Theo báo cáo mới đây của Sở Tài chính Quảng Nam, năm 2024, lĩnh vực thu nội địa và xuất khẩu của tỉnh này đều tăng khá, cụ thể thu thuế xuất nhập khẩu tăng 22,8% (4.300 tỷ/3.500 tỷ đồng); thu ngân sách nội địa tăng hơn 10%.
Đặc biệt, riêng Công ty Trường Hải Quảng Nam đã đóng góp đến hơn 60% số thu ngân sách nội địa và 80% số thu thuế xuất nhập khẩu của tỉnh Quảng Nam.
Theo phân tích của Cục thuế tỉnh Quảng Nam, số thu của Trường Hải tăng ước 25,3% so với dự toán năm 2024 (khoảng 11.650 tỷ/9.300 tỷ đồng). Tăng trưởng này là số thu phát sinh trong tháng 12/2023 (nộp tháng 1/2024) và nhờ Nhà nước thực hiện chính sách giảm thu 50% lệ phí trước bạ chính thức có hiệu lực từ tháng 9/2024.
Theo đại diện Cục thuế tỉnh Quảng Nam, ngoài số thuế tăng trưởng cao từ các khoản thu lớn của Trường Hải, Nam Hội An, năm 2024, nhiều khoản thu như thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, thu nợ và nguồn thu mới từ phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu... đã bù đắp cho những khoản thu hụt của một số ngành như bia, thủy điện và tiền sử dụng đất, nên tổng số thu ngân sách tỉnh Quảng Nam năm nay tăng cao so với dự toán, đạt 118,5%.
Theo Ban kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam, số thu ngân sách nội địa trên địa bàn của tỉnh trong 6 tháng năm 2024 bị đánh giá tỷ lệ thu đạt thấp nhất nước thì đã tăng trưởng nhanh trong nửa năm còn lại.
Kết quả này đến từ việc ngành thuế đã chủ động khai thác, tìm kiếm các nguồn thu khác để bù đắp sự thiếu hụt của các nguồn thu chủ đạo. Trừ một số ít khoản thu từ đất, xổ số kiến thiết thì thu ngân sách nội địa năm 2024 của tỉnh Quảng Nam đã tăng hơn 19,9%, một con số khá ấn tượng được ghi nhận.
Đạt được kết quả trên, các ngành, địa phương tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực, đặc biệt là ngành thuế. Ngay từ đầu năm, Cục Thuế Quảng Nam đã tham mưu UBND tỉnh mở nhiều cuộc họp chỉ đạo, đưa ra kế hoạch theo dõi, giám sát, gỡ vướng từng dự án cụ thể để đốc thu vào ngân sách nhà nước, đồng thời kiến nghị Chính phủ, Quốc hội ban hành chính sách giảm lệ phí trước bạ, gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt, giúp doanh nghiệp có đủ nguồn lực tài chính, gia tăng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, tăng doanh số kéo theo đó là các khoản thuế vào ngân sách nhà nước cũng tăng theo.
Bên cạnh đó, ngành tài chính Quảng Nam cũng đã dự báo khá chính xác được những tác động đến nền kinh tế, nên đã chủ động định hướng các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, nỗ lực sản xuất, kinh doanh sát với thực tế, nhất là đối với các tập đoàn, doanh nghiệp chủ lực, có tỷ trọng thu ngân sách lớn trên địa bàn của tỉnh, nhờ đó đã giúp vượt thu vào ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.