Để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là việc xác định nguồn gốc các biến thể của virus SARS-CoV-2, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiến hành giải trình tự gene các mẫu do các địa phương gửi về ở những bệnh nhân đã mắc Covid-19.
Kết quả giải trình tự gene một số mẫu ngày 11/5 do các tỉnh gửi về có kết quả như sau: 7 mẫu thuộc biến thể B.1.617.2 là biến chủng được tìm thấy ở Ấn Độ từ các bệnh nhân có liên quan tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Trong đó: Vĩnh Phúc: 2 mẫu; Bắc Ninh: 2 mẫu; Lạng Sơn: 2 mẫu; Nam Định: 1 mẫu. Có 1 mẫu thuộc biến thể B.1.1.7 là biến chủng của Anh liên quan đến bệnh nhân nhập cảnh từ Lào tại Hải Dương.
Theo các nhà khoa học, biến chủng B.1.1.7, phát hiện lần đầu tại ở Kent, đông nam nước Anh hồi tháng 9/2020. Chủng B.1.1.7 có khả năng lây nhiễm lớn, tải lượng virus tăng gấp 4 lần so với chủng trước đây. Thời gian đào thải mầm bệnh ra ngoài cũng rất cao và rất ngắn, tỷ lệ lây nhiễm tăng 70% so với chủng Vũ Hán ban đầu.
Nhóm biến thể B1.617.2 cùng B1.617.1, B1.617.3 được gọi chung là biến thể Ấn Độ B1.617. GS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, chủng virus B.1617 ở Ấn Độ nguy hiểm hơn các chủng hiện hành khác. “Chủng này có đột biến kép ở đoạn protein S nên lan tràn rất nhanh, tử vong rất cao”, GS Nguyễn Văn Kính nói.
Cũng theo GS Nguyễn Văn Kính, dù chưa rõ tỷ lệ lây lan của chủng Ấn Độ cao hơn chủng Anh bao nhiêu, nhưng biến chủng B1.617 lây nhanh hơn tất cả chủng trước đây Ấn Độ từng gặp.
Việt Nam hiện có 5 chủng virus SARS-CoV-2 lưu hành, ngoài chủng Ấn Độ, chủng Anh còn có chủng B.1.351 ở Nam Phi, chủng D614G ở châu Âu và chủng ban đầu ở Vũ Hán.