Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã có kết luận thanh tra chỉ ra nhiều vi phạm của dự án "Trồng rừng, trồng cây cao su và quản lý bảo vệ rừng tại Tiểu khu 575, xã Đạ Tồn, huyện Đạ Huoai, do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Song Hải Long (Song Hải Long) làm chủ đầu tư".
Theo đó, công ty Song Hải Long được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và đã lập thủ tục để được thuê đất, thuê rừng; xin phép chuyển mục đích sử dụng 1,4ha đất chuyên dùng; xin phép khai thác tận dụng lâm sản với diện tích 129,86ha; trồng được 110ha cao su (nay còn 50ha); 6,61ha cây lim xanh…
Tuy nhiên, đến nay, dự án đã chậm tiến độ đầu tư theo cam kết; dự án chưa đưa vào khai thác nên chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.
Đáng chú ý, công ty Song Hải Long trồng các loại cây gồm lim xanh, sưa đỏ là không đúng các loại cây trồng theo Giấy chứng nhận đầu tư được cấp.
Trong công tác quản lý bảo vệ rừng còn hạn chế, để rừng bị lấn chiếm diện tích lớn, làm mất trữ lượng rừng, buộc công ty phải bồi thường tài nguyên rừng.
Đối chiếu kết quả viễn thám, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng xác định diện tích thực tế rừng bị mất tại dự án này hơn 23ha.
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nguyên nhân chủ quan dẫn đến các tồn tại, vi phạm trên là do công ty Song Hải Long chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong quản lý bảo vệ rừng; chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên đất được thuê, chưa kịp thời lập thủ tục về thuê rừng theo quy định…
Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Đạ Huoai, Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, dẫn đến các tồn tại, vi phạm như đã nêu.
Theo Luật đầu tư 2014 và Luật Đất đai 2013, dự án "Trồng rừng, trồng cây cao su và quản lý bảo vệ rừng tại Tiểu khu 575, xã Đạ Tồn, huyện Đạ Huoai" của công ty Song Hải Long thuộc diện bị thu hồi một phần dự án.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án này, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu công ty Song Hải Long phải khắc phục các tồn tại, sai phạm: hoàn thành việc trồng rừng; trồng lại 38,43ha đất rừng (trong đó 15,42ha đất rừng bị mất trước thời điểm giao đất và hơn 23ha đất rừng bị lấn chiếm và khai thác trái phép).
Thực hiện nộp tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng do để mất rừng (thời gian thực hiện các nội dung kiến nghị này trước ngày 31/12/2022); khẩn trương thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đủ mạnh để tổ chức quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp được thuê…