July 27, 2023 | 07:47 GMT+7

Cả nước thiếu 51.300 giáo viên mầm non

Đỗ Như -

Năm học 2022-2023, cả nước thiếu trên 51.300 giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Đội ngũ thiếu dẫn đến áp lực đối với giáo viên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, hạn chế trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.

Nhiều ý kiến thảo luận tại Hội nghị. Ảnh: MOET
Nhiều ý kiến thảo luận tại Hội nghị. Ảnh: MOET

Ngày 26/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị sơ kết đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025, triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030 và lấy ý kiến góp ý hồ sơ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo.

Ngày 03/12/2018 Chính phủ ban hành Quyết định số 1677/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển giáo dục cho giai đoạn 2018-2025. Đề án này đã tạo dựng nền tảng, hành lang pháp lý vững chắc để đầu tư phát triển giáo dục mầm non.

THIẾU 51.300 GIÁO VIÊN MẦM NON

Báo cáo triển khai thực hiện Đề án, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh cho biết, cả nước hiện có 15.334 nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non. Tổng số trẻ mầm non được đến trường và chăm sóc giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non là hơn 5 triệu trẻ em. Có 18/63 đạt và vượt chỉ tiêu về huy động trẻ đến 2025.

Toàn quốc đã bố trí đủ 1 phòng học/1 lớp , tỷ lệ kiên cố đạt 82,2% (vượt 2,2% so với mục tiêu đến năm 2025). Công tác xã hội hóa đối với giáo dục mầm non được quan tâm, triển khai. Toàn quốc có 3.224 trường mầm non ngoài công lập, tăng 1.099 trường so với năm học 2015-2016; có 15.749 cơ sở là các nhóm/lớp độc lập, tăng 1.195 cơ sở so với năm học 2015-2016.

Theo thống kê, toàn quốc hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2017. Đến tháng 12/2022, cả nước có 63/63 tỉnh/thành phố, 713/713 đơn vị cấp huyện (100%) duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, 11.098/11.106 đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (đạt 99,9%).

Toàn quốc có 99,1% trẻ em mầm non được tổ chức học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em trong các cơ sở giáo dục giảm dần qua các năm. Tỷ lệ thừa cân béo phì được khống chế. Trẻ được chuẩn bị sẵn sàng về thể chất, tâm lý, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm kỹ năng xã hội để vào lớp 1.

Trẻ em mẫu giáo có hoàn cảnh khó khăn được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật được quan tâm phát hiện sớm, can thiệp sớm, học hòa nhập góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em đến trường, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng cao. Trẻ em người dân tộc thiểu số được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1…

Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục mầm non cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo báo cáo từ các địa phương, năm học 2022-2023, cả nước thiếu trên 51.300 giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Đội ngũ thiếu dẫn đến áp lực đối với giáo viên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, hạn chế trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Tiền lương, tiền công, chính sách của giáo viên mầm non rất thấp.

Mạng lưới trường, lớp chưa đáp ứng nhu cầu tới trường, lớp của trẻ; đặc biệt là ở vùng núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu công nghiệp, khu chế xuất và khu đông dân cư. Cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu cấp học mầm non còn thiếu, cũ, hỏng nhiều và chưa đáp ứng yêu cầu dạy học.

Vẫn còn khoảng gần 500.000 trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi chưa được đến trường, chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long; còn gần 800.000 trẻ em mầm non người dân tộc thiểu số chưa được tới trường, chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non.

CẦN CƠ CHẾ TUYỂN DỤNG ĐỦ GIÁO VIÊN MẦM NON

Để khắc phục khó khăn, hạn chế, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non đề cập tới một số nhiệm vụ và giải pháp.

Trong đó có giải pháp thí điểm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo ở một số tỉnh, thành phố; đổi mới Chương trình giáo dục mầm non; phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất và nơi tập trung đông dân cư; đầu tư phát triển mạng lưới, cơ sở vật chất; chính sách phát triển đội ngũ, có cơ chế, giải pháp đào tạo, tuyển dụng đủ giáo viên mầm non theo quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hợp tác đối với giáo dục mầm non.

Phó Giám đốc Sở giáo dục đào tạo tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Thị Ngọc cho biết, tính đến năm học 2022-2023, so với mục tiêu đề án của Chính phủ, Bắc Ninh cao hơn 10,2% tỷ lệ huy động nhà trẻ, cao hơn 4,98% tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo; tỷ lệ ngoài công lập ở nhà trẻ cao hơn 1,9%. 100% số cơ sở giáo dục mầm non, số nhóm, lớp, số trẻ được học 2 buổi/ngày; hàng năm tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm 0,3% - 0,7%.

Với nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút, phát triển đội ngũ giáo viên, Bắc Ninh là một trong những địa phương cơ bản đảm bảo định biên giáo viên/nhóm, lớp, với tỷ lệ từ 2,05 - 2,15 giáo viên nhà trẻ/nhóm và 1,89 -1,93 giáo viên mẫu giáo/lớp.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở giáo dục đào tạo tỉnh Long An Nguyễn Hồng Phúc cho biết, năm học 2022-2023, toàn tỉnh Long An còn thiếu 1.365 giáo viên, trong đó cấp mầm non thiếu 273 giáo viên. Tỷ lệ bố trí giáo viên/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức biên chế giáo viên theo quy định. Dự báo đến năm 2025, số lượng giáo viên cần bổ sung là 2.314 người.

Tỉnh Long An đã triển khai một số giải pháp như: thực hiện quy trình tiếp nhận viên chức, xây dựng kế hoạch tuyển dụng bổ sung viên chức; thực hiện hợp đồng ký hợp đồng dưới 12 tháng với giáo viên; thực hiện đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116 đến năm 2025 là  4.300 giáo viên các cấp học.

Đồng thời cũng thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý như: thực hiện nâng bậc lương thường xuyên, nâng lương trước hạn, phụ cấp thâm niên vượt khung; chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo…

Phó Giám đốc Sở giáo dục đào tạo Long An kiến nghị, Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương cho đội ngũ công chức, viên chức; quan tâm chính sách tiền lương đối với đội ngũ viên chức ngành giáo dục để đội ngũ an tâm công tác, gắn bó với nghề.

 

Trao đổi tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ cho biết, Uỷ ban tới đây sẽ tổ chức một hội nghị riêng về giáo dục mầm non, trong đó tập trung vào những vấn đề khó khăn “cốt yếu” nhất của bậc học này hiện nay để đề xuất giải pháp khắc phục.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate