Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng giám đốc công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông, cho biết nhờ có chuyển đổi số, Rạng Đông đã nâng cao năng suất lao động từ 35-40%, giảm giá thành sản phẩm từ 15-20%, thậm chí có những loại giảm đến 30%. Đồng thời, công ty cũng quản lý được chất lượng sản phẩm, đảm bảo độ tin cậy của hệ thống và nâng cao năng lực cạnh tranh.
HƯỚNG TỚI NỀN SẢN XUẤT XANH VÀ TIÊU DÙNG XANH
“Nhờ chiến lược chuyển đổi kép, Rạng Đông đã mở rộng không gian tăng trưởng, cho phép sản phẩm thâm nhập thị trường qua các mô hình kinh doanh hiện đại, được hỗ trợ bởi công cụ số, phục vụ cộng đồng một cách hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Đoàn Kết nói.
Trong khi đó, công cuộc chuyển đổi xanh tại Rạng Đông đã giúp công ty tập trung vào sản xuất các sản phẩm thuộc hệ sinh thái và dịch vụ 4.0 có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, sản phẩm có tuổi thọ dài, giúp giảm thiểu lượng rác thải phát sinh sau khi sản phẩm hết vòng đời.
Chẳng hạn, hệ thống chiếu sáng thông minh và các hệ thống smarthome được vận hành theo nguyên tắc chỉ hoạt động khi cần thiết. Ví dụ, khi có người, đèn sẽ bật sáng, còn khi không có người, đèn sẽ tắt hoặc chỉ hoạt động ở cường độ thấp. Nhờ vậy, hệ thống chiếu sáng thông minh có thể giảm tiêu thụ năng lượng từ 30-40% so với các hệ thống truyền thống.
Việc tích hợp AI, đặc biệt là AI tại biên cùng các công nghệ học máy và học sâu, với các thiết bị đầu cuối của Rạng Đông, còn được kết nối với các nền tảng điều khiển từ các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Điều này tạo nên một hệ sinh thái sản phẩm thông minh, hoạt động hiệu quả và đạt được mục tiêu tiết kiệm năng lượng, hướng tới một nền sản xuất xanh và tiêu dùng xanh. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng một tương lai bền vững và hiệu quả về năng lượng.
Quá trình sản xuất cũng được thông minh hóa, tiết kiệm tối đa nguyên liệu và năng lượng sử dụng. Cụ thể, để so sánh, mức năng lượng điện tiêu thụ mà Rạng Đông cần sử dụng để tạo ra 1 tỷ đồng doanh thu hiện nay đã giảm tới 70% so với mức năng lượng điện sử dụng trước đây.
Chuyển đổi số là công cụ và chuyển đổi xanh là mục tiêu. Rạng Đông đang dần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một cuộc sống xanh, nền sản xuất xanh và tiêu dùng xanh. Những kết quả này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn đáp ứng yêu cầu những tác động của biến đổi khí hậu, vốn ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đoàn Kết, thị trường nhà thông minh trên thế giới đang phát triển với tốc độ rất nhanh, và ở Việt Nam cũng đang từng bước tiến triển. Tuy nhiên, để đạt được sự phát triển này, Việt Nam cần có những năng lực cốt lõi và sự phối hợp giữa nhiều doanh nghiệp, tổ chức, và đơn vị khác nhau.
“Chỉ khi chúng ta kết hợp sức mạnh từ các bên, chúng ta mới có thể xây dựng một hệ thống nhà thông minh hiệu quả và bền vững. Nhà thông minh không chỉ mang lại tiện ích cho người dùng mà còn là một phần quan trọng trong việc thực hiện nền tiêu dùng xanh và cuộc sống bền vững, giúp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường”, Phó Tổng giám đốc Rạng Đông cho biết.
PHẤN ĐẤU ĐỂ THU NHẬP BÌNH QUÂN CỦA NGƯỜI RẠNG ĐÔNG ĐẠT 2.000 USD/THÁNG
Lãnh đạo công ty cho biết trong suốt 60 năm qua, Rạng Đông đã trải qua năm lần khởi nghiệp, với những cột mốc quan trọng. Lần khởi nghiệp đầu tiên bắt đầu khi Bác Hồ và Chính phủ quyết định xây dựng nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, một trong 13 nhà máy công nghiệp nhẹ đầu tiên của Việt Nam, với sứ mệnh sản xuất thiết bị chiếu sáng dân dụng. Qua nhiều thử thách, từ thời gian chiến tranh đến cả những lúc bên bờ vực phá sản, Rạng Đông đã tự chủ vươn lên trong cơ chế thị trường.
Năm 2020, Rạng Đông bắt đầu thực hiện chuyển đổi số và đó cũng được xem là lần khởi nghiệp thứ 5 của công ty. Sau 5 năm chuyển đổi số (2020-2024), Rạng Đông tiếp tục tự xem như đang khởi nghiệp, lần khởi nghiệp thứ 6.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp (trường Đại học Ngoại Thương), Chuyên gia Tư vấn trưởng Chuyển đổi số Rạng Đông, cho biết Rạng Đông sẽ nhanh chóng chuyển đổi từ một công ty sản xuất truyền thống tiền internet với những cái sản phẩm dân chủ trở thành một công ty công nghệ điện tử công nghệ cao, hiện đại và là điển hình cho phương thức sản xuất mới số và xanh.
Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Bí thư Đảng ủy và là Tổng Giám đốc công ty, cho biết 5 năm qua, Rạng Đông đã thiết lập được một nền tảng tăng trưởng mới. Cụ thể, năm 2020, công ty đạt mức tăng trưởng 15,6% so với năm 2019. Đến năm 2021, mức tăng trưởng tăng 16% so với năm 2020. Năm 2022, mức tăng trưởng tiếp tục cao hơn 21% so với năm trước đó, và năm 2023 đã ghi nhận mức tăng trưởng 20,4% so với năm 2022. Trong chín tháng đầu năm nay, Rạng Đông đã đạt mức tăng trưởng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng mục tiêu cả năm 2024 của Rạng Đông là đạt doanh thu 11 nghìn tỷ đồng, tăng 2,588 lần. Phấn đấu năm 2025, doanh thu sẽ đạt 13,2-13,75 nghìn tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận 9-10%. Sau đó, giai đoạn 2025-2030 sẽ thiết lập mặt bằng tăng trưởng mới 20-25%, tăng trưởng cấp số nhân; đến năm 2030 đạt 25 nghìn tỷ đồng, tăng 2,27 lần so với năm 2024…
Hiện tại, bình quân thu nhập của cán bộ công nhân viên tại Công ty Rạng Đông đang ở mức khoảng 600-700 USD/người/tháng (15-17 triệu đồng/tháng), và công ty đang phấn đấu để thu nhập bình quân hệ số 1 đạt 2.000 USD/người/tháng. Ông Nguyễn Đoàn Thăng cho rằng tập thể cán bộ công nhân viên của công ty cần nỗ lực quyết tâm rất cao, với sự đồng hành của các chuyên gia, đơn vị tư vấn, đối tác….
TRÍCH LỢI NHUẬN ĐỂ THÀNH LẬP QUỸ NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN, QUỸ ĐẦU TƯ MẠO HIỂM
Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Đoàn Kết cho biết Rạng Đông nhận định trong thời đại hiện nay, đổi mới sáng tạo là một trong những động lực then chốt để phát triển doanh nghiệp. Để thực hiện được điều này, việc trang bị nguồn lực tri thức và quy trình đào tạo là vô cùng cần thiết. Rạng Đông đã quyết định hàng năm sẽ trích 15% lợi nhuận sau thuế để thành lập quỹ nghiên cứu và phát triển, trong đó có 7% lợi nhuận sau thuế dành cho quỹ đầu tư mạo hiểm.
“Các quỹ này đóng vai trò như bệ đỡ cho những ý tưởng sáng tạo, không chỉ của cán bộ, công nhân viên trong Rạng Đông mà còn của sinh viên từ các trường đại học có liên kết với chúng tôi”, ông Kết nói và cho biết điều này tạo ra một môi trường thuận lợi, kích thích đam mê nghiên cứu khoa học và tìm tòi ý tưởng sáng tạo mới.
“Chúng tôi mong muốn chuyển hóa tri thức hiện đại và tích hợp vào sản phẩm cũng như dịch vụ của mình, nhằm phục vụ tốt hơn cho cộng đồng”.
Cũng như vậy, để giải quyết khó khăn về thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, Rạng Đông tạo ra một môi trường học tập ngay trong công ty, khuyến khích nhân viên nâng cao trình độ và phát triển kỹ năng. Đồng thời, công ty thiết lập mối liên kết chặt chẽ với các trường đại học và viện nghiên cứu.
Được biết, Rạng Đông đã xây dựng hơn 10 phòng thí nghiệm chung với các cơ sở như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Bưu chính Viễn thông, và Học viện Công nghệ Đông Á …. Những phòng thí nghiệm này được trang bị đầy đủ thiết bị để sinh viên thực tập, từ đó nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học và phát triển những ý tưởng sáng tạo mới. “Đây chính là nguồn gốc của tri thức mà chúng tôi hướng tới”, Phó Tổng giám đốc Rạng Đông chia sẻ.