March 03, 2022 | 17:08 GMT+7

Các "đại gia" tư vấn, kiểm toán không biết nên rút lui hay tiếp tục ở lại Nga

Phương Linh -

Không giống một số tập đoàn năng lượng vừa tuyên bố rút toàn bộ cổ phần tại doanh nghiệp Nga, các hãng tư vấn tài chính và kiểm toán quốc tế đến nay vẫn duy trì cam kết với chi nhánh tại Nga của mình...

Ảnh minh họa: FT
Ảnh minh họa: FT

Theo Financial Times, hơn ba thập kỷ trước, giới tư vấn tài chính và kiểm toán phương Tây đổ xô tới Nga để chớp cơ hội từ làn sóng bùng nổ thương mại quốc tế sau khi Liên bang Xô Viết tan rã.

Trong quá trình hoạt động tại nước này, các doanh nghiệp này luôn cố gắng né tránh những xung đột địa chính trị. Tuy nhiên, cuộc tấn công của Moscow vào nước láng giềng Ukraine gần đây đã buộc họ phải cân nhắc xem việc tiếp tục kinh doanh tại Nga có còn “khả thi về mặt đạo đức, thương mại và chính trị” hay không.

"QUÁ SỚM" ĐỂ RA QUYẾT ĐỊNH

Dẫn nguồn tin thân cận, Financial Times cho biết các công ty kiểm toán và tư vấn hiện vẫn chưa thảo luận về việc sẽ rời khỏi Nga bởi vẫn “quá sớm” để làm vậy trong khi mà họ đang phải gấp rút để tuân thủ các lệnh trừng phạt quốc tế và cố gắng hỗ trợ nhân viên của mình tại Ukraine.

Chi nhánh tại Nga của 3 hãng tư vấn tài chính McKinsey, Boston Consulting Group và Bain & Company tuyên bố sẽ từ chối hợp tác với các thực thể chính phủ tại Nga, nhưng sẽ không dừng hoạt động hay ngừng hợp tác với các công ty quốc doanh của Nga. 3 công ty này hiện có tổng cộng khoảng 1.000 nhân viên tại quốc gia này.

Còn nhóm 4 hãng kiểm toán lớn nhất thế giới (Big Four) gồm Deloitte, EY, KPMG và PwC cũng lên án chiến tranh như không nói chi tiết về việc sẽ điều chỉnh mối quan hệ với các khách hàng Nga như thế nào. Nhóm Big Four hiện có hơn 13.000 nhân viên tại Nga - chiếm gần 1,1% tổng nhân sự toàn cầu của họ - thông qua liên doanh với các công ty nội địa. 

Văn phòng tại Nga chỉ đóng góp một phần nhỏ trong doanh thu toàn cầu của các công ty này, nhưng lại có tầm quan trọng chiến lược để các hãng tư vấn có thể cung cấp dịch vụ toàn diện cho khách hàng là doanh nghiệp đa quốc gia.

Theo một chuyên viên kiểm toán cấp cao tại Anh, việc rút khỏi Nga sẽ gây ra nhiều vấn đề, để lại “khoảng trống lớn” đối với khả năng kiểm toán chi nhánh và tài sản tại Nga của các tập đoàn đa quốc gia. Trong các cuộc khủng hoảng địa chính trị trước đây, các hãng kiểm toán lớn thường không rút khỏi những quốc gia liên quan.

Không giống những tập đoàn như BP hay Shell - đầu tuần này đã rút toàn bộ cổ phần tại đối tác Nga Rosneft và Gazprom - các hãng tư vấn tài chính và kiểm toán đến nay vẫn duy trì cam kết với chi nhánh tại Nga của mình.

“Nếu các công ty tài chính quốc tế ngừng phục vụ các doanh nghiệp quốc doanh của Nga, tác động sẽ rất lớn”, Vladimir Ashurkov, giám đốc cấp cao tại Anti-Corruption Foundation – tổ chức do nhà hoạt động Alexei Navalny sáng lập – nhận định. “Kinh nghiệm trong ngành tài chính quốc tế dạy tôi rằng không nên trông đợi vào các quyết định dựa trên đạo đức của các hãng dịch vụ tài chính chuyên nghiệp”.

Nga chỉ góp một phần nhỏ trong doanh thu toàn cầu của Grant Thornton - Ảnh: FT
Nga chỉ góp một phần nhỏ trong doanh thu toàn cầu của Grant Thornton - Ảnh: FT

Tuy vậy, cũng có một vài trường hợp hiếm hoi đi ngược truyền thống này. Tối ngày 1/3 (giờ Nga), Grant Thornton trở thành hãng dịch vụ chuyên nghiệp lớn đầu tiên hành động với việc cắt đứt quan hệ với hãng kiểm toán Nga FBK do “xung đột tại Ukraine”. FBK là công ty kiểm toán của hãng dầu lửa khổng lồ Gazprom thuộc sở hữu của Chính phủ Nga. Trên thực tế, Nga không phải là thị trường lớn của Grant Thornton khi chỉ đóng góp 21,7 triệu USD vào tổng doanh thu 6,6 tỷ USD toàn cầu của công ty. 

NỖI LO BỊ TẨY CHAY

Theo các nhà phân tích, các hãng dịch vụ tài chính quốc tế có nhiều lý do để không lên tiếng hay hành động quyết liệt liên quan tới xung đột Nga – Ukraine. Tờ Financial Times dẫn nguồn tin nội bộ cho biết các hãng tư vấn và kiểm toán nước ngoài lo sợ rằng nhân viên của họ sẽ bị trả thù bởi Chính phủ hoặc người biểu tình nếu lên tiếng chống lại Moscow.

“Chúng tôi không quan tâm tới 50 triệu USD hay gì đó tương tự ở Nga. Nhưng chúng tôi không muốn nhân viên của mình bị tấn công hay bị bắt giam vì công ty xung đột với điện Kremlin”, một người làm việc ở doanh nghiệp Big Four cho biết.

Một cuộc tẩy chay cũng sẽ gây tổn hại tới lợi ích của các doanh nghiệp này, không chỉ tại Nga mà trên toàn cầu. Năm ngoái, tổng doanh thu toàn thế giới của nhóm Big Four là 157 tỷ USD.

Bên cạnh đó, việc âm thầm từ chối hợp tác với các công ty quốc doanh Nga có thể khiến các doanh nghiệp này bị cấm hoạt động tại đây, nguồn tin của Financial Times cho biết.

“Đây là hoạt động cơ bản và quan trọng của doanh nghiệp tài chính quốc tế ở Nga”, nguồn tin cho hay.

Theo giám đốc của một công ty Big Four, trong tình huống xảy ra chiến tranh lạnh, công ty của ông sẽ phải cân nhắc có nên giảm hoạt động hoặc hạn chế hoạt động của mình tại Nga hay không. Nhưng ở thời điểm hiện tại, vấn đề này vẫn đang được thảo luận và chưa có quyết định nào được đưa ra.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate