December 22, 2016 | 09:14 GMT+7

“Bữa tiệc” cuối năm: “Say xỉn” với cổ phiếu bia

Bạch Dương

Những ngày cuối năm chứng khoán Việt như một “bữa tiệc” với nhiều “món mới” thu hút giới đầu tư

Bong bóng cổ phiếu ngành bia đang bùng nổ - Ảnh minh họa.<br>
Bong bóng cổ phiếu ngành bia đang bùng nổ - Ảnh minh họa.<br>
Những ngày cuối năm chứng khoán Việt như một “bữa tiệc” với nhiều món mới thú vị thu hút giới tài chính. Tuy nhiên, việc quá say sưa với các món đặc sản của ông lớn nhà nước lên sàn khiến nhà đầu tư bị cuốn vào vòng xoáy của cổ phiếu bia.

Khi thị trường chao đảo vì... bia

Thị trường chứng khoán Việt liên tục đón nhận những tin tức về các doanh nghiệp quy mô lớn thuộc cả khối nhà nước và tư nhân đã và sắp lên sàn tới đây lên sàn như Petrolimex, Vietnam Airlines, Vietjet, Novaland, VPBank, KienlongBank,..

Hâm nóng thị trường chứng khoán cuối năm phần nhiều đến từ hai cổ phiếu BHN của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội và SAB của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn.

Lên sàn ngày 28/10, song BHN đã bùng nổ dữ dội khiến giới đầu tư kinh ngạc khi tạo nên hiện tượng chưa từng có trong nhóm cổ phiếu bia trên sàn chứng khoán Việt.

BHN liên tiếp tăng trần, từ 39.000 đồng lên tới 225.000 đồng/cổ phiếu (phiên 16/12) và sau đó hạ nhiệt xuống 170.000 đồng chốt phiên 21/12. BHN được định giá tới 39.404 tỷ đồng bất chấp khối lượng giao dịch mỗi phiên chỉ vài chục nghìn đơn vị.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh ngày càng lao dốc. Bia Hà Nội đã chính thức mất thị phần tiêu thụ bia số 2 vào tay Heineken, và còn nắm 20% thị phần bia cả nước. Dù được cộng hưởng bởi hiệu ứng ông Obama ăn bún chả, uống bia Hà Nội song doanh thu và lợi nhuận đều giảm. Cụ thể, doanh thu 6 tháng năm 2016 của BHN đạt 4.049 tỷ đồng, giảm 13% trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 320 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, cổ phiếu SAB của Bia Sài Gòn đã chính thức lên sàn ngày 6/12 giá tham chiếu 110.000 đồng. Ngay sau khi lên sàn, SAB đã khiến hàng loạt nhà đầu tư “khao khát” khi tăng ngay 22.000 đồng, dư mua trần cả chục triệu đơn vị.

Liên tiếp từ ngày chào sàn đến nay cổ phiếu SAB tăng trần và lập đỉnh 225.000 đồng (phiên 15/12) giảm về 200.800 đồng chốt phiên 21/12.

Khi nhà đầu tư say sưa mua đuổi đẩy vốn hoá của SAB đã lên tới 128.769 tỷ đồng, chiếm gần 9% vốn hoá rổ VN-Index, lớn thứ hai sàn chứng khoán chỉ sau Vinamilk.

Cổ phiếu SAB tăng mạnh đã trở thành một trụ giúp VN-Index chống đỡ cho đà giảm điểm những ngày qua. Nhưng khi giảm cũng khiến VN-Index chao đảo. Phiên ngày 20/12, khi SAB bất ngờ giảm 14.800 đồng tác động khiến VN-Index rớt mạnh.

Game thoái vốn “over” vì ẩn số 1%?

Hai ông lớn ngành bia lên sàn, song cổ đông lớn nhất vẫn là Nhà nước mà đại diện là Bộ Công Thương. Tại Bia Hà Nội, gần 82% vốn do Bộ Công Thương quản lý, hơn 17% vốn được nắm giữ bởi Carlsberg, còn 1% tương ứng khoảng 2,3 triệu cổ phiếu giao dịch tự do.

Trong khi đó, Bộ Công Thương vẫn nắm giữ 89,6% vốn của Bia Sài Gòn, Heineken nắm hơn 5% và chỉ có khoảng 6,5 triệu cổ phiếu SAB tự do giao dịch.

Điều này khiến hai cổ phiếu SAB và BHN luôn trong tình trạng “cháy hàng”, dư mua trần số lượng lớn. Khối lượng giao dịch mỗi phiên chỉ vài chục nghìn đơn vị, thậm chí có phiên vỏn vẹn 30 cổ phiếu SAB khớp lệnh.

Khi lượng cung quá ít trong khi cầu lớn, “bong bóng” cổ phiếu bia đã xuất hiện và giá của BHN, SAB được cho là không phản ánh đúng giá trị thực tế của doanh nghiệp.

Trao đổi với VnEconomy, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SJC Huỳnh Anh Tuấn cũng cho rằng với vị thế một nhà đầu tư tài chính ông sẽ không mua SAB, BHN với mức giá hiện tại bởi cổ phiếu được đưa lên mức quá cao để có thể sinh lời.

Ông Tuấn cho rằng, với khối lượng khớp lệnh mỗi phiên rất nhỏ, thanh khoản thấp, việc đầu cơ đẩy giá rất dễ xảy ra, trong trường hợp này giá thị trường không phản ánh giá trị thực tế của doanh nghiệp. Chỉ có những cổ phiếu thanh khoản cao mới có tính định giá cho doanh nghiệp.

Về lộ trình bán vốn sắp tới của SAB và BHN, ông Tuấn nhận định, nếu việc thoái vốn dựa hoàn toàn vào giá thị trường hiện nay để lấy giá tham chiếu, rất có thể Bộ Công Thương sẽ tạo ra rào cản bất lợi để nhà đầu tư ngoại tiếp cận do “e ngại không với tới”.

Nhà đầu tư chiến lược giúp cho sự phát triển thương hiệu, đi đường dài, thay đổi cách quản trị hiệu quả cho doanh nghiệp mà họ đầu tư. Nếu đặt tiêu chí đó, ông Tuấn cho rằng phải có mức giá hợp lý dựa trên những tổ chức tư vấn và giá trị sổ sách doanh nghiệp. Trong trường hợp đặt tiêu chí bán giá cao nhất thì chọn người trả giá cao nhất. Tuy nhiên, những nhà đầu tư này chú ý nhiều đến lợi nhuận, giá cổ phiếu.

“Thị trường bia đang cạnh tranh rất khốc liệt không quá béo bở để chấp nhận mua bằng mọi giá, tránh đưa mức giá quá cao khiến nhà đầu tư e ngại dẫn đến bán vốn không thành công”, ông Tuấn nói.

Giá thị trường được coi là mức tham chiếu để bán vốn nhà nước, tuy nhiên với thực trạng cổ phiếu bia hiện nay, bài toán đặt ra là làm sao để bán vốn doanh nghiệp hiệu quả nhất.

Theo kế hoạch, Bia Sài Gòn sẽ bán tới 70% vốn nhà nước, nhưng lộ trình thoái vốn vẫn chưa được Bộ Công Thương công bố.

Trước đó, ngày 12/12, Vinamilk đã có một phiên đấu giá không thành công như kỳ vọng khi ế hơn 52 triệu cổ phần với giá chào bán là 144.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 7% so với mức giá thị trường. Dù vậy, sau phiên đấu giá, giá cổ phiếu VNM vẫn giảm.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate