January 24, 2013 | 15:41 GMT+7

Bước đi mạnh mẽ của Philippines về biển Đông

An Huy

Manila muốn tòa án quốc tế phán quyết rằng, các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông là bất hợp pháp

Người biểu tình Philippines phản đối các động thái gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông.<br>
Người biểu tình Philippines phản đối các động thái gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông.<br>
Philippines đã có một động thái pháp lý mạnh mẽ nhằm vào các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ biển Đông. Manila chính thức thông báo với Bắc Kinh rằng, họ đã tìm đến một trọng tài quốc tế để đứng ra phân xử tranh chấp giữa hai bên trên vùng biển này.

Tại một cuộc họp báo diễn ra ngày 22/1 vừa qua, Ngoại trưởng Philippines, ông Albert del Rosario, cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Ma Keqing và trao cho bà Ma một thông báo báo tin cho Chính phủ Trung Quốc rằng, phía Philippines đã đưa các tuyên bố xung đột về chủ quyền trên biển Đông giữa hai nước lên một tòa án hoạt động theo Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hiệp quốc (UNCLOS). Philippines muốn tòa án này phán quyết rằng, các tuyên  bố chủ quyền của Bắc Kinh ở biển Đông là bất hợp pháp.

Giải pháp cuối cùng?

“Philippines đã cạn gần như tất cả các lối đi về chính trị và ngoại giao nhằm tìm kiếm một giải pháp thông qua đàm phán hòa bình cho các tranh chấp trên biển với Trung Quốc”, ông del Rosario nói. “Cho tới nay, vẫn chưa có một giải pháp nào”.

Philippines hy vọng cơ chế trọng tài thông qua một tòa án quốc tế sẽ dẫn tới một phán quyết rằng, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là vi phạm UNCLOS. Trung Quốc và Philippines nằm trong số hơn 160 quốc gia đã phê chuẩn hiệp ước nhằm mục đích quản lý việc sử dụng các vùng ngoài khơi và đặt ra các giới hạn về lãnh thổ cho các quốc gia ven biển này.

Ngoại trưởng del Rosario tuyên bố, Philippines hy vọng tòa án quốc tế sẽ yêu cầu phía Trung Quốc “rút khỏi các hoạt động vi phạm các quyền của Philippines trên vùng biển của Philippines”.

Theo AP, hiện có 6 quốc gia và vùng lãnh thổ đang ở trong cuộc tranh chấp về chủ quyền trên phần lớn biển Đông, trong đó Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với hầu như toàn bộ vùng biển này. Năm ngoái, tàu bán quân sự của Trung Quốc đã đối đầu với tàu thuyền của Philippines trong suốt mấy tháng trời tại một bãi cạn mà hai bên cùng tuyên bố chủ quyền.

Đã xuất hiện những lo ngại rằng các cuộc tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, bao gồm tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông, có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang mới ở châu Á. Tuy nhiên, Trung Quốc lâu nay thường xuyên lớn tiếng phản đối những nỗ lực tham gia của các bên thứ ba hoặc các tổ chức quốc tế vào các tranh chấp trên biển Đông.

Trong văn bản chuyển cho Đại sứ Trung Quốc, phía Philippines liệt kê nhiều động thái gây hấn mà Manila cho là do Trung Quốc thực hiện trong mấy năm gần đây nhằm đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền, bao gồm việc chiếm giữ các hòn đảo trên biển Đông và thông qua một đạo luật cho phép tàu thuyền Trung Quốc được chặn tàu thuyền nước ngoài đi ngang qua các vùng nước mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Philippines muốn kết thúc việc chiếm đóng và các hoạt động của Trung Quốc trên 8 vỉa đá và bãi cạn cùng vùng nước xung quanh, bao gồm vỉa đá Vành khăn (Mischief) mà Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1995, gây ra sự phản đối quyết liệt từ phía Manila và lo ngại từ các quốc gia Đông Nam Á.

Tháng 6 năm ngoái, sau nhiều tháng tranh chấp leo thang, Trung Quốc - đối tác thương mại lớn thứ ba của Philippines - đã giành quyền kiểm soát đối với hòn đảo mà nước này gọi là Hoàng Nham còn Philippines gọi là Scarborough Shoal. Khi một cơn bão tiến đến gần, hai bên nhất trí sẽ rút lui tàu bè của mình. Tuy nhiên, Trung Quốc đã nhanh chóng quay trở lại và chăng dây xung quanh bãi cạn Hoàng Nham để tàu bè của Philippines không thể tiến vào.

Phản ứng của các bên


Đại sứ Trung Quốc Ma đã trả lời phía Philippines bằng luận điệu quen thuộc: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các hòn đảo trên biển Đông và vùng nước lân cận”.

Tuy nhiên, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhang Hua, vị Đại sứ Trung Quốc nhấn mạnh rằng, các tranh chấp nên được các bên liên quan giải quyết thông qua từng cuộc đàm phán riêng.

Đáp lại, tờ Inquirer Philippines ngày 24/1 đưa tin, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Edwin Lacierda khẳng định, "chúng tôi đã nộp đơn kiện, vì vậy, chỉ cần gặp nhau tại tòa án quốc tế".

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon phát biểu tại New York cho biết, tổ chức này “sẵn sàng cung cấp các hỗ trợ về kỹ thuật và chuyên môn nếu cần thiết, nếu được yêu cầu”.

“Tuy nhiên, trước hết, tất cả các vấn đề này nên được giải quyết giữa các bên liên quan”, ông Ban Ki-moon nói. Vị Tổng thư ký nói thêm rằng, điều quan trọng là các quốc gia trong khu vực phải giải quyết tranh chấp “thông qua đối thoại hòa bình và thân thiện”.

Theo AP, trong trường hợp tòa án quốc tế ra phán quyết chống lại phía Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn có thể chọn cách phớt lờ phán quyết này.

Chuyên gia về quan hệ quốc tế Chao Shaofeng thuộc Đại học Bắc King cho rằng, không một trọng tài nào có thể xử lý vấn đề này trừ phi cả hai bên liên quan thông qua. Theo ông Chao, ít có khả năng Bắc Kinh sẽ nhất trí với một quy trình như vậy hay chấp nhận phán quyết một tòa án mà họ không công nhận.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Philippines lập luận rằng, trọng tài quốc tế vẫn có thể xử lý vụ việc, cho dù Trung Quốc có tham gia hay không.

Văn phòng Ngoại trưởng del Rosario nói trong một tuyên bố rằng, các nhà lãnh đạo Philippines “muốn cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhưng sẽ không từ bỏ chủ quyền quốc gia”, đồng thời hy vọng rằng động thái của Manila sẽ không có ảnh hưởng bất lợi đối với thương mại song phương.

Ông Del Rosario nói rằng, động thái của Philippines được đưa ra độc lập với Mỹ, đồng minh của nước này. Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ đứng ngoài cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, nhưng Washington đã tuyên bố rằng, giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trong khu vực và tự do hàng hải tại vùng biển tranh chấp nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate