chuyền hiện đại, với một số chứng minh nhân dân duy nhất không trùng lặp, chống được làm giả.
Cuối cùng là bảo đảm ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước các cấp được hiệu quả, đồng bộ và thống nhất theo định hướng chung của quốc gia, với mục tiêu: tỷ lệ trung bình cán bộ, công chức được cung cấp hộp thư điện tử và thường xuyên sử dụng trong công việc là 90%; tỷ lệ trung bình cơ quan nhà nước các cấp sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng là 90%; tỷ lệ trung bình máy tính trên cán bộ, công chức tại các cơ quan nhà nước là 90%.
Đồng thời, phải đảm bảo 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức chính trị - xã hội cấp Trung ương có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử với đầy đủ thông tin; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 cho người dân và doanh nghiệp (đối với các cơ quan có cung cấp dịch vụ).
Ngoài ra, cũng sẽ đẩy mạnh triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 hoặc 4 cho người dân và doanh nghiệp.
Cùng với 4 mục tiêu cụ thể trên, chương trình cũng xác định định hướng đến năm 2020 là tạo lập được môi trường mạng rộng khắp phục vụ đa số các hoạt động của các cơ quan chính phủ. Cán bộ, công chức có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi dựa trên nhiều phương tiện khác nhau…
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate