December 03, 2024 | 13:36 GMT+7

Các công ty khởi nghiệp Việt Nam đang ở đâu trong hành trình “biến AI thành tiền”?

Bảo Bình -

Hiện nay ở Việt Nam, AI hầu như mới dừng lại ở câu chuyện cập nhật công nghệ. Việc chuyển hóa công nghệ AI thành dịch vụ AI, sản phẩm AI, mô hình kinh doanh hay nền kinh tế AI vẫn rất ít…

Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc quản lý quỹ BK Fund: "Có một khoảng cách rất lớn từ câu chuyện giải pháp công nghệ cho đến mô hình kinh doanh"
Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc quản lý quỹ BK Fund: "Có một khoảng cách rất lớn từ câu chuyện giải pháp công nghệ cho đến mô hình kinh doanh"

Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có buổi phỏng vấn với ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc quản lý quỹ BK Fund, về chủ đề AI, thực trạng của các công ty khởi nghiệp Việt Nam với làn sóng AI và làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho các startup AI Việt phát triển.

AI đang len lỏi vào gần như mọi mặt của cuộc sống và công việc. Thậm chí, một vài năm qua nhiều doanh nghiệp còn FOMO nếu không ứng dụng hay làm gì đó về AI. Vậy với giới startup, ông thấy các startup Việt Nam phản ứng với làn sóng AI như thế nào? 

Thực ra ở đây có một khoảng cách rất lớn từ câu chuyện giải pháp công nghệ cho đến mô hình kinh doanh. AI dưới góc độ giải pháp công nghệ là thứ mà người dùng Việt Nam được chuyển giao tri thức và cập nhật rất nhanh, gần như là nhanh bằng tốc độ trung bình trên thế giới. Nhưng bản thân công nghệ AI, về mặt phạm trù triết học, chỉ là lực lượng sản xuất. 

Là lực lượng sản xuất thì AI chưa tạo ra của cải cho xã hội và mới chỉ bắt đầu tham gia giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Nhưng giải quyết được hay không, có bền vững hay không thì AI phải chuyển hóa sang các mối quan hệ sản xuất, phải đi vào các công ty khởi nghiệp - những công ty năng động nhất, cập nhật nhất để đưa vào sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh. AI phải đi vào giải pháp của các tập đoàn thì mới trở thành mối quan hệ sản xuất. AI cũng phải đi vào khu vực công, quản lý vận hành xã hội thì mới tham gia vào các hoạt động xã hội. 

Hiện nay ở Việt Nam, AI hầu như mới dừng lại ở câu chuyện cập nhật công nghệ. Việc chuyển hóa công nghệ AI thành dịch vụ AI, sản phẩm AI, mô hình kinh doanh hay nền kinh tế AI vẫn rất ít. 

Để biến AI từ lực lượng sản xuất thành sản phẩm, dịch vụ và nền kinh tế AI thì phải làm thế nào, thưa ông?

Về điều này, đầu tiên, tôi cho rằng cần phải nói đến các tập đoàn công nghệ vì các tập đoàn này vừa có khả năng cập nhật giải pháp công nghệ, vừa có nguồn lực tài chính, lại có khách hàng, có thị trường để cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Vì thế, đầu tiên là phải nói đến các tập đoàn công nghệ. 

Sau đó, trong những ngách hẹp, rất nhanh cũng sẽ có một số startup. Startup có đặc điểm là rất nhanh, rất linh hoạt nhưng sẽ chưa để lại dấu ấn nhiều cho đến khi trở thành công ty nhiều triệu đô. Còn nếu chỉ là công ty một vài triệu đô, phục vụ khoảng một vài nghìn khách hàng và chỉ tạo ra một vài triệu doanh thu, một vài trăm nghìn đô lợi nhuận, thì mới đang là hình mẫu thử nghiệm, chứ chưa để lại dấu ấn tác động nhiều. 

Ở khu vực công, ứng dụng AI càng chậm so với khối doanh nghiệp. Nhưng nếu hiệu quả, ứng dụng AI ở khu vực công sẽ để lại dấu ấn mạnh mẽ trong xã hội.

Trở lại với startup, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đang ở đâu trong hành trình “biến AI thành tiền”?

Nói về startup Việt Nam và AI thì thực tế là “bắt đầu có nhưng chưa đáng kể”. Startup Việt Nam không hề thờ ơ với làn sóng AI nhưng chỉ mới ở giai đoạn đầu.

Mà thật ra, AI đang ở giai đoạn đầu của cả hệ thống, chứ không chỉ với startup. Cả hệ thống ở đây bao gồm các startup, doanh nghiệp công nghệ công nghiệp, và cả khu vực công. Tất cả đang làm và khá khiêm tốn, và tương đối cô đơn nữa. Vì sự ủng hộ của người dùng trong nước, của khách hàng trong nước và sự ủng hộ từ các chính sách bảo hộ trong nước đều rất ít. Tự họ phải đương đầu cạnh tranh với các thế lực AI ngoại.

Vậy theo ông, hệ sinh thái startup AI tại Việt Nam cần có những yếu tố gì để có thể phát triển và tạo điều kiện tốt nhất? 

Thực ra, tôi nghĩ đã thành một nguyên lý rồi. Để phát triển một hệ thống, một tập con hoặc có thể gọi là một cái hệ sinh thái nhỏ nhỏ về AI thì chắc chắn phải theo nguyên lý hay là công thức. Đó là phải có cả hai chiều "Top down” (từ trên xuống) và “bottom up” (từ dưới lên). 

Về mặt top down thì phải có chính sách Nhà nước, các hoạt động bảo hộ từ phía nhà nước. Bảo hộ là câu chuyện gần như là bắt buộc của tất cả các hệ sinh thái khởi nghiệp thành công trên thế giới, dù quốc gia đấy lớn như Trung Quốc hay nhỏ như Israel hay nhỏ nữa như Estonia, hay là bản thân nước Mỹ, họ đều phải có chính sách bảo hộ, hay gọi ở một góc độ khác, là thay vì bảo hộ thì nó là ươm tạo ở cấp độ nhà nước.

 
Ông Phạm Tuấn Hiệp.  
Ông Phạm Tuấn Hiệp.  

"Nói về startup Việt Nam và AI thì thực tế là “bắt đầu có nhưng chưa đáng kể”. Startup Việt Nam không hề thờ ơ với làn sóng AI nhưng chỉ mới ở giai đoạn đầu.

Lĩnh vực AI cần nhất là yếu tố con người, và đây là cái Việt Nam có thế mạnh. Người Việt Nam nhận chuyển giao tri thức và học hỏi rất nhanh. Còn về tầm nhìn hạ tầng kỹ thuật, Việt Nam cũng có điều kiện dù chưa trở thành top 10 thế giới nhưng mà vẫn sẽ nằm trong những nước phát triển rất nhanh, tiên tiến và lại càng ưu thế".

Thế còn ở chiều hướng bottom up, chúng ta phải tập trung vào đội ngũ nhân sự, phải sớm xâu chuỗi những người tiên phong trong lĩnh vực và phải có sự hỗ trợ từ phía cộng đồng trong cái lĩnh vực này.

Trong làn sóng AI này, ông có thể chia sẻ là BK Fund đã đầu tư vào những startup nào hay không?

Hiện nay, BK Fund đã đầu tư vào 8 startup và trong đó có 7 startup liên quan đến AI.

Ông nhận thấy triển vọng của các startup AI như thế nào?

Tôi cho là triển vọng rất tốt. Trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt về khoa học công nghệ, thì công nghệ thông tin và cụ thể AI là lĩnh vực mà Việt Nam có thể là bắt kịp xu hướng thế giới, kể cả ở góc độ phát triển đến câu chuyện ứng dụng và đưa vào các mô hình kinh doanh hoặc các giải pháp quản lý xã hội. 

Lĩnh vực AI cần nhất là yếu tố con người, và đây là cái Việt Nam có thế mạnh. Người Việt Nam nhận chuyển giao tri thức và học hỏi rất nhanh. Còn về tầm nhìn hạ tầng kỹ thuật, Việt Nam cũng có điều kiện dù chưa trở thành top 10 thế giới nhưng mà vẫn sẽ nằm trong những nước phát triển rất nhanh, tiên tiến và lại càng ưu thế.

Ông có ý kiến đề xuất gì về mặt chính sách để thị trường startup AI có thể phát triển tốt hơn?

Khi nói đến chính sách hỗ trợ phát triển AI, một trong những điều quan trọng nhất là tập trung vào khu vực công, đặc biệt là các trường đại học. Nhà nước cần có những chương trình cụ thể để thúc đẩy các trường đại học phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho AI.

 

Nhà nước nên tạo ra các giải thưởng hoặc chương trình tài trợ trị giá hàng nghìn tỷ đồng, nhằm hỗ trợ trực tiếp cho hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực AI.

Theo tôi, một giải pháp thiết thực là Nhà nước nên cấp các gói tài trợ lớn, từ vài trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng, cho những trường đại học tốt nhất. Mục tiêu là hỗ trợ các trường này xây dựng đội ngũ giảng viên và sinh viên chuyên sâu trong lĩnh vực AI, đồng thời phát triển các dự án nghiên cứu, sáng tạo công nghệ mới. Trường đại học luôn là nguồn cung cấp nhân sự chất lượng cao, tài năng, tài sản trí tuệ, và các kết quả nghiên cứu khoa học – những yếu tố cốt lõi thúc đẩy công nghệ tại bất kỳ quốc gia nào.

Nếu Việt Nam muốn đẩy mạnh phát triển AI, việc đặt mục tiêu tài trợ hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm là hợp lý và khả thi. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có những dấu hiệu rõ ràng hoặc cam kết mạnh mẽ để thực hiện điều này.

Đề xuất thứ hai liên quan đến việc hỗ trợ khu vực khởi nghiệp. Nhà nước nên tạo ra các giải thưởng hoặc chương trình tài trợ trị giá hàng nghìn tỷ đồng, nhằm hỗ trợ trực tiếp cho hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực AI.

Các khoản tài trợ này có thể được phân bổ cho những vườn ươm tốt nhất, các quỹ đầu tư hàng đầu, và dành riêng cho các startup tiềm năng nhất. Mục tiêu là thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện để họ tiếp cận nguồn lực tài chính, hỗ trợ chuyên môn, và cơ hội phát triển bền vững.

Đề xuất thứ ba tập trung vào việc kết hợp giữa giải thưởng và thử nghiệm chính sách. Nhà nước không chỉ nên tạo ra các giải thưởng lớn, mà còn cần triển khai những chính sách thí điểm để tháo gỡ các rào cản và vướng mắc mà các doanh nghiệp khởi nghiệp đang gặp phải. Những chính sách này có thể được thực hiện dưới hình thức "sandbox" – một mô hình thử nghiệm giới hạn giúp kiểm tra và điều chỉnh các quy định trước khi áp dụng rộng rãi.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có các chương trình hỗ trợ, không chỉ dừng lại ở việc cấp vốn, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam. Nhiều tập đoàn này đã có nguồn quỹ nghiên cứu hàng nghìn tỷ đồng nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc triển khai sản phẩm vì thiếu sự hỗ trợ chính sách.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate