July 13, 2024 | 15:17 GMT+7

Cà phê, gỗ, cao su của Việt Nam xuất khẩu vào EU phải tuân thủ EUDR

Chu Khôi -

Một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường EU như cà phê, gỗ và cao su phải được truy xuất nguồn gốc đến từng vườn theo Quy định về việc quản lý nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm không gây phá rừng, suy thoái rừng của châu Âu (EUDR), có hiệu lực từ ngày 30/12/2024...

Nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên sẵn sàng đáp ứng các quy định của EUDR.
Nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên sẵn sàng đáp ứng các quy định của EUDR.

Nhằm góp phần cung cấp một nền tảng trao đổi và đối thoại giữa các bên liên quan chính trong việc thúc đẩy quá trình thực hiện Quy định quản lý nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm không gây phá rừng, suy thoái rừng của châu Âu (EUDR), ngày 12/7/2024, tại Đắk Lắk, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Phái đoàn EU tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Trao đổi kỹ thuật về EUDR và các chuỗi cung ứng không gây phá rừng, suy thoái rừng tại Việt Nam”.

Sự kiện có  sự tham dự của hơn 80 đại diện từ các Bộ, ngành ở trung ương và cơ quan liên quan tại các tỉnh Tây Nguyên, đại diện khu vực tư nhân bao gồm hiệp hội, doanh nghiệp 3 ngành hàng cà phê, gỗ và cao su cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế.

TẬP TRUNG VÀO CÁC DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU CÀ PHÊ, GỖ, CAO SU

Tại hội thảo, ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất về Hành động Khí hậu, Môi trường, Việc làm và Chính sách xã hội, Phái đoàn EU tại Việt Nam, khẳng định: "EUDR sẽ góp phần giảm nạn phá rừng toàn cầu và suy thoái rừng trên toàn thế giới, từ đó giảm phát thải khí nhà kính và giúp giải quyết hai cuộc khủng hoảng lớn đương đại: mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu".

Sự gia tăng nhu cầu và thương mại của EU đối với các mặt hàng và sản phẩm hợp pháp, không phá rừng sẽ tạo cơ hội cho nông dân quy mô nhỏ ở Việt Nam. Việc tuân thủ EUDR sẽ cải thiện hệ thống sản xuất của họ, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và khả năng truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng; nhờ vậy, giá sản phẩm và sinh kế của nông dân cũng sẽ được cải thiện.

"EUDR yêu cầu các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu vào thị trường châu Âu (EU) và xuất khẩu từ EU không có nguồn gốc từ đất do phá rừng hoặc góp phần vào suy thoái rừng tính từ thời điểm 30/12/2020", ông Rui Ludovino thông tin.

Ông Rui Ludovino: "EURD sẽ tạo cơ hội cho nông dân quy mô nhỏ ở Việt Nam".
Ông Rui Ludovino: "EURD sẽ tạo cơ hội cho nông dân quy mô nhỏ ở Việt Nam".

Tiếp nối sự thành công của cuộc họp kỹ thuật vào tháng 3/2024, hội thảo này cung cấp nền tảng trao đổi và đối thoại giữa các bên liên quan chính trong việc thúc đẩy quá trình thực hiện EUDR, bao gồm các mối quan ngại, thách thức và cơ hội đối với việc quản lý chuỗi cung ứng không phá rừng, đặc biệt đối với ngành cà phê, gỗ và cao su tại Việt Nam, nhằm chuẩn bị quá trình tuân thủ một cách hiệu quả.

 

“Một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường EU như cà phê, gỗ và cao su phải được truy xuất nguồn gốc đến từng vườn theo Quy định về việc quản lý nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm không gây phá rừng, suy thoái rừng của châu Âu (EUDR) có hiệu lực từ ngày 30/12/2024”.

Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất về Hành động Khí hậu, Môi trường, Việc làm và Chính sách xã hội, Phái đoàn EU tại Việt Nam.

Thông qua EUDR, EU hướng tới giảm thiểu sự đóng góp của liên minh vào phá rừng và suy thoái rừng trên toàn cầu và từ đó giảm thiểu tác động đến biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kinh và mất đa dạng sinh học. Hơn nữa, EU cũng mong muốn đóng góp vào thực hiện Thỏa thuận Paris, các mục tiêu phát triển bền vững, Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất và khung đa dạng sinh học toàn cầu Kunming-Montreal.

“EUDR chỉ tập trung vào các doanh nghiệp, không phải các quốc gia hoặc nhà sản xuất tại nước thứ ba. Đây là cách tiếp cận chuyển đổi từ tự nguyện hướng tới một khung pháp lý chặt chẽ, nhằm yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa vào thị trường EU phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình”, ông Rui Ludovino nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: "Việt Nam sẵn sàng đáp ứng EUDR"
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: "Việt Nam sẵn sàng đáp ứng EUDR"

Khẳng định Việt Nam sẵn sàng đáp ứng EUDR, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết đáp ứng EUDR không chỉ là tuân thủ yêu cầu của thị trường có tiêu chuẩn cao của xuất khẩu nông sản, mà còn là cơ hội để nền nông nghiệp của chúng ta có thể chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững đúng với định hướng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Theo ông Tuấn, ngay từ khi phía EC ban bố EUDR, Việt Nam đã nhanh chóng thực hiện lộ trình thích ứng với EUDR. Vào tháng 3/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp tham vấn các đơn vị thuộc Bộ, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nông sản để lên ý tưởng về các giải pháp. Đến tháng 4/2023 đã tổ chức cuộc Đối thoại đầu tiên với Phái đoàn EU.

Trong các tháng 5-6/2023, tổ chức 3 hội nghị về hành động và giải pháp thích ứng với EUDR. Đến tháng 7/2023, Việt Nam đã ban hành Khung Kế hoạch hành động thích ứng với EUDR, sau đó Bộ trưởng gửi thư cho Chủ tịch UBND các tỉnh đề nghị phối hợp triển khai khung Kế hoạch hành động này.

Thông tin thêm, ông Tuấn cho biết Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã gặp Cao ủy môi trường và Tổng vụ môi trường EC tại Brussels vào tháng 10/2023 và tháng 7/2024, đàm phán về tiến trình thực hiện EUDR. Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập nhóm Công tác chung triển khai Kế hoạch hành động, thành lập tổ công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch thích ứng với EUDR.

LỘ TRÌNH THÍCH ỨNG BÀI BẢN

Đề cập về lộ trình thực thi các giải pháp kỹ thuật thích ứng với EUDR tại Việt Nam, ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết nhiều ngành hàng nông sản tại Việt Nam như cà phê, cao su đã triển khai lộ trình thích ứng với EUDR.

Trong lĩnh vực cà phê, Nhóm PPP ngành hàng cà phê do Cục Trồng trọt, Néstle và JDE đồng chủ trì làm đầu mối triển khai các hoạt động thích ứng EUDR. Từ tháng 1 - 7/2024, đã triển khai giải pháp thí điểm đáp ứng yêu cầu của EUDR tại Đắk Lắk và Lâm Đồng. Tháng 2/2024, thành lập liên minh công tư nhằm chia sẻ và bảo mật thông tin, dữ liệu về xây dựng hệ thống rừng và vùng sản xuất đáp ứng EUDR tại Đắk Lắk và Lâm Đồng. Dự kiến mở rộng sang Gia Lai

Nhóm PPP ngành lâm nghiệp đã thành lập Tổ công tác xây dựng và thực hiện Kế hoạch thích ứng với EUDR của Cục Lâm nghiệp ngày 3/7/2024. Nhóm này đã xây dựng các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật đáp ứng Quy định EUDR cho các ngành hàng cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su. Đồng thời, chủ động xây dựng các gói giải pháp kỹ thuật và gửi cho EC đề nghị phản hồi.

 

"Cục Lâm nghiệp Việt Nam đã thành lập và vận hành Tổ công tác xây dựng Kế hoạch hành động thích ứng với EUDR lĩnh vực Lâm nghiệp (QĐ số 144/QĐ-LN-KH&HTQT ngày 04/7/2024). Cục đã xây dựng hướng dẫn tuân thủ EUDR, làm cơ sở tuyên truyền, nâng cao năng lực, hoàn thiện các văn bản pháp quy liên quan đến lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng".

Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang huy động các nguồn lực cho thích ứng với EUDR. Đến nay, đã có một số dự án do EU đồng tài trợ.

Cụ thể, Dự án “Nông nghiệp bền vững vì hệ sinh thái rừng” (SAFE)” do EU và BMZ đồng tài trợ thông qua GIZ Dự án hỗ trợ chuyển đổi bao trùm hướng tới chuỗi cung ứng cà phê bền vững, hợp pháp và không phá rừng ở Brazil, Ecuador, Zambia, Việt Nam và Công gô.

Dự án: “Cam kết với Indonesia, Malaysia, Lào, Thái Lan và Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn về Quy định của EU về giảm nạn phá rừng và suy thoái rừng” do EU và BMZ đồng tài trợ.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Cục Lâm nghiệp cho hay, tiến trình thích ứng với EUDR tại Việt Nam có những thuận lợi: Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều sáng kiến về bảo vệ và phát triển rừng: Đã dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên từ năm 2014; Doanh nghiệp Việt Nam đã quen với Quy chế gỗ 995/2010 của EU, đã thực thi VPA /FLEGT, thực thi Thỏa thuận Gỗ với Hoa Kỳ.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thích ứng với EUDR, Cục Lâm nghiệp cho biết cơ sở dữ liệu ngành lâm nghiệp vẫn còn thiếu, không đồng nhất, chưa có bản đồ gianh giới rừng 2020 đáp ứng yêu cầu của EUDR. Trong khi đó, chuỗi cung các ngành hàng nông sản tại Việt Nam thường dài, phức tạp, nhỏ lẻ, việc tuân thủ truy xuất hạn chế. EU chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp và chỉ số giám sát thực hiện EUDR.

Ngay từ khi EC ban bố EUDR, Cục Lâm nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động: xác định rừng định nghĩa theo FAO (diện tích lớn hơn 0,5 ha, độ tàn che hơn10%; kiểm tra bằng ảnh vệ tinh đa thời gian và không gian để quản lý rừng, xác định vị trí tọa độ thửa đất canh tác, diện tích rừng để truy xuất đến vị trí địa lý lô canh tác). Từ đó, hoàn thiện bản đồ rừng vệ tinh tại Việt Nam.

“Lâm nghiệp là nền tảng để các ngành đáp ứng yêu cầu EUDR, bởi là nơi cung cấp cơ sở dữ lệu về ranh giới rừng để phục vụ các ngành hàng truy xuất nguồn gốc. Chúng tôi cung cấp thông tin đầu vào để EU phân loại quốc gia theo rủi ro thông qua công tác bảo vệ, phát triển, quảng lý rừng bền vững”, đại diện Cục Lâm nghiệp nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate