Trong năm 2021 và quý 1 năm 2022, thị trường tài chính liên tục chứng kiến những thương vụ đầu tư-gọi vốn hàng chục đến trăm triệu USD được ký kết. Thời điểm đó, tại Ấn Độ, hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba sau Mỹ và Trung Quốc, đã đúc gần như mỗi tuần một con kỳ lân.
Tuy nhiên, đến quý 2 năm 2022, nguồn vốn đầu tư vào các startup bắt đầu có chiều hướng đi xuống, thậm chí nhiều công ty chưa kịp IPO đã phải dừng hoạt động vì không có đủ nguồn vốn để tồn tại.
Jang Bahadur Singh, Giám đốc, Trưởng ngành Công nghệ công ty Aon, công ty hàng đầu thế giới chuyên cung cấp các giải pháp về rủi ro, hưu trí và sức khỏe, cho biết Ấn Độ hiện có hơn 500 công ty khởi nghiệp đã ngừng hoạt động ở giai đoạn trước khi IPO, và trong tương lai, khoảng 10% trong số đó sẽ còn tiếp tục bị đào thải.
Trước khung cảnh ảm đạm của hệ sinh thái đầu tư-các nhà đầu tư mạo hiểm thanh khoản nhỏ giọt, startup gọi vốn khó khăn, thuật ngữ được dùng để mô tả khung cảnh này là Funding Winter (mùa đông gọi vốn).
NHỮNG TÁC ĐỘNG GÂY NÊN “MÙA ĐÔNG GỌI VỐN”
Năm ngoái, với quy mô nguồn vốn dồi dào, các startup vì muốn tăng trưởng nhanh chóng mà lãng phí tiền bạc nhưng lợi nhuận thu về không tương xứng. Chính vì thất vọng với sự thiển cận của các doanh nghiệp trẻ, các nhà đầu tư đang dần tỏ ra thận trọng khi tài trợ cho các công ty khởi nghiệp.
Ngoài ra, nguồn vốn toàn cầu đang bắt đầu cạn kiệt do tác động của các yếu tố chung như suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát quốc gia và chiến tranh Nga-Ukraina. Sớm nhận thấy nguy cơ từ những diễn biến này, Ấn Độ là một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp đầu tiên chuẩn bị cho một "mùa đông dài", thậm chí đất nước này đã tự dự đoán rằng sẽ có một số lượng lớn công ty có khả năng bị đào thải hàng loạt trong khoảng 12-18 tháng tới.
Theo Amit Nawka, Giám đốc Đối tác của PwC Ấn Độ, một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới: “Sau một thời gian nắng ấm kéo dài, các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ giờ đây đang thức dậy với một mùa đông dài, cay đắng và lạnh giá. Một loạt các yếu tố đã dẫn chúng ta đến đây, bao gồm xung đột Nga-Ukraine, gián đoạn chuỗi cung ứng, hậu quả là áp lực lạm phát và chi phí vốn tăng cao, cùng những yếu tố khác”.
Tuy nhiên, các lĩnh vực hiếm hoi vẫn có những tăng trưởng đột phá ở một số khu vực trong tình hình kinh tế suy thoái là edtech (châu Âu) hay trò chơi web3 (châu Á) do đã có một lực đẩy đáng kể từ thời kỳ đại dịch.
VẬN MỆNH CỦA CÁC STARTUP TRONG “MÙA ĐÔNG GỌI VỐN”
Không chịu nổi sự điều chỉnh mạnh mẽ về định giá, các công ty buộc phải bán chính mình hoặc sáp nhập vào những công ty lớn để tăng thêm tiềm lực kinh tế. Thật không may, các công ty lớn cũng đã không còn háo hức khi trở thành công ty mẹ của các startup.
Chính vì vậy, vấn đề tự quản trị trong các công ty khởi nghiệp đang quan trọng hơn bao giờ hết.
Các startup buộc phải thực hiện những quyết định khó khăn để duy trì doanh nghiệp như đóng cửa các ngành không nằm trong mục tiêu cốt lõi, sa thải nhân viên, cắt giảm chi phí tiếp thị và tiếp tục đóng băng tuyển dụng. Theo công cụ theo dõi sa thải Inc42, hơn 11.000 nhân viên đã bị sa thải trong sáu tháng đầu năm nay.
Hiện nay, nhằm đáp ứng các yêu cầu về vốn lưu động, các công ty khởi nghiệp đang có xu hướng khai thác nợ mạo hiểm - một nguồn vốn thay thế. Báo cáo của “India Venture Debt Report 2022” cho biết nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp thông qua nợ mạo hiểm đã tăng gần gấp đôi trong năm qua. Xu hướng này giúp các startup giảm bớt sự phụ thuộc vào PE và VC nhưng đồng thời cũng tăng thêm nhiều gánh nặng cho nền kinh tế của mỗi doanh nghiệp.