February 27, 2024 | 07:51 GMT+7

Các địa phương "quyết" trình dự án đường Vành đai 4 TP.HCM vào tháng 6/2024

Xuân Nghi -

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM đi qua các tỉnh Đông Nam Bộ và Long An, giúp thúc đẩy liên kết vùng, đang được các địa phương khẩn trương rà soát, thống nhất phương án, hoàn thiện thủ tục để trình quốc hội vào giữa năm nay, kịp khởi công đầu năm 2025...

Đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn Bến Cát (Bình Dương) đã hoàn thành và đưa vào khai thác trước đó.
Đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn Bến Cát (Bình Dương) đã hoàn thành và đưa vào khai thác trước đó.

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều 207 km (cập nhật mới), đi qua 5 tỉnh, thành là Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương và Long An, đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chuẩn bị và triển khai thực hiện, từ tháng 9/2021.

Dự án Vành đai 4 TP.HCM có chức năng kết nối với tất cả các tuyến cao tốc, quốc lộ của vùng dự án, vì vậy khi triển khai đoạn nào hoàn thành trước có thể đưa vào khai thác ngay, phát huy hiệu quả của các tuyến hướng tâm. Theo kế hoạch, các địa phương thống nhất sẽ hoàn thành hồ sơ kịp rình quốc hội vào kỳ họp tháng 6/2024 và đồng loạt thi công vào đầu năm 2025.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, đến nay các địa phương đã thống nhất đưa ra hai phương án xây dựng. Phương án 1, đề xuất mỗi địa phương là cơ quan nhà nước thẩm quyền chịu trách nhiệm đầu tư từng dự án thành phần, nhưng phải đồng bộ triển khai vào đầu năm 2025 và hoàn thành năm 2028. Phương án 2, lập một ban chỉ đạo chung cho một dự án thống nhất, nhưng sẽ làm tăng chi phí đầu tư, thời gian thi công kéo dài.

Theo kế hoạch đã được thống nhất trước đó, các địa phương đã và đang rà soát, thu xếp nguồn vốn đầu tư vì dự án được đầu tư bằng nguồn vốn trung ương và địa phương. Riêng Long An, tỉnh này đã kiến nghị trung ương hỗ trợ 90% vốn đầu tư đoạn dự án đi qua địa bàn, do địa phương gặp khó về nguồn vốn.

Vừa qua, tại cuộc họp của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải với lãnh đạo các địa phương dự án tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn đã nhấn mạnh rằng dự án Vành đai 4 TP.HCM là dự án hạ tầng rất quan trọng không chỉ có chức năng liên kết vùng mà còn mở ra hướng kết nối với khu vực Tây Nguyên. Vì vậy, ông đề nghị các địa phương cần có đơn vị tư vấn dự án để họ tổng hợp, tư vấn, phản biện trong tiến trình triển khai dự án.

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/giờ; mặt cắt ngang 6 - 8 làn xe và là tuyến vành đai cao tốc thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia đã được phê duyệt tại Quyết định 1454/QĐ-TTg, được đầu tư trước năm 2030.

Sơ đồ hướng tuyến dường Vành đai 4 TP.HCM (đường màu cam). Ảnh tư liệu.
Sơ đồ hướng tuyến dường Vành đai 4 TP.HCM (đường màu cam). Ảnh tư liệu.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá về tính cấp thiết của dự án đối với phát triển kinh tế xã hội của vùng đồng thời đề nghị các địa phương cần nghiên cứu tăng ca, tăng nhân lực làm việc, rút ngắn thời gian để triển khai dự án. “Nếu công trình sớm hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ đem lại lợi ích rất lớn. Chúng ta không nên ngại chuyện kinh phí mà đầu tư phân kỳ mà cần giải phóng mặt bằng 8 làn xe, trong đó giai đoạn 1 làm 4 làn và có làn dừng khẩn cấp”, người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhấn mạnh.

Các địa phương Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An cũng cho rằng, quá trình nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn về quy mô phân kỳ giai đoạn 1, giữa các dự án (thành phần) chưa thống nhất về chiều rộng mặt cắt ngang; thời gian thu hồi vốn giữa các dự án còn khác nhau; nguồn vốn nhà nước tham gia các dự án lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách địa phương đang khó khăn, khó cân đối, bố trí để tham gia dự án; vướng mắc về phương án đầu tư công trình cầu năm giữa hai địa phương,… Các địa phương đề nghị cần có cơ chế, chính sách đặc thù trong quá trình triển khai thực hiện.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM nêu đề xuất theo phương án 2. Cụ thể, thành lập một ban chỉ đạo dự án. Ban chỉ đạo xin ý kiến Hội đồng điều phối Vùng (Đông Nam Bộ) trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM.

Ngoài ra, các địa phương thống nhất đề nghị chọn một đơn vị tư vấn chung và là cơ quan chủ trì, hướng dẫn các địa phương, báo cáo, tham mưu Thủ tướng Chính phủ các nội dung của các dự án đường Vành đai 4 TP.HCM. Từ đó làm cơ sở triển khai, hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án,…

Thủ tướng Chính phủ, ngày 01/9/2021 đã ban hành Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo quyết định này, hệ thống đường vành đai đô thị TP.HCM có tổng chiều dài 291 km; trong đó, đường Vành đai 3 dài 92 km và đường Vành đai 4 dài 199 km, quy mô đầu tư 8 làn xe.

Tuy vậy, trên thực tế triển khai, các địa phương đề xuất tổng chiều dài đường Vành đai 4 TP.HCM là khoảng 206,82 km. Chia ra như sau: Bà Rịa – Vũng Tàu dài 18,7 km; Đồng Nai dài 45,6 km; Bình Dương dài 47,45 km; TPHCM 17,3 km và Long An 78,3 km (chiếm tỷ lệ dài nhất của dự án). Quy mô chiều rộng mặt cắt ngang được đề xuất (giai đoạn 1) từ 22 - 27 m, tùy địa phương. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 105.964 tỷ đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate