Trong một bức thư ngỏ gửi tới các nhà lập pháp EU vào tuần trước, một nhóm giám đốc điều hành C-suite từ nhiều công ty bao gồm Siemens, Carrefour, Renault và Airbus đã nêu lên "những lo ngại nghiêm trọng" về Đạo luật AI của EU, được cho là các quy tắc về AI toàn diện đầu tiên trên thế giới.
Theo CNN Business, những nhà lãnh đạo nổi bật khác tham gia vào chiến dịch này bao gồm nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ, chẳng hạn như ông Yann LeCun, người đứng đầu về AI tại Meta và ông Hermann Hauser, nhà sáng lập cơ sở sản xuất chip ARM đến từ Vương Quốc Anh.
"Theo đánh giá của chúng tôi, dự thảo luật sẽ gây nguy hiểm cho khả năng cạnh tranh và chủ quyền công nghệ của châu Âu cũng như không giải quyết hiệu quả những thách thức mà doanh nghiệp đang và sẽ phải đối mặt", nhóm hơn 160 giám đốc điều hành cho biết trong bức thư.
Những vị CEO cho rằng dự thảo luật đã đi quá xa, đặc biệt là trong việc điều chỉnh AI tạo ra và các mô hình nền tảng, ví dụ như công nghệ đứng sau tạo nên thành công của ChatGPT.
Kể từ khi cơn sốt về AI bùng nổ trong năm nay, các nhà công nghệ đã cảnh báo về mặt tối tiềm ẩn của những hệ thống cho phép mọi người sử dụng máy móc để viết bài luận văn đại học, làm bài kiểm tra học thuật và xây dựng trang web. Tháng trước, hàng trăm chuyên gia đầu ngành đã cảnh báo về nguy cơ tuyệt chủng của con người do AI, nhấn mạnh rằng vấn đề này "nên là ưu tiên toàn cầu bên cạnh các rủi ro quy mô xã hội khác như đại dịch và chiến tranh hạt nhân".
CHI PHÍ TUÂN THỦ CAO
Đề xuất của EU áp dụng rộng rãi cho toàn bộ lĩnh vực AI "bất kể trường hợp sử dụng như thế nào". Điều này có thể đẩy các công ty cũng như nhà đầu tư sáng tạo ra khỏi châu Âu vì phải đối mặt với chi phí tuân thủ cao và "rủi ro trách nhiệm pháp lý không tương xứng", theo nhóm Giám đốc nhận định.
"Quy định như vậy có thể dẫn đến việc các công ty có tính sáng tạo cao dịch chuyển hoạt động kinh doanh ra ngoài vùng", từ đó, nhà đầu tư sẽ rút vốn khỏi AI châu Âu. Kết quả được dự đoán là “chênh lệch năng suất nghiêm trọng giữa hai bờ Đại Tây Dương”.
Nhóm kêu gọi các nhà hoạch định chính sách sửa đổi một số điều khoản dự luật, mặc dù đã được Nghị viện châu Âu thông qua hồi đầu tháng và hiện đang được đàm phán với toàn bộ quốc gia thành viên EU.
"Trong bối cảnh mà chúng ta biết rất ít về những rủi ro thực sự, mô hình kinh doanh hoặc các ứng dụng của AI tạo ra, luật pháp châu Âu nên tự giới hạn trong việc đưa ra các nguyên tắc rộng rãi theo cách tiếp cận dựa trên rủi ro", bức thư có đề cập.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp kêu gọi một ban quản lý tập hợp nhiều chuyên gia giám sát bộ luật và đảm bảo tất cả điều khoản có thể liên tục thích nghi với những thay đổi trong bối cảnh công nghệ chuyển động nhanh.
Đồng thời, nhóm này kêu gọi các nhà lập pháp làm việc với đối tác Hoa Kỳ, lưu ý rằng hiện quốc gia này cũng đang dự định đưa ra bộ luật tương tự. Các nhà lập pháp EU nên cố gắng "tạo ra sân chơi bình đẳng ràng buộc về mặt pháp lý", nhóm CEO viết.
CUỘC ĐUA VỀ QUY ĐỊNH AI
Các chuyên gia ngày càng kêu gọi nhiều quy định quy mô lớn hơn về AI khi công nghệ này được sử dụng rộng rãi. Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đã đưa ra kế hoạch kiểm soát trí tuệ nhân tạo. Ông Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, đã sử dụng các chuyến đi cao cấp trên khắp thế giới trong những tuần gần đây để kêu gọi quy định quốc tế phối hợp về AI.
Bộ luật của EU là "nỗ lực đầu tiên trên thế giới để ban hành" các quy tắc ràng buộc pháp lý áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau trong thị trường AI, theo Nghị viện châu Âu.
Các nhà đàm phán của Đạo luật AI hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trước cuối năm nay. Và một khi bộ quy tắc cuối cùng được Nghị viện châu Âu và toàn bộ quốc gia thành viên EU thông qua, đạo luật này sẽ chính thức trở thành luật chính thức.
Hiện tại, đạo luật đề xuất sẽ cấm các hệ thống AI được coi là có hại, ví dụ như hệ thống nhận dạng khuôn mặt thời gian thực trong không gian công cộng, các công cụ dự đoán bầu cử và hệ thống chấm điểm xã hội, chẳng hạn như ở Trung Quốc.
Đạo luật cũng vạch ra yêu cầu về tính minh bạch đối với hệ thống AI. Chẳng hạn, các công cụ như ChatGPT sẽ phải tiết lộ nội dung nào được tạo ra bởi AI và cung cấp biện pháp bảo vệ chống lại việc tạo ra nội dung trái phép.
Tham gia vào các hoạt động AI bị cấm có thể dẫn đến tiền phạt nặng: lên tới 40 triệu EUR (khoảng 43 triệu USD) hoặc số tiền tương đương 7% doanh thu hàng năm của công ty trên toàn thế giới, tùy theo mức độ vụ việc.
Nhưng hình phạt có thể sẽ "nhẹ tay" khi xem xét vị trí thị trường của các nhà cung cấp quy mô nhỏ, cho thấy có thể có một số khoan hồng đối với khu vực các công ty khởi nghiệp.
Ngược lại, không phải ông lớn nào cũng phản đối đạo luật. Vào đầu tháng 7, Digital Europe, một hiệp hội thương mại bao gồm nhiều đại gia công nghệ như SAP và Ericsson, đã gọi các quy tắc trên là "một văn bản chúng tôi có thể làm việc".
"Tuy nhiên, vẫn còn một số lĩnh vực cần cải thiện để đảm bảo châu Âu trở thành trung tâm cạnh tranh cho sự đổi mới AI", nhóm cho biết trong một tuyên bố.
Ông Dragos Tudorache, thành viên quốc hội Romania, người đứng đầu việc soạn thảo dự luật, tin rằng những CEO viết thư ngỏ "đã không đọc văn bản mà chỉ phản ứng với sự kích thích của một số ít doanh nghiệp".
"Thật đáng tiếc khi sự vận động hành lang thái quá của một số ít đang thu hút các công ty khác trong mạng lưới, điều này không may làm suy yếu vị trí dẫn đầu không thể phủ nhận mà châu Âu đã cố gắng theo đuổi".
Ông Brando Benifei, một thành viên quốc hội Italia, cũng trong nhóm người dẫn đầu soạn thảo luật, nói với CNN rằng: "Chúng tôi sẽ lắng nghe tất cả mối quan tâm và các bên liên quan khi xử lý quy định về AI, nhưng chúng tôi có cam kết chắc chắn để đưa ra quy tắc rõ ràng và có thể thực thi".
"Công việc của chúng tôi có thể ảnh hưởng tích cực đến định hướng toàn cầu khi xử lý trí tuệ nhân tạo và tác động của công nghệ này đối với các quyền cơ bản, mà không cản trở việc theo đuổi đổi mới cần thiết", ông khẳng định.