November 11, 2024 | 11:44 GMT+7

“Bóng ma” giảm phát đeo đẳng Trung Quốc

An Huy -

Các con số èo uột về lạm phát cho thấy Bắc Kinh vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể thúc đẩy được niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân và đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thoát khỏi sự đeo bám của “bóng ma” giảm phát...

Tiêu dùng yếu và khủng hoảng bất động sản kéo dài đang đè nặng triển vọng kinh tế Trung Quốc - Ảnh: Reuters.
Tiêu dùng yếu và khủng hoảng bất động sản kéo dài đang đè nặng triển vọng kinh tế Trung Quốc - Ảnh: Reuters.

Giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng yếu ớt trong tháng 10, trong khi giá hàng hóa tại cổng nhà máy vẫn giảm. Những số liệu thống kê mới nhất này cho thấy thách thức to lớn mà Bắc Kinh đang phải đối mặt trong cuộc chiến chống giảm phát dù đã có nhiều nỗ lực kích thích kinh tế trong thời gian gần đây.

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố vào cuối tuần vừa rồi cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của nước này tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tốc so với mức tăng 0,4% ghi nhận trong tháng 9 và thấp hơn mức dự báo tăng 0,4% mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của tờ Wall Street Journal.

Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) giảm 2,9% trong tháng 10, đánh dấu tháng giảm thứ 25 liên tiếp. Mức giảm của PPI tháng 10 là sâu hơn mức giảm 2,8% ghi nhận trong tháng 9 và mức dự báo giảm 2,6% của giới phân tích.

ÁP LỰC LẠM PHÁT DAI DẲNG

Các số liệu lạm phát nói trên được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc có một số dấu hiệu của sự ổn định, sau khi các nhà hoạch định chính sách nước này vào cuối tháng 9 tung ra một gói kích thích lớn bằng chính sách tiền tệ. Gói kích thích kinh tế này được xem là một bước ngoặt quan trọng, bởi trong suốt nhiều tháng trước đó, Bắc Kinh chỉ triển khai các biện pháp hết sức dè dặt và hầu như không mang lại tác dụng đáng kể nào.

Tuy nhiên, các con số èo uột về lạm phát cho thấy Bắc Kinh vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể thúc đẩy được niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân và đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thoát khỏi sự đeo bám của “bóng ma” giảm phát.

“Áp lực giảm phát ở Trung Quốc đang dai dẳng một cách rõ rệt”, nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của công ty Pinpoint Asset Management nhận định với Wall Street Journal.

Chỉ số giảm phát tổng sản phẩm trong nước (GDP deflator) - một thước đo rộng về giá cả trong toàn bộ nền kinh tế - của Trung Quốc đã giảm 6 tháng liên tiếp. Xu hướng giảm kéo dài này khiến giới phân tích lo ngại rằng Trung Quốc đang đi vào “vết xe đổ” của Nhật Bản hồi thập niên 1990. Đó là khoảng thời gian mà đất nước mặt trời mọc thiếu các biện pháp vực dậy nền kinh tế sau khi xảy ra tình trạng vỡ bong bóng tài sản, và điều đó đã dẫn tới một thời kỳ kinh tế trị trệ kéo dài.

Báo cáo thống kê công bố ngày thứ Bảy của Trung Quốc cũng cho thấy CPI lõi - thước đo không bao gồm giá của hai nhóm hàng hóa thường xuyên biến động là thực phẩm và năng lượng - tăng 0,2% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 0,1% của tháng 9. Giá của tất cả các hàng hóa và dịch vụ không bao gồm nhóm thực phẩm giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sâu hơn mức giảm 0,2% của tháng 9. So với cùng kỳ 2023, giá thực phẩm tháng 10 tăng 2,9%, thấp hơn mức tăng 3,3% của tháng 9.

Giới chuyên gia kinh tế nhìn chung hoan nghênh các nỗ lực kích thích kinh tế gần đây của Trung Quốc, gồm nới lỏng chính sách tiền tệ và giãn bớt kiểm soát thị trường bất động sản. Tuy nhiên, phần đông các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc cần tăng cường các biện pháp kích thích bằng chính sách tài khóa để lấp đầy khoảng trống chi tiêu mà người tiêu dùng và doanh nghiệp để lại.

Nhưng ít nhất ở thời điểm hiện tại, Bắc Kinh dường như đang áp dụng chiến lược giảm rủi ro thay vì kích thích tăng trưởng, vì việc ông Donald Trump sắp trở lại lãnh đạo Nhà Trắng đang đặt ra nguy cơ tăng thuế quan của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc. Nếu được triển khai, kế hoạch thuế quan của ông Trump có thể ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu của Trung Quốc - trụ cột tăng trưởng quan trọng của nước này.

Hôm thứ Sáu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã phê chuẩn một chương trình trị giá 10 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 1,4 nghìn tỷ USD, để tái cấp vốn cho các khoản nợ của chính quyền các địa phương trong 5 năm tới. Một số nhà kinh tế nhận định rằng chương trình đảo nợ này không nên được coi là một gói kích thích kinh tế vì không làm nợ chính phủ tăng thêm.

Việc Quốc hội Trung Quốc không đưa ra một gói kích thích kinh tế thực sự bằng chính sách tài khóa đã khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng. Trước đó, thị trường tài chính đã kỳ vọng chương trình mà Bắc Kinh đưa ra sẽ bao gồm phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt để tăng mức vốn cho các ngân hàng thương mại trong nước và hỗ trợ ngành bất động sản. Phát biểu hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lan Fo’an nói rằng sắp tới sẽ có biện pháp hỗ trợ trong các lĩnh vực đó, nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể.

KÍCH THÍCH KINH TẾ CHƯA ĐỦ MẠNH?

“Thị trường vẫn đang hết sức ngóng chờ chi tiết của các biện pháp kích thích bằng chính sách tài khóa mà Trung Quốc có thể đưa ra”, ông Zhang nhận định, cho rằng không chỉ quy mô mà thành phần trong một gói kích thích như vậy cũng quan trọng. “Kích thích kinh tế nhằm vào nhu cầu sẽ hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa, và tránh làm gia tăng thêm tình trạng dư thừa công suất”, ông Zhang nói.

Các nhà kinh tế của ngân hàng Barclays cho rằng Bắc Kinh vẫn còn thời gian để theo dõi những ý định chính sách mới của Mỹ thời chính quyền Trump 2.0 và đánh giá tác động tiềm tàng của những chính sách đó đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trước khi đưa ra chính sách để phản ứng.

“Chúng tôi cho rằng việc Trung Quốc để chính quyền địa phương thay vì chính quyền trung ương chịu trách nhiệm giải quyết các khoản nợ ẩn của chính quyền địa phương là một lựa chọn phản ánh mối lo ngại lâu nay của Chính phủ nước này về rủi ro đạo đức và kỷ luật tài khóa”, một báo cáo hôm thứ Sáu của Barclays nhận định.

Báo cáo cho rằng việc Quốc hội Trung Quốc đưa ra một gói chính sách tài khóa dè dặt là dấu hiệu cho thấy mong muốn “bảo toàn dư địa chính sách để ứng phó trong một môi trường bên ngoài nhiều thách thức hơn so với thời chính quyền Trump trước đây”.

Giới chuyên gia cũng cho rằng có một cách lý giải khác cho việc Bắc Kinh không muốn tung ra các biện pháp kích thích táo bạo hơn. Đó là việc giới chức có thể đang ngày càng lạc quan hơn về các dấu hiệu ổn định của nền kinh tế sau những động thái chính sách đã có.

Trong một bài phát biểu vào tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhận định nước này sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức khoảng 5% trong năm nay. Ông nói thêm rằng nền kinh tế “vẫn đang có những yếu tố cơ bản mạnh mẽ” sau khi có sự phản hồi tích cực với các biện pháp kích thích bằng chính sách tiền tệ mà Bắc Kinh đưa ra vào cuối tháng 9.

Các cuộc khảo sát tư nhân cho thấy trong tháng 10, các doanh nghiệp bất động sản lớn nhất ở Trung Quốc đã lần đầu tiên trong năm nay ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước về doanh số bán nhà mới. Cùng với đó, các chỉ số chính thức và tư nhân về lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc đều cho thấy sự tăng trưởng.

Nhưng nhà kinh tế học về Trung Quốc Allan von Mehren tại ngân hàng Danske cho rằng quy mô hạn chế của gói kích thích mà Trung Quốc công bố vào hôm thứ Sáu đồng nghĩa vẫn có khả năng nước này hành động không đủ mạnh để đảo ngược cuộc khủng hoảng bất động sản. “Nhu cầu mua nhà có một vài dấu hiệu khởi sắc, nhưng người mua vẫn chưa sẵn sàng ra quyết định”, ông von Mehren nói.

Với việc Trung Quốc triển khai các biện pháp kích thích kinh tế bằng chính sách tài khóa và tiền tệ, giới chuyên gia dự báo nhu cầu ở nước này sẽ khởi sắc và lạm phát giá tiêu dùng sẽ tăng lên trong mấy năm tới, nhưng có thể chỉ tăng nhẹ và không đủ để đưa tốc độ lạm phát lên gần mức mục tiêu chính thức khoảng 3%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate