August 14, 2023 | 14:44 GMT+7

Bức tranh kinh tế toàn cầu tuần qua

An Huy -

Lạm phát ở Mỹ tiếp tục xu hướng giảm, Trung Quốc rơi vào giảm phát, kinh tế Đức yếu ớt, giá gạo tăng cao đe doạ các nền kinh tế mới nổi, thương mại toàn cầu có vẻ đã suy thoái...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Lạm phát ở Mỹ tiếp tục xu hướng giảm, củng cố kịch bản nền kinh tế lớn nhất thế giới hạ cánh mềm. Ở Trung Quốc, giá tiêu dùng và giá nhà sản xuất cùng xuống dốc, cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã rơi vào tình trạng giảm phát.

Đó là hai trong số những nét chính của bức tranh kinh tế toàn cầu được phản ánh qua các số liệu kinh tế công bố trong tuần vừa rồi.

Dưới đây là một số biểu đồ về kinh tế toàn cầu tuần qua do hãng tin Bloomberg cung cấp:

MỸ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của Mỹ - một thước đo chủ chốt về lạm phát ở nước này - ghi nhận mức tăng so với tháng trước yếu nhất kể từ đầu năm 2021, chỉ tăng 0,2%. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9.

Dù vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, CPI lõi vẫn tăng 4,65%, cao hơn so với dự báo và cao hơn gấp đôi so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed - đặt ra khả năng Fed sẽ không sớm cắt giảm lãi suất.

Biểu đồ trên: biến dộng CPI lõi hàng tháng so với tháng trước của Mỹ. Biểu đồ dưới: Biến động CPI (màu đen) và CPI lõi (màu đó) hàng tháng so với cùng kỳ năm trước của Mỹ. Đơn vị: %.
Biểu đồ trên: biến dộng CPI lõi hàng tháng so với tháng trước của Mỹ. Biểu đồ dưới: Biến động CPI (màu đen) và CPI lõi (màu đó) hàng tháng so với cùng kỳ năm trước của Mỹ. Đơn vị: %.

Việc lạm phát dịu đi ở Mỹ được giới đầu tư xem là một tin tốt, vì điều này đồng nghĩa rằng nền kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm - tức là Fed có thể kiểm soát được lạm phát mà không gây ra một cuộc suy thoái kinh tế.

Một dữ liệu kinh tế Mỹ khác đáng chú ý trong tuần qua là báo cáo từ Fed chi nhánh New York cho thấy dư nợ thẻ tín dụng ở Mỹ đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD trong quý 2 vừa qua.

Dư nợ cho vay mua ô tô (màu đen) và dư nợ thẻ tín dụng (màu vàng) ở Mỹ. Đơn vị: nghìn tỷ USD.
Dư nợ cho vay mua ô tô (màu đen) và dư nợ thẻ tín dụng (màu vàng) ở Mỹ. Đơn vị: nghìn tỷ USD.

Dư nợ vay mua xe ô tô ở Mỹ cũng đang ở mức gần 1,6 nghìn tỷ USD. những con số này cho thấy sự mở rộng của hoạt động vay nợ của người tiêu dùng Mỹ trong quá trình nền kinh tế nước này phục hồi từ đại dịch Covid-19.

TRUNG QUỐC

Số liệu công bố tuần qua cho thấy cả CPI và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc cùng giảm lần đầu tiên kể từ năm 2020. Đối với giới đầu tư toàn cầu, đây là một tin xấu, bởi tình trạng giảm phát của Trung Quốc đồng nghĩa với triển vọng của nền kinh tế nước này xấu đi.

CPI tháng 7 của Trung Quốc giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái; PPI giảm 4,4%; còn CPI lõi tăng 0,8%.

Biến động chỉ số CPI (màu đen), chỉ số PPI (hồng) và CPI lõi (vàng) của Trung Quốc hàng tháng so với cùng kỳ năm trước. Vạch màu xám chỉ những tháng mà CPI và PPI cùng giảm.
Biến động chỉ số CPI (màu đen), chỉ số PPI (hồng) và CPI lõi (vàng) của Trung Quốc hàng tháng so với cùng kỳ năm trước. Vạch màu xám chỉ những tháng mà CPI và PPI cùng giảm.

Một thông tin ảm đạm khác về kinh tế Trung Quốc là lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót vào nước này trong quý 2 năm nay giảm xuống mức thấp nhất 25 năm. Căng thẳng địa chính trị và sự phục hồi chậm chạm của kinh tế Trung Quốc hậu Covid-19 được cho là những yếu tố khiến doanh nghiệp nước ngoài suy giảm niềm tin.

Vốn FDI vào Trung Quốc (vàng), vốn FDI từ Trung Quốc ra nước ngoài (hồng) và vốn FDI ròng của Trung Quốc (đen). Đơn vị: tỷ USD.
Vốn FDI vào Trung Quốc (vàng), vốn FDI từ Trung Quốc ra nước ngoài (hồng) và vốn FDI ròng của Trung Quốc (đen). Đơn vị: tỷ USD.

Trong quý 2, vốn FDI vào Trung Quốc chỉ đạt 4,9 tỷ USD, trong khi doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư 39 tỷ USD vốn FDI vào các thị trường nước ngoài, dẫn tới lượng vốn FDI ròng của nước này trong quý là âm 34,1 tỷ USD.

CHÂU ÂU

Kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng ở khu vực Eurozone trong tháng 6 giảm mạnh, theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương châu Âu. Tuy nhiên, mức kỳ vọng của người tiêu dùng ở khu vực này về lạm phát sau 12 tháng tới và sau 3 năm tới vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Điều này có thể làm khó cho ECB khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cân nhắc có nên tiếp tục chiến dịch tăng lãi suất.

Kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng châu Âu về 12 tháng tới (biểu đồ trái) và về 3 năm tới (biểu đồ phải).
Kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng châu Âu về 12 tháng tới (biểu đồ trái) và về 3 năm tới (biểu đồ phải).

Ở Đức, sản lượng công nghiệp giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 6 vừa qua, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu còn yếu sau khi thoát khỏi cuộc suy thoái hồi đầu năm nay. Không chỉ ở Đức, sản lượng công nghiệp ở Pháp và Tây Ban Nha cũng giảm trong tháng 6.

Biểu đồ trên: Biến động sản lượng công nghiệp hàng tháng của Đức. Biểu đồ dưới: Chỉ số sản lượng công nghiệp của Đức (mốc so sánh là năm 2015 = 100 điểm).
Biểu đồ trên: Biến động sản lượng công nghiệp hàng tháng của Đức. Biểu đồ dưới: Chỉ số sản lượng công nghiệp của Đức (mốc so sánh là năm 2015 = 100 điểm).

Kinh tế Anh tăng trưởng 0,2% trong quý 2 so với quý 1 năm nay, mức tăng mạnh nhất trong hơn 1 năm. Dù vậy, Anh vẫn là nền kinh tế duy nhất trong nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) chưa phục hồi hoàn toàn từ đại dịch.

Biến động tổng sản phẩm trong nước (GDP) của các nền kinh tế trong nhóm G7 từ quý 4/2019 đến quý 2/2023.
Biến động tổng sản phẩm trong nước (GDP) của các nền kinh tế trong nhóm G7 từ quý 4/2019 đến quý 2/2023.

CÁC NỀN KINH TẾ MỚI NỔI

Giá gạo tăng lên mức cao nhất 15 năm đang thổi bùng nỗi lo về lạm phát giá lương thực. Gạo là lương thực quan trọng đối với hàng tỷ người ở châu Á và châu Phi.

Tỷ trọng của gạo trong lượng calo hấp thụ hàng ngày của người dân tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tỷ trọng của gạo trong lượng calo hấp thụ hàng ngày của người dân tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

THẾ GIỚI

Trong lúc các chuyên gia kinh tế đánh giá khả năng suy thoái của các nền kinh tế lớn trên thế giới, nhiều số liệu thống kê gần đây cho thấy suy thoái đã xảy đến với thương mại toàn cầu. Trung Quốc, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, báo cáo giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2020. Đức, nước xuất khẩu lớn thứ ba thế giới, chứng kiến xuất khẩu giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2021.

Tăng/giảm kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang một số nền kinh tế trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng/giảm kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang một số nền kinh tế trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate