Trong đó, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính cùng sở, ban, ngành liên quan huy động các tổ chức, chuyên gia để định giá đất theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật. Trường hợp khó khăn, vướng mắc, kịp thời có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn, giải quyết. Đặc biệt, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm thực hiện việc giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư, đảm bảo sớm đưa đất vào sử dụng.
PHÂN LOẠI NHỮNG DỰ ÁN ĐANG GẶP KHÓ KHĂN
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu rà soát, thống kê số lượng dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn. Qua đó, phân loại các dự án gặp khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án vướng mắc, hoặc triển khai chậm và xác định rõ nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ ngay theo thẩm quyền, hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết. Mặt khác, rà soát, tổng hợp vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội, chỉ rõ các điều khoản của quy định, văn bản là nguyên nhân của vướng mắc, để tham mưu UBND tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ. Các dự án nếu kéo dài do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, cần rà soát và đánh giá để điều chỉnh quy hoạch chi tiết, điều chỉnh nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư theo đúng quy định và tình hình thực tế.
Còn tỉnh Hải Dương thì đề nghị phải kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc; rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; không hợp thức hóa các sai phạm dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt, việc thực hiện xác định giá đất theo ủy quyền của UBND tỉnh cần tuân thủ quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành theo đúng quy định pháp luật, không gây thất thoát ngân sách Nhà nước; khẩn trương lập, trình thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tương tự, UBND tỉnh Bình Định cũng vừa lên kế hoạch triển khai thực hiện một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản. Mục tiêu của kế hoạch nhằm tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản đã và đang triển khai để dự án sớm hoàn thành. Song song đó thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, tăng nguồn cung, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản hợp lý. Đặc biệt, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập người dân.
Để thực hiện, Bình Định yêu cầu đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát có hiệu quả tình hình thị trường, kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng thị trường “phát triển nóng” hoặc “đóng băng”, tình trạng tung tin đồn, đầu cơ, thổi giá bất động sản lên cao hòng trục lợi, làm mất cân đối cung - cầu và đảm bảo vận hành lành mạnh theo cơ chế thị trường.
NGHIÊM TÚC GIẢI QUYẾT CÁC NHÓM VẤN ĐỀ TỒN TẠI
Được biết, tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản vào tháng 5/2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin, một trong những nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc mà dự án bất động sản gặp phải, là do việc tổ chức thực thi pháp luật của địa phương.
Cụ thể, liên quan đến quy hoạch chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng của dự án đang triển khai thực hiện, với quy hoạch chung của địa phương. Một số dự án trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng vẫn sai lệch, chưa phù hợp quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 được phê duyệt. Ngoài ra, các dự án còn gặp khó khăn liên quan tới quy định pháp luật về bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Một số trường hợp do địa phương chậm triển khai việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án…
Đưa ra ý kiến, Phó Thủ tướng cho rằng nguyên nhân của những tồn tại, vướng mắc của dự án bất động sản đã dần được nhận diện. Vì vậy, thời gian tới yêu cầu địa phương khẩn trương, nghiêm túc giải quyết các nhóm vấn đề tồn tại thuộc thẩm quyền, nhằm hoàn thành thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản như: điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết dự án bất động sản phù hợp quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, quy định về quỹ đất, để phát triển nhà ở xã hội, xác định giá đất…; đồng thời tiếp tục rà soát, kiểm tra, báo cáo những vấn đề mới phát sinh. Đối với sai phạm của doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư, xây dựng dự án bất động sản không đúng theo quy hoạch chi tiết 1/500, phải khắc phục theo hướng bảo đảm chỉ tiêu về hạ tầng, cây xanh, công trình công cộng…
Nhấn mạnh đây là việc hết sức cấp bách, phải tháo gỡ kịp thời để giải phóng nguồn lực từ các dự án bất động sản, Phó Thủ tướng nêu rõ “vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, có thời hạn cụ thể và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu chậm trễ, gây thiệt hại về kinh tế”.
Theo Phó Thủ tướng, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái kinh tế: công nghiệp, dịch vụ, du lịch, lưu trú, sản xuất vật liệu, tài chính, ngân hàng…, tác động đến chuỗi sản xuất như vật liệu, sắt thép, đồ gia dụng, thị trường vốn, tín dụng, thị trường lao động, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, tháo gỡ vướng mắc liên quan thị trường bất động sản là hết sức quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của nền kinh tế.