August 10, 2021 | 13:16 GMT+7

Cả nước mới có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân

Mộc Minh -

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước mới có 2,58 triệu m2 nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, chỉ đủ bố trí cho khoảng 330.000 người lao động…

Chiến lược nhà ở đến năm 2020, mục tiêu phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị.
Chiến lược nhà ở đến năm 2020, mục tiêu phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị.

Theo ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhà ở dành cho công nhân ngày càng lộ rõ bất cập, thực tế tại một thôn gần khu công nghiệp ở một địa phương có 1.000 dân sinh sống, nhưng có gần 10.000 lao động lưu trú. Điều này tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, gây áp lực về hạ tầng xã hội và dễ phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự.

Trên cả nước, hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha, trong đó, 116 dự án đã hoàn thành với diện tích đất hơn 250ha. Con số diện tích đất được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng chưa đến một nửa chỉ tiêu, chỉ chiếm tỷ trọng 41,6%.

Riêng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đến nay, cả nước có 2,58 triệu m2, đủ bố trí cho khoảng 330.000 người lao động, chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu công nhân.

Về phát triển nhà ở xã hội trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, số liệu từ Bộ Xây dựng cho biết theo thống kê của các địa phương, sau gần 10 năm thực hiện, tính đến nay, cả nước mới hoàn thành 254 dự án, tương đương khoảng 108.800 căn nhà ở xã hội với tổng diện tích hơn 5,4 triệu m2.

Hiện có 271 dự án nhà ở xã hội vẫn đang triển khai, tương đương khoảng 256.500 căn với tổng diện tích hơn 12,8 triệu m2.

Nguyên nhân của việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho rằng đó là tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng lại ở những vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng... Điều đó dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai dự án.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Đình Khang cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách đủ mạnh để có thể thu hút các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, đặt mục tiêu rõ ràng để thực hiện.

Đồng thời, đề nghị Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; xem xét, bổ sung trong kế hoạch vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, chăm lo cho công nhân - lực lượng đang trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội.

Trước hết, cần phải bố trí một phần vốn ngân sách nhà nước để làm “vốn mồi” cho chương trình phát triển nhà ở cho công nhân, thúc đẩy các nhà đầu tư tư nhân tham gia mạnh mẽ vào phát triển nhà ở xã hội.

 

Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020.

Theo Quyết định 2127 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2015, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 22m2 sàn/người; đến năm 2020 đạt khoảng 25m2 sàn/người.

Các mục tiêu cụ thể, giai đoạn 5 năm từ 2011-2015, tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt khoảng 62%, trong đó tại đô thị đạt 65%, tại nông thôn đạt 60%; tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và hỗ trợ các hộ nghèo khu vực nông thôn; phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 10 triệu m2 nhà ở xã hội (nhà chung cư) để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; hoàn thành việc hỗ trợ cho khoảng 400.000 hộ gia đình tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở.

Trong giai đoạn 5 năm từ 2016-2020, mục tiêu phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt khoảng 70%, trong đó tại đô thị đạt trên 75%, tại nông thôn đạt 65%; xóa hết nhà ở đơn sơ trên phạm vi toàn quốc…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate