Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (22/1), nối tiếp phiên lập kỷ lục vào hôm thứ Sáu của S&P 500, đưa cả chỉ số này và Dow Jones cùng thiết lập đỉnh cao mới. Giá dầu tăng 2% sau khi có tin về một vụ tấn công được cho là của Ukraine nhằm vào một cơ sở năng lượng của Nga vào cuối tuần.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 138,01 điểm, tương đương tăng 0,36%, chốt ở mức 38.001,81 điểm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ số blue-chip gồm 30 cổ phiếu thành viên này chốt phiên trên ngưỡng 38.000 điểm.
S&P 500 tăng 0,22%, chốt ở mức 4.850,43 điểm, đánh dấu phiên lập kỷ lục thứ hai liên tiếp. Chỉ số Nasdaq tăng 0,32%, đạt 15.360,29 điểm.
Sau nhiều nỗ lực, vào hôm thứ Sáu vừa rồi, S&P 500 cuối cùng đã phá vỡ cả kỷ lục nội phiên và kỷ lục đóng cửa mà thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall đã thiết lập vào tháng 1/2022. Những diễn biến này cho thấy thị trường đã nối lại xu hướng đầu cơ giá lên bắt đầu vào tháng 10/2022 sau đợt bán tháo cùng năm đó.
“Đây gần giống như nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO)”, Giám đốc quản lý đầu tư Brian Price của công ty Commonwealth Financial nhận định về diễn biến phiên đầu tuần. “Thị trường có một chút biến động khi bước sang năm 2024, có thể do nhà đầu tư tái cân bằng danh mục và tìm cách hiện thực hoá một phần lợi nhuận. Nhưng bây giờ, có vẻ như chúng ta đang nối lại xu hướng tăng vốn có trong quý 4”.
Giới phân tích cho rằng đà tăng của chứng khoán Mỹ có thể kéo dài bao lâu tuỳ thuộc vào việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có đưa nền kinh tế hạ cánh mềm được hay không. Hạ cánh mềm là kết quả mà ở đó chính sách tiền tệ thắt chặt giúp đưa lạm phát giảm về mục tiêu của ngân hàng trung ương mà không gây ra một cuộc suy thoái kinh tế.
Gần đây, kỳ vọng về việc Fed giảm lãi suất sớm và nhiều trong năm 2024 đã giảm xuống, sau một loạt số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng. Nhưng mặt khác, sự vững vàng của nền kinh tế cũng giúp củng cố kịch bản hạ cánh mềm.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của công ty vận hành sàn giao dịch CME Group, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng chỉ khoảng 40% Fed có đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 3 năm nay. Như vậy, khả năng này đã giảm khoảng một nửa từ mức hơn 80% cách đây 1 tuần. Khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 3 tăng lên mức 58%, từ mức chỉ khoảng 19% vào tuần trước.
Trong tuần này, tâm điểm chú ý của giới đầu tư ở Phố Wall tiếp tục hướng đến các báo cáo kinh tế Mỹ, đặc biệt là số liệu về tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4/2023 dự kiến công bố vào ngày thứ Năm, và tiếp đến là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu. Hai báo cáo này được kỳ vọng sẽ giúp định hình sắc nét hơn triển vọng chính sách tiền tệ của Fed trong thời gian tới.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,78 USD/thùng, tương đương tăng 2,42%, chốt ở mức 75,19 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 1,5 USD/thùng, tương đương tăng 1,91%, chốt ở 80,06 USD/thùng.
Nguồn tin ở Kyiv tiết lộ với hãng tin BBC và tờ báo Wall Street Journal rằng thiết bị bay không người lái của Ukraine đã tấn công vào một cảng nhiên liệu lớn của Nga gần thành phố St. Petersburg. Cơ sở có tên Ust-Luga trên biển Baltic này là nơi xuất khẩu 1,35 triệu thùng dầu thô, xăng và các sản phẩm chưng cất khác mỗi ngày - theo dữ liệu từ công ty Kpler.
Vụ tấn công nói trên “đặt ra câu hỏi: liệu Ukraine có đưa ra quyết định chính sách là sẽ tấn công hạ tầng dầu lửa của Nga hay không? Nếu câu trả lời là có, đó sẽ là một vấn đề lớn”, chiến lược gia Bob Yawger của công ty Mizuho Americas nhận định với hãng tin Reuters.
Sự việc cũng cho thấy tính chất dễ tổn thương của các cơ sở năng lượng trước các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái, không chỉ ở Nga mà còn cả ở Trung Đông - theo Chủ tịch Andrew Lipow của công ty Lipow Oil Associates. Ông Lipow cho rằng nếu tiếp tục có thêm những cuộc tấn công như vậy nhằm vào hạ tầng dầu khí của Nga, “đó sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi và là những gì mà thị trường đang phản ánh vào giá dầu”.
Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị vẫn tiếp diễn ở Trung Đông, với chiến tranh Israel-Hamas ở Gaza; một vụ tấn công của phiến quân liên minh với Iran nhằm vào một căn cứ không quân của Mỹ ở Iraq vào hôm thứ Bảy; và phiến quân Houthi - lực lượng được Iran hậu thuẫn - tiếp tục tấn công vào tàu chở hàng trên Biển Đỏ, bất chấp các cuộc tấn công đáp trả của liên quân Mỹ-Anh.
Những diễn biến này đang đẩy cao mối lo rằng Mỹ và Iran đang bị kéo vào các cuộc xung đột ở Trung Đông, đặt ra nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu từ khu vực. Tuy nhiên, điều khiến nhà đầu tư dầu quan tâm hơn vào lúc này là triển vọng cung-cầu dầu trong năm 2024.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng dầu của các quốc gia ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sẽ tăng khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong năm nay, nhiều hơn mức tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo đạt 1,2 triệu thùng ngày.
Trong khi đó, OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày trong năm nay, còn sản lượng dầu ngoài OPEC sẽ chỉ tăng 1,3 triệu thùng/ngày.
Giá bitcoin có lúc giảm dưới ngưỡng 40.000 USD, khi hiệu ứng tăng giá của việc nhà chức trách Mỹ phê chuẩn việc mở quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) bitcoin giao ngay giảm dần. Lúc gần 7h sáng nay (23/1) theo giờ Việt Nam, giá đồng tiền ảo lớn nhất thế giới đứng ở mức 39.566 USD, giảm hơn 4,7% so với trước đó 1 ngày và giảm 7% so với trước đó 1 tuần - theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com.
Giới phân tích cho rằng sau đợt tăng nóng cuối năm ngoái, sự điều chỉnh này của bitcoin là cần thiết và hoàn toàn nằm trong dự báo. Bitcoin đã giảm 14% kể từ hôm 10/1 - thời điểm Uỷ ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) phê chuẩn mở quỹ ETF bitcoin giao ngay. Các nhà phân tích kỹ thuật nói rằng xu hướng tăng của bitcoin trong dài hạn vẫn còn, nhưng trong ngắn hạn, giá có thể sẽ giảm sâu hơn.