Ông Petri Deryng, người đứng đầu quản lý quỹ đến từ Phần Lan - Pyn Elite Fund trong thư gửi nhà đầu tư đã nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây.
Cụ thể, theo vị này, thị trường chứng khoán Việt Nam đang tệ nhất về hiệu suất sinh lợi với Vn-Index giảm 32% từ dầu năm, tiền đồng mất giá 8,1% và danh mục đầu tư của quỹ hiện đang âm 37,3%.
Đáng nói, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh, GPD theo ước tính tăng trưởng 8% trong năm 2022, lạm phát ở mức thấp 4%. Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp niêm yết cũng đang rất tốt. Hệ số nợ ròng của 50 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất là 0,21, các doanh nghiệp tiếp tục đạt tăng trưởng hơn 20%.
"Là một nhà quản lý danh mục đầu tư, tôi rất bối rối và ngạc nhiên trước diễn biến yếu kém thị trường chứng khoán. Thị trường đã không bị định giá quá cao vào đầu năm 2022. Quỹ cũng đã lường trước tăng trưởng của các doanh nghiệp tại Mỹ và sự xáo trộn của thị trường có thể xảy ra. Tuy nhiên, quỹ không thể lường trước được những bất ổn bên ngoài cùng với các biện pháp kỷ luật tại thị trường tài chính Việt Nam có thể tạo ra diễn biến như vậy cho thị trường chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng rất tốt", người đứng đầu quỹ Pyn Elite Fund nhấn mạnh.
Khi so sánh tình hình hoạt động của thị trường Việt Nam với các thị trường Đông Nam Á khác, ông Petri Deryng kết luận rằng có tới 2/3 nguyên nhân cho diễn biến không khả quan của thị trường chứng khoán Việt Nam tới từ yếu tố trong nước. Cụ thể, hoạt động thanh tra giám sát về lâu dài sẽ nâng cao niềm tin của nhà đầu tư, nhưng trong ngắn hạn gây ra tâm lý yếu trên thị trường. Dẫu vậy, ông Petry Deryng tin rằng tình hình sẽ lắng dịu trong những tháng tới, mặc dù sự chỉ đạo chặt chẽ từ phía cơ quan chức năng vẫn sẽ tiếp tục trong vài năm tới.
Cũng theo ông Petri Deryng, khi thị trường chứng khoán đi xuống trong cơn hoảng loạn và những tin đồn, rất khó để xác định đáy thông qua các phương pháp định giá cơ bản. Cổ phiếu hiện đang rất rẻ, các mức hợp lý của Vn-Index có thể sẽ cao hơn rất nhiều so với thời điểm đầu năm 2022.
Tuy nhiên, đáy thị trường có thể đã ở xung quanh đây. "Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể chạm đáy ngay trong tuần này hoặc trong vài tuần tới, khi lãi suất có thể đạt đỉnh ở Việt Nam vào đầu năm 2023 và thị trường chứng khoán sẽ phản ánh điều này từ 3 hoặc 4 tháng trước", ông Petri Deryng chia sẻ.
Hiện chưa tìm thấy báo cáo của nhà kinh tế vĩ mô nào đánh giá triển vọng kinh tế của Việt Nam sẽ yếu kém trong thập kỷ này. Dù nhịp điều chỉnh mạnh đang gây sốc cho nhà đầu tư, song việc phân biệt điểm mạnh và điểm yếu của Việt Nam phải được xem xét một cách nghiêm túc để có được cái nhìn sâu sắc về những gì có thể xảy ra trong 12 tháng tới.
Bước ngoặt quan trọng có thể xuất hiện khi FED chỉ ra rằng các đợt tăng lãi suất lớn nhất đang ở phía sau. Điều này sẽ tạo ra một chuyển động ngược lại đối với đồng USD được định giá quá cao, các đồng tiền châu Á sẽ mạnh lên và loại bỏ áp lực tăng lãi suất từ các quốc gia. Sự biến mất của kỳ vọng tăng lãi suất tiếp theo có thể kích hoạt sự đảo chiều với đồng USD.
Trước đó, báo cáo của quỹ cho thấy, kết thúc tháng 9, hiệu suất của quỹ ngoại này âm 13,19%, qua đó ghi nhận mức thua lỗ tệ nhất 29 tháng kể từ tháng 3/2020 âm 26,78%. Tính chung 9 tháng đầu năm, hiệu suất của quỹ ngoại đến từ Phần Lan âm 28,65%, mức âm kỷ lục kể từ khi hoạt động tại thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2013 đến nay, chỉ thấp hơn đôi chút so với đà giảm của VN-Index trong cùng thời kỳ (30,9%).
Ba cổ phiếu đóng góp vào mức giảm mạnh nhất của hiệu suất gồm NLG giảm đến 28%, KDH giảm 24,2% và CTG giảm 17,9%.
Tính tới cuối tháng 9/2022, quy mô danh mục Pyn Elite Fund đạt hơn 393 triệu Euro tương đương gần 9.196 tỷ đồng. So với tháng trước đó, quy mô danh mục của quỹ đã giảm xấp xỉ 60 triệu Euro tương đương giảm hơn 1.400 tỷ đồng.
Top 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục của quỹ này gồm VHM chiếm tỷ trọng 17,1% trong danh mục CTG (16,4%), VRE (10,2%), VEA (9,8%), TPB (9,4%), ACV (9%)…