Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đang có chuyến công tác tại Trung Quốc. Trong khuôn khổ chuyến công tác, chiều 9/12 đã diễn ra Tọa đàm Việt Nam - Trung Quốc về hợp tác giáo dục đại học.
MỞ RA HƯỚNG MỚI TRONG GIÁO DỤC ĐÀO TẠO HAI NƯỚC
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong suốt thời gian qua, mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc đã không ngừng được củng cố và phát triển.
Các chuyến thăm cấp cao liên tục trong thời gian gần đây của lãnh đạo hai nước đã khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã đánh dấu những bước tiến quan trọng trong việc nâng cao quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tới Việt Nam vào tháng 12/2023, hai bên đã ký kết 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực.
Trong hai chuyến thăm gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm (tháng 8/2024) và Thủ tướng Phạm Minh Chính (tháng 11/2024) tới Trung Quốc, cả hai đều khẳng định việc tăng cường và phát triển hợp tác hữu nghị với Trung Quốc là một yêu cầu khách quan, là ưu tiên hàng đầu và là lựa chọn chiến lược của Việt Nam.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Việt Nam và Trung Quốc cần tiếp tục tăng cường hợp tác giáo dục và đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đáp ứng nhu cầu phát triển của cả hai quốc gia".
"Có thể thấy hợp tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng, cũng như cho tình hữu nghị của nhân dân hai nước”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phân tích trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số không chỉ thay đổi cách tiếp cận tri thức mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho việc học tập suốt đời và phát triển kỹ năng.
Hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và giao lưu văn hóa giữa các trường đại học sẽ tạo ra những đột phá trong nhiều lĩnh vực, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả hai quốc gia.
“Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ then chốt để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động toàn cầu. Chúng ta cần tập trung vào việc đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng chuyên môn và khả năng thích ứng với môi trường làm việc đa ngành, đa quốc gia, đa văn hóa và thay đổi nhanh chóng.
Sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học Việt Nam và Trung Quốc sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu này, đồng thời tạo ra những cơ hội học tập và nghiên cứu tốt nhất cho sinh viên và giảng viên của cả hai nước”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc Ngô Nham chia sẻ Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng.
Trung Quốc xác định xây dựng một quốc gia mạnh về giáo dục, mà đi đầu là giáo dục đại học.
Trung Quốc hiện có hơn 3700 cơ sở giáo dục đại học, có 25 trường nằm trong top 200. Số người có trình độ đại học đạt khoảng 250 triệu người. Giáo dục đại học hỗ trợ mạnh mẽ sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Trung Quốc sẽ tiếp tục tập trung thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực giáo dục đại học. Tăng cường đào tạo các ngành mới, củng cố và phát triển các ngành cơ bản. Tập trung đào tạo nhân tài thời đại mới.
Đồng thời, đẩy mạnh việc giao lưu hợp tác quốc tế về giáo dục, phát triển giáo dục chất lượng cao của các địa phương. Tích cực áp dụng mô hình phát triển giáo dục mới vào Trung Quốc và đẩy nhanh quá trình mở cửa toàn diện.
Nhận định các đại học Trung Quốc và đại học Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác hiệu quả trong thời gian qua, Thứ trưởng Ngô Nham cho rằng mối quan hệ hợp tác này cần tiếp tục đẩy mạnh thông qua việc xây dựng các chương trình hợp tác hiệu quả, hướng tới tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Đồng thời, cần tăng cường giao lưu, trao đổi sinh viên.
KÝ KẾT NHIỀU THỎA THUẬN HỢP TÁC VỀ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Tại Tọa đàm Việt Nam - Trung Quốc về hợp tác giáo dục đại học, đại diện các cơ sở giáo dục đại học hai bên đã tham luận, trao đổi về 3 chủ đề: Công nghệ số thúc đẩy phát triển giáo dục đại học; đào tạo nhân tài và đổi mới khoa học góp phần phát triển kinh tế xã hội và trao đổi ngôn ngữ thắt chặt mối quan hệ giao lưu văn hóa.
Trong khuôn khổ tọa đàm đã diễn ra lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa các trường đại học Trung Quốc và Việt Nam.
Đó là, bản ghi nhớ hợp tác giữa Đại học Kinh tế TP. HCM và Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô, TP. Bắc Kinh; bản ghi nhớ hợp tác giữa Đại học Kinh tế TP. HCM và Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương, TP. Bắc Kinh; bản ghi nhớ về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh; thỏa thuận khung hợp tác giáo dục giữa Học viện Ngoại ngữ, Đại học Bắc Kinh và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội; bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Đại học Công nghệ Hà Bắc, Thiên Tân.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và hai Chính phủ đã khẳng định việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc trong tình hình mới.
“Chúng tôi đã thống nhất cao là hai nước cần triển khai mạnh mẽ hơn Hiệp định hợp tác giáo dục giữa hai nước, thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác giáo dục ở tất cả các cấp”, Bộ trưởng chia sẻ, đồng thời mong muốn Đại học Bắc Kinh sẽ quan tâm chia sẻ, hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam về kinh nghiệm tổ chức, quản lý, phát triển trở thành trường đại học đẳng cấp thế giới, xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm, bồi dưỡng nhân tài, tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, thu hút sinh viên quốc tế đến học tập…
Ông Hao Ping - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội động Đại học Bắc Kinh khẳng định Đại học Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với các đại học ở Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực Đại học Bắc Kinh có thế mạnh.