Tại Mỹ, các công ty công nghệ hàng đầu (Big Tech) đang ráo riết đầu tư hàng tỷ USD cho các trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) để đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực điện toán và cơ sở hạ tầng phục vụ các tác vụ AI cấp cao.
Đồ thị dưới đây thể hiện tổng chi tiêu vốn cho AI và chi phí vận hành trung tâm dữ liệu của Microsoft, Google, Meta và Amazon từ tháng 1 đến tháng 8/2024.
Chi tiêu vốn cho AI gồm đầu tư một lần hoặc không thường xuyên cho các tài sản và cơ sở hạ tầng AI dài hạn. Còn chi phí vận hành là các chi phí hàng ngày cho việc vận hành và bảo trì các trung tâm dữ liệu AI.
Dữ liệu được lấy từ New Street Research và ngân hàng JP Morgan, được cập nhật tới tháng 8/2024. Chi phí vận hành bao gồm chi phí vận hành bằng tiền mặt, phần mềm, khấu hao và điện.
Theo đó, Microsoft dẫn đầu về chi tiêu dành cho trung tâm dữ liệu AI với tổng chi tiêu vốn và chi phí vận hành tính tới tháng 8/2024 là 46 tỷ USD. Đây cũng là công ty có nhiều trung tâm dữ liệu nhất tại Mỹ với 300, theo sau là Amazon với 215 trung tâm. Tuy nhiên, số lượng lớn không đồng nghĩa với tổng năng lực điện toán cao bởi các trung tâm dữ liệu có quy mô và công suất khác nhau.
Tháng 9/2024, Microsoft và BlackRock công bố kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD thông qua chương trình Hợp tác Đầu tư Hạ tầng Trí tuệ Nhân tạo Toàn cầu (GAIIP) để phát triển các trung tâm dữ liệu AI và cơ sở hạ tầng năng lượng dành riêng cho các trung tâm này.
Từ đồ thị có thể thấy, cả Google và Amazon hiện đầu tư cho việc đào tạo các mô hình AI nhiều gấp đôi so với chi tiêu cho việc vận hành những mô hình này phục vụ khách hàng.
Chi phí đào tạo các mô hình AI lớn ngày càng trở nên đắt đỏ hơn bởi cần có bộ cơ sở dữ liệu khổng lồ, phép toán phức tạp và tài nguyên điện toán lớn. Do đó, những mô hình như vậy thường cần tới các bộ xử lý đồ họa (GPU) công suất lớn và tiêu thụ nhiều điện năng.
Tuy vậy, khi tần suất và quy mô triển khai mô hình AI tăng lên, tổng chi phí vận hành có thể vượt qua chi phí đầu tư cho việc đào tạo ban đầu. Đây là trường hợp của ứng dụng ChatGPT của startup Open AI.