Bức tranh toàn cảnh và những xu hướng của ngành thương mại điện tử được đưa ra trong báo cáo "Thương mại điện tử năm 2021: Thích ứng và nhanh chóng vượt trở ngại từ Covid-19" của Lazada Việt Nam. Báo cáo này tổng hợp từ dữ liệu ấn tượng cùng sự tham vấn của ông Nguyễn Thanh Sơn - Chuyên gia cấp cao Tư vấn chiến lược kinh doanh và Truyền thông doanh nghiệp và ông Lại Tiến Mạnh - Giám đốc Điều hành MiBrand.
THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ BỨT TỐC VÀ NHỮNG ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN
Theo Báo cáo của Lazada Việt Nam, bất chấp đại dịch Covid-19, năm 2021 là năm khởi sắc với nền kinh tế số Đông Nam Á, trong đó thương mại điện tử là động lực tăng trưởng chính. Theo Statista, giá trị thương mại điện tử ở Đông Nam Á tăng 24 lần trong 6 năm qua, từ 5 tỷ USD năm 2015 lên 120 tỷ USD năm 2021; dự kiến đạt 234 tỷ USD năm 2025. Thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam được dự báo sẽ có mức tăng trưởng vượt trội, từ 13 tỷ USD năm 2021 lên 39 tỷ USD năm 2025.
Báo cáo ghi nhận động lực tăng trưởng từ xu hướng mua sắm trên thương mại điện tử, sự gia tăng về số lượng nhà bán hàng mới và sự hưởng ứng của người dân dành cho các hoạt động mua sắm kết hợp giải trí. Đặc biệt, sự đầu tư mạnh vào các hệ thống logistics nội bộ giúp thương mại điện tử giải được bài toán đứt gãy chuỗi cung ứng.
Năm 2021, người dân đã thay đổi thói quen và hành vi tiêu dùng. "Độ tuổi người tiêu dùng trực tuyến trên thương mại điện tử mở rộng, thời gian sử dụng nhiều hơn và đơn hàng có số lượng, giá trị lớn hơn". 58% người tiêu dùng Việt cho rằng sẽ tiếp tục mua sắm trên thương mại điện tử vì sự tiện lợi, họ sẽ vẫn duy trì với 53% cho rằng mua hàng trực tuyến đã trở thành một phần trong cuộc sống.
Hai báo cáo gần đây của Lazada Việt Nam cho thấy số lượng nhà bán hàng quý 2/2021 tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước, tăng hơn 1,5 lần trong quý 3/2021 so với cùng kỳ năm trước. Các thương hiệu thực phẩm và đồ uống lớn tham gia kinh doanh trên Lazada trong quý 3 đã mang đến mức tăng trưởng cao nhất về số lượng người bán trong năm 2021
Các chuyên gia cũng phân tích sự khác biệt cơ bản giữa kinh doanh trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline) chính là trải nghiệm và kết nối. Không giống với mua sắm ngoại tuyến, môi trường trực tuyến cần nhiều nỗ lực hơn từ các nhà bán hàng để xây dựng “kết nối ảo” với khách hàng. Và chiến lược mua sắm kết hợp giải trí - với nhiều hoạt động đa dạng như livestream, đánh giá sản phẩm thực tế, chính là "chìa khóa" giúp thương hiệu và nhà bán hàng tháo gỡ được nút thắt này. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, trò chơi LazGame “Lazzie Star” đã thu hút hơn 750.000 người chơi và doanh thu LazLive tăng 22 lần.
Năm qua, logistics tiếp tục là yếu tố tạo sự khác biệt giữa các nền tảng thương mại điện tử. Lazada Logistics đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm duy trì sự ổn định và nâng cao tốc độ của quá trình giao hàng; từ đó đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân.
Để thích ứng với việc giãn cách xã hội trên diện rộng và kéo dài hơn 4 tháng tại Tp.HCM, Lazada đã mở thêm 5 trung tâm phân loại hàng hóa vệ tinh tại các quận Tân Phú, quận 4, thành phố Thủ Đức và huyện Hóc Môn để đảm bảo nguồn hàng được phân phối kịp thời. Công nghệ AI được ứng dụng vào khâu giao hàng để đảm bảo tuyến đường giao vận ngắn nhất.
Trong Lễ hội mua sắm 11/11 năm 2021, Lazada đạt kỷ lục với đơn hàng giao nhanh nhất - chỉ trong vòng 30 phút kể từ lúc đơn hàng được ghi nhận đến khi giao thành công cho khách hàng. Ấn tượng hơn, trong Lễ hội mua sắm 12/12, đơn hàng được giao nhanh nhất của Lazada chỉ mất 8 phút.
5 XU HƯỚNG BÁN HÀNG CỦA TƯƠNG LAI SỐ
Báo cáo đưa ra những dự đoán về xu hướng của ngành thương mại điện tử trong thời gian tới.
Social commerce sẽ lên ngôi trong năm 2022. Phương thức bán hàng sử dụng nội dung tương tác cao, giao tiếp kết nối trực tiếp với người tiêu dùng như livestream, trải nghiệm gian hàng ảo, hoạt động giải trí kết hợp mua sắm sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng.
Xu hướng thứ hai là về nội dung do người dùng sáng tạo, với sự gia tăng của nhiều nền tảng mạng xã hội tương tác cao và để lại bài đánh giá, thu hút người dùng tạo nội dung liên quan đến thương hiệu hoặc sản phẩm, giúp tối ưu hóa kết nối, hỗ trợ quá trình quyết định mua hàng.
Thứ ba, đa kênh là hình thức bán lẻ mới. Tận dụng cả kênh trực tuyến và truyền thống bằng cách tham gia các nền tảng thương mại điện tử, sử dụng các công cụ tiếp thị trực tuyến có sẵn, gói hỗ trợ giao hàng và hỗ trợ người bán từ sàn thương mại điện tử là những cách giúp nhà bán tiết kiệm chi phí khi mở rộng hoạt động kinh doanh trực tuyến.
Thứ tư, cá nhân hóa hành trình mua sắm của khách hàng. Cá nhân hóa nội dung và điểm chạm trong hành trình mua sắm là chìa khóa thu hút sự chú ý và giữ chân người tiêu dùng. Lazada đã đầu tư vào AI và công nghệ để tổng hợp và xử lý thông tin, từ đó thấu hiểu và thiết kế những trải nghiệm cho khách hàng.
Thứ năm, đa dạng hóa phương thức thanh toán mang lại sự tiện lợi và đảm bảo an toàn. Tăng cường tiện lợi cho người tiêu dùng, thanh toán bằng ví điện tử đang trở nên phổ biến hơn và có khả năng chiếm ưu thế hơn phương thức thanh toán khi nhận hàng (CoD).
Ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan chia sẻ: “Là nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam với tệp khách hàng và mạng lưới đối tác rộng lớn, chúng tôi đã quan sát được nhiều sự dịch chuyển đáng chú ý trong bức tranh toàn cảnh về thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm qua. Hy vọng báo cáo sẽ là nguồn tham khảo hữu ích đến thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam cũng như những dự đoán về xu hướng của thị trường này trong năm 2022”.