Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang ồ ạt xây sân golf nhằm thu lợi từ kinh doanh dịch vụ giải trí và bất động sản.
Tuy nhiên, sự “bùng nổ” sân golf sẽ mang đến những hậu quả tai hại về môi trường và xã hội. Bài học của các nước Đông Nam Á và quốc tế từ hơn thập niên nay chứng minh điều đó...
Vườn xoài Pak Ahmad là một khu đất nhỏ nằm ngay dưới thác Seven Wells ở đảo Langkawi phía ngoài bờ biển Malaysia. Đây là vườn xoài duy nhất ở thung lũng và sự tồn tại của nó đang bị đe dọa bởi kế hoạch xây dựng sân golf. Người Nhật mê chơi golf đang hướng ra nước ngoài tìm những sân golf mới và Đông Nam Á là khu vực hấp dẫn.
Ngày càng nhiều công dân châu Á - nhất là doanh nhân - chọn golf làm môn thể thao, dẫn tới sự bùng nổ sân golf và gây áp lực nặng nề về môi trường và xã hội do việc nuôi giữ các bãi cỏ xanh rộng lớn cần xén tỉa gọn ghẽ là rất khó khăn trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nhiều sâu bệnh và cỏ dại.
Môi trường phải trả giá
Đảo Langkawi đã từng có hai sân golf và ba sân golf nữa đã được lập kế hoạch. Theo nhà hoạt động môi trường Nhật Bản Gen Morita, để xây dựng một sân golf ở đây, các nhà đầu tư phải xóa sổ hàng trăm héc ta rừng. Việc chặt cây phát cỏ làm xói mòn, lở đất; độ dốc tự nhiên cùng mực nước ngầm sẽ bị thay đổi. Hậu quả là nền đất sẽ bị suy yếu, dễ bị hủy hoại bởi mưa gió và động đất.
Cỏ trên sân golf cần phải được tưới nước thường xuyên. Một sân golf 18 lỗ tiêu thụ mỗi ngày 5.000 mét khối nước, tương đương lượng nước sinh hoạt cho 2.000 gia đình và sự “khát nước” này có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Chính phủ Malaysia đã chi hơn 7,5 triệu đô la xây hệ thống cấp nước cho một khu nghỉ dưỡng sân golf ở đảo Redang, lấy nước từ Terengganu, nơi một đợt dịch tả vừa hoành hành vì không đủ nước sạch.
Theo Morita, trung bình mỗi năm một sân golf sử dụng 1,5 tấn hóa chất, trong đó có axit silic, ôxit nhôm và ôxit sắt - các tác nhân có tiềm năng gây ung thư. Chất xúc tác làm cứng đất để gia cố nền và bờ các hồ nhân tạo ở sân golf có sử dụng acrylamide là một chất cực độc. Hóa chất ngấm xuống đất và nguồn nước ngầm khiến người dùng nước có thể bị nhiễm độc và rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương.
Morita nói thêm: “Không chỉ làm nhiễm độc nguồn nước, mà có rất nhiều hóa chất được phun vào không khí ở sân golf. Người ta không nhận thấy mình đang hít thở chất độc”.
Mối nguy hiểm của việc sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và phân hóa học đã được chứng minh tại Câu lạc bộ Sapporo Kokusai Country ở thành phố Hiroshima. Những người quản lý đã cho phun hợp chất đồng để cỏ khỏi héo vì tuyết mùa đông. Khi mưa xuống, hóa chất tan vào hệ thống thoát nước, giết chết hơn 90.000 con cá của một dự án thủy sản gần đó.
Hậu quả của việc sử dụng hóa chất tại sân golf này và sáu sân golf khác của thành phố là nhiều người mắc bệnh viêm mũi dị ứng, phát ban kinh niên và hen suyễn. Tỷ lệ người mắc bệnh hen suyễn ở thành phố này cao gấp năm lần so với trung bình toàn nước Nhật.
Nhà nghiên cứu kinh tế môi trường New Zealand Darryl Carlin cho rằng các sân golf là một hình thức độc canh không thân thiện với môi trường, nơi mà đất và cỏ ngoại lai, phân hóa học, các loại thuốc trừ sâu, diệt nấm, diệt cỏ dại đã làm thay việc của hệ sinh thái tự nhiên.
Cộng đồng cũng phải trả giá
Sự “bùng nổ” sân golf không chỉ tác động đến môi trường. Tại Thái Lan, các nhà đầu tư mua hết đất xung quanh một địa điểm dự định làm sân golf, khiến người dân địa phương rất khó khăn khi qua lại và buộc phải bán đất.
Một tờ báo địa phương ở Thái Lan thuật lại lời kể của một bà cụ ở miền Bắc đất nước đã được các nhà đầu tư bảo rằng: “Nếu không bán đất, bà sẽ phải mua một chiếc trực thăng để đi lại, vì mỗi khi bà rời nhà và đi qua đất của chúng tôi, chúng tôi sẽ kiện bà ra tòa”.
Tại Cimacan (Tây Java, Indonesia) năm 1991, để xây dựng sân golf người ta đã phải di dời 287 hộ nông dân. Người dân mất đất được nhà đầu tư thanh toán 1,5 xu (cent) cho mỗi mét vuông đất. Những nông dân không còn đất lại đi làm thuê cho những người chủ đất mới. Công việc ở sân golf đã làm thay đổi mạnh mẽ lối sống độc lập và tính tự tin mà họ từng có.
Thông thường sự thay đổi này dẫn đến sự suy sụp của các cộng đồng dân cư địa phương. Những người không được làm việc tại sân golf phải bỏ lên các thành phố lớn, góp phần làm tăng các vấn nạn đô thị như nhà ổ chuột, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường…
Theo bà Anita Pleumaron, thành viên của Mạng lưới Du lịch châu Á (ANTENNA), trái với tuyên bố của các nhà đầu tư, việc phát triển sân golf thường đem lại rất ít lợi ích cho kinh tế địa phương mà phần lớn lợi nhuận sẽ về tay các nhà đầu tư nước ngoài. Bà nói: “Người mất mát nhiều nhất chính là dân địa phương khi chính quyền không những không trả phí tổn về môi trường và xã hội do các sân golf gây ra mà thậm chí còn trợ cấp cho ngành kinh doanh này bằng việc miễn giảm tiền thuế để xúc tiến du lịch sân golf”.
Mặc dù sân golf có những hệ lụy đáng kể nhưng cư dân địa phương thường bị loại ra khỏi việc quyết định có nên xây dựng sân golf không. Khi xây dựng luận chứng cho sân golf Sho Lo Tung ở Hồng Kông, Carlin gọi điện thoại tới Câu lạc bộ Hong Kong Royal Jockey để hỏi xem liệu họ có quan tâm tới ý kiến của những nhà hoạt động môi trường không, người có trách nhiệm đã trả lời đơn giản: “Tôi không làm việc với những kẻ lập dị” và cúp máy.
Thiết nghĩ, Việt Nam cần sớm rút ra những bài học của các nước láng giềng Đông Nam Á. Hiện nay đã khá muộn để Nhà nước thiết lập sự quản lý chặt chẽ các dự án phát triển sân golf bằng các văn bản quy phạm pháp luật và tiêu chuẩn môi trường, bằng việc quy hoạch hợp lý.
Xin trích lời của GS. TS Phạm Sĩ Liêm để kết thúc bài báo này: “Cuộc chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp là một quá trình tất yếu… Tôi thấy cuộc chuyển đổi này đang theo phong trào, theo mốt, theo lợi ích thiển cận mà thiếu sự cân nhắc”. Cân nhắc lợi hại là cần thiết, dù muộn còn hơn không.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate