Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm tốc rõ nét trong nửa đầu năm do sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu, lãi suất cho vay ở mức cao, sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản đóng băng.
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 4,1% so với cùng kỳ trong Q2/23 giảm mạnh so với mức tăng trưởng 7,8% so với cùng kỳ trong Q2/22. Về ba trụ cột của nền kinh tế, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,5% so với cùng kỳ, trong khi dịch vụ và nông nghiệp tăng lần lượt 6,1% và 3,2%.
Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 3,7% so với cùng kỳ, mức thấp thứ hai trong giai đoạn 2021-2023. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ tăng 6,3% theo sau là nông – lâm – thủy sản tăng 3,1%, công nghiệp và xây dựng tăng 1,1%.
Bước sang giai đoạn 6 tháng cuối năm, với hàng loạt chính sách hỗ trợ được ban hành trong thời gian qua sẽ góp phần gỡ dần các nút thắt hiện nay của nền kinh tế. Theo đánh giá của VnDirect, chính sách nới lỏng tài khóa và lãi suất trong nước giảm là hai yếu tố chính thúc đẩy kinh tế Việt Nam phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
VnDirect dự báo GDP của Việt Nam tăng 7,1% so với cùng kỳ (+/-0,3 điểm %) trong nửa cuối năm 2023 so với mức tăng 3,7% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm nay, qua đó nâng tốc độ tăng trưởng cả năm 2023 lên 5,5% so với cùng kỳ (+/-0,2 điểm %). Kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì đà phục hồi trong năm tới và dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,9% so với cùng kỳ (+/-0,3 điểm %) trong năm 2024.
Các yếu tố hỗ trợ chính đến từ Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa mở rộng mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng; Lãi suất cho vay giảm giúp kích thích tiêu dùng và đầu tư tư nhân; Lượng khách du lịch quốc tế tiếp tục phục hồi, đặc biệt là từ Trung Quốc, và Các đơn hàng xuất khẩu nông sản và sản phẩm công nghiệp của Việt Nam có thể phục hồi từ Q4/23 trong bối cảnh hàng tồn kho tại các nước đã phát triển giảm.
Tổng tồn kho của các doanh nghiệp Mỹ tăng mạnh là một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến số lượng đơn đặt hàng mới cho hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh trong giai đoạn Q4/22 đến Q2/23. Tuy nhiên, tồn kho tại Mỹ đã có dấu hiệu đạt đỉnh vào cuối Q1/23 và dự kiến sẽ giảm trong những quý tiếp theo.
Do đó, VnDirect kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi trong Q4/23 do tồn kho tại các nước phát triển giảm sẽ kích thích nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, (2) chu kỳ thay thế smartphone cũ bằng mẫu mới là 25,3 tháng, tức khoảng 2 năm (theo nghiên cứu của China Mobile Terminal Lab), điều này có thể thúc đẩy xuất khẩu smartphone của Việt Nam kể từ Q4/23, (3) Nhu cầu từ Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ hơn sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Ở góc độ thận trọng hơn, SSI Research duy trì dự báo tăng trưởng GDP cho cả năm ở mức 4,5% - 5,0%. Các nỗ lực từ phía Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ có thể sẽ phải gặp các trở ngại đến từ cần phải duy trì cân bằng giữa tăng trưởng và sự ổn định vĩ mô (và hệ thống ngân hàng nói riêng) và các điều kiện tài chính bên ngoài bị thắt chặt. Điểm tích cực có thể đến từ sự hồi phục của ngành du lịch (khi chính sách visa thuận lợi hơn) và sự phục hồi nhanh hơn từ các đối tác thương mại chính.
Đồng quan điểm, chứng khoán Yuanta điều chỉnh GDP dự báo cả năm 2023 về mức 4,9% so với mức 6% hồi cuối tháng 3 sau khi ghi nhận tăng trưởng quý 2/2023 tiếp tục ở mức thấp. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng Chính phủ sẽ cần tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng như nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, trước bối cảnh các lĩnh vực liên quan tới xuất nhập khẩu hồi phục chậm và sự hồi phục các nền kinh tế lớn vẫn chưa rõ ràng.
Trong khi đó, theo chứng khoán Mirae Asset, để đạt tăng trưởng GDP mục tiêu trong 2023 là 6−6,5% thì tăng trưởng trong nửa cuối năm phải đạt 8−8,9%. Trong bối cảnh toàn cầu vẫn suy yếu, để đạt mức tăng trưởng GDP trên là thách thức không nhỏ. Do đó, Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa trong việc giải ngân đầu tư công, cũng như tiếp tục đưa ra các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ và Ngân hàng nhà nước.