BSC vừa có báo cáo vĩ mô và triển vọng thị trường chứng khoán tháng 9 với hai kịch bản chính.
Ở kịch bản thứ nhất, VN-Index tích lũy tích cực trong vùng 1.270-1.280 điểm - tạo động lực hướng đến vùng 1.310 – 1.330 điểm khi thanh khoản tiếp tục được cải thiện bên cạnh yếu tố tâm lý lạc quan được duy trì ổn định trên thị trường bất chấp những thông tin và diễn biến tiêu cực trên thế giới.
Nội tại nền kinh tế tiếp tục khởi sắc, giá cả nguyên vật liệu đầu vào ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin về room tín dụng cho các Ngân hàng thương mại cũng như các biện pháp đẩy nhanh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các Doanh nghiệp của Chính phủ sẽ tạo hiệu ứng và thúc đẩy cho thị trường.
Bên cạnh việc HOSE dự kiến triển khai giao dịch lô lẻ từ 12/09 sẽ tạo hiệu ứng tích cực trên thị trường.
Kịch bản thứ hai, sau nhịp tăng điểm ấn tượng trong tháng 08, tâm lý chốt lời và tiêu cực quay trở lại có thể làm lu mờ những phiên tích cực trước đó. Quan điểm cứng rắn trong việc chống lạm phát của FED tiếp tục được thể hiện trong cuộc họp tháng 9 đồng thời xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nền kinh tế Trung Quốc chưa cho thấy tín hiệu khởi sắc khi các vấn đề nội tại chưa được giải quyết bên cạnh tâm lý lo lắng khi các nền kinh tế phát triển đang có dấu hiệu dần bước vào một cuộc suy thoái. VN-Index được dự báo dao động quanh 1.240-1.250 điểm.
Thanh khoản thị trường dự báo dao động ở mức 0.8-1.0 tỷ USD/phiên khi VN-Index diễn biến trong kịch bản hướng tới 1.310 – 1.330 điểm, tâm lý tích cực được duy trì ổn định trên thị trường.
Về chiến lược đầu tư, trong bối cảnh hiện tại BSC khuyến nghị một số nhóm ngành, cổ phiếu nền tảng cơ bản tốt có thể phân bổ trong danh mục, bao gồm các nhóm: Dầu khí, Phân bón, Hóa chất, CNTT – Bưu chính Viễn thông, Ngành tiêu dùng – Bán lẻ.
Tuy vậy, thị trường tiếp tục đón nhận nhiều thông tin tiêu cực, nhà đầu tư cần theo dõi thêm các thông tin, diễn biến cập nhật về tình hình thế giới, chính sách điều hành của các nước đặc biệt là cuộc họp FOMC sắp tới.
Quan điểm cứng rắn của FED tiếp tục được thể hiện trong cuộc họp FOMC trong tháng 09 điều này không loại trừ khả năng FED sẽ nâng lãi suất +0.75% lần thứ 3 liên tiếp.
Các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới và khu vực ASEAN tiếp tục lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ của mình khi lạm phát ở các quốc gia chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nền kinh tế Trung Quốc chưa cho thấy tín hiệu phục hồi rõ rệt bất chấp những gói kích thích kinh tế quy mô lớn mà Chính phủ ban hành. Lĩnh vực Bất động sản và Ngân hàng tiếp tục là điểm nóng của Bắc Kinh.
Xung đột địa chính trị Nga-Ukraine bước sang giai đoạn mới bên cạnh động thái cứng rắn của Nga cũng như các quốc gia phương Tây về vấn đề năng lượng. Trung Quốc tiếp tục gây sức ép, diễn tập gần Đài Loan điều này sẽ gây căng thẳng và khả năng xảy ra xung đột trên bán đảo này ngày một gia tăng