December 09, 2008 | 11:45 GMT+7

Các “đại gia” xe hơi Mỹ đã có lối thoát

Mai Phương

Hạ viện Mỹ đã đi tới một dự thảo kế hoạch giải cứu ngành công nghiệp ôtô của nước này

Tại một nhà máy của GM ở bang Ohio - Ảnh: Time.
Tại một nhà máy của GM ở bang Ohio - Ảnh: Time.
Sau nhiều thảo luận và tranh cãi, cuối cùng, vào ngày 8/11, Hạ viện Mỹ đã đi tới một dự thảo kế hoạch giải cứu ngành công nghiệp ôtô của nước này, vốn đang gặp thử thách lớn vì khủng hoảng.

Dự thảo trị giá 15 tỷ USD này đã được gửi lên Tổng thống George W. Bush và có thể sẽ được bỏ phiếu thông qua vào ngày 10/12/2008.

Dự thảo nói trên là kết quả của nhiều ngày "kêu cứu" từ phía ba tập đoàn công nghiệp ôtô lớn nhất của Mỹ là General Motors (GM), Ford và Chrysler sau một thời gian dài thua lỗ chồng chất và bị đẩy tới bờ vực phá sản.

Ban đầu, ba hãng xe này đề xuất xin Chính phủ cho vay 25 tỷ USD, về sau, số tiền được đề nghị tăng lên 34 tỷ USD, nhưng theo bản dự thảo kế hoạch mà Hạ viện Mỹ đã đưa ra, có thể họ chỉ được vay  ngắn hạn 15 tỷ USD.

Theo Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, để được Chính phủ cho vay tiền, các hãng xe trên phải thực hiện một số biện pháp cải tổ lớn nhằm cải thiện sức khỏe tài chính để đủ điều kiện được cấp thêm vốn về sau. “Nếu họ không đáp ứng được các điều kiện về tái cơ cấu và các điều kiện khác, họ sẽ không được cấp thêm vốn vay”, bà Pelosi cho biết.

Các điều kiện nói trên bao gồm, các hãng xe được nhận tiền cứu trợ phải hạn chế lương thưởng và ngừng việc sở hữu hay cho thuê máy bay chở khách. Điều kiện này tương tự như điều kiện áp dụng với các ngân hàng muốn nhận tiền cứu trợ từ kế hoạch 700 tỷ USD dành cho ngành tài chính.

 Bên cạnh đó, các hãng này phải ngừng trả cổ tức trong thời gian vay vốn. Đồng thời, Chính phủ Mỹ sẽ nhận được lượng chứng quyền trị giá tương đương 20% khoản vay. Tới cuối tháng 3 sang năm, các hãng xe phải nộp kế hoạch tái cơ cấu dài hạn theo chương trình này lên Chính phủ.

Khoản vay này sẽ cơ thời hạn 7 năm, trong đó các hãng xe trả lãi suất 5% trong 5 năm đầu tiên, sau đó, mức lãi suất sẽ là 7%. Ngoài khoản vay 15 tỷ USD này, hiện các hãng xe hơi Mỹ đang được tiếp nhận một chương trình trị giá 25 tỷ USD để giúp ngành đáp ứng các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu.

Hiện còn chưa rõ liệu ban lãnh đạo của các hãng xe có bị thay đổi sau kế hoạch giải cứu này hay không. CEO Rick Wagoner của hãng GM hiện đang chịu áp lực yêu cầu từ chức rất lớn từ các nhà làm luật hàng đầu của Mỹ sau những thua lỗ chồng chất của tập đoàn này.

Kế hoạch trên đề nghị Tổng thống Bush chỉ định một cá nhân hoặc một ủy ban để giám sát kế hoạch giải cứu này.

GM và Chrysler cho biết, họ cần ít nhất 14 tỷ USD để duy trì hoạt động được tới hết quý 1 sang năm. Hai hãng này cũng cho hay, nếu không được bơm vốn trước cuối tháng 12 này, họ sẽ phải đóng cửa. Về phần mình, do ở trong tình hình tài chính tốt hơn hai đối thủ còn lại, hiện hãng Ford chưa có kế hoạch tiếp nhận vốn từ Chính phủ.

Thời gian qua, ngành công nghiệp Mỹ liên tục gặp thử thách. Ban đầu, giá dầu tăng vùn vụt và tiến gần tới mức 150 USD/thùng, khiến người tiêu dùng xa lánh những chiếc xe cồng kềnh, tiêu thụ nhiều nhiên liệu của các hãng xe Mỹ. Tiếp đó là  kinh tế suy thoái, khiến doanh số xe hơi càng sụt giảm thêm.

Quý 2 vừa qua, GM báo lỗ 15,5 tỷ USD, trong khi Ford lỗ tới 8,7 tỷ USD. Giá cổ phiếu của GM thời gian qua đã có lúc rớt xuống mức thấp nhất từ những năm 1940 tới nay.

Theo giới quan sát, sự đổ vỡ của ngành công nghiệp ôtô Mỹ - ngành tạo 3 triệu việc làm và có trị giá lên tới 300 tỷ USD - có thể là thảm họa đối với nền kinh tế nước này, nhất là trong giai đoạn suy thoái hiện nay.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate