Việt Nam là đối tác nhập khẩu đứng thứ 4 tại Châu Á của Áo. Hoạt động thương mại song phương giữa 2 nước từ năm 2010 đến nay liên tục tăng trưởng, trong đó, nhập khẩu của Áo từ Việt Nam tăng bình quân 32%.
Tại “Diễn đàn kinh tế bang Styria (Cộng hòa Áo) – TP.HCM” diễn ra ngày 18/10/2022, 23 doanh nghiệp bang Styria muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư tại TP.HCM.
Theo ông Dietmar Schwank, Tham tán Thương mại Áo tại TP.HCM, năm 2022, các doanh nghiệp Áo đăng ký đầu tư 50 dự án với tổng vốn FDI là 120 triệu EUR, đầu tư gián tiếp 500 triệu EUR.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Áo đã nhập khẩu 672 triệu EUR các sản phẩm điện thoại, giày dép, dệt may, điện tử gia dụng, thực phẩm, sản phẩm kim loại... từ Việt Nam. Ngược lại, các mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Áo gồm máy móc, dược phẩm, sợi, sản phẩm kim loại, thiết bị y tế, công cụ, thủy tinh, thực phẩm...với 103 triệu EUR.
Ông Dietmar Schwank cho biết thêm, Styria là bang lớn thứ 2 trong 9 bang của nước Áo, dân số chỉ 1,25 triệu người, là bang có nhiều tiềm năng hợp tác với Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, cơ khí, điện tử.
Nhiều doanh nghiệp lớn của bang Styria cũng đã hợp tác thành công với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp. Tập đoàn Andritz đã tham gia thành công nhiều dự án thủy điện trọng điểm tại Việt Nam. Hai công ty Magna Steyr và AVL List đã tham gia thiết kế ô tô VinFast.
Tại sự kiện này, các doanh nghiệp Áo quan tâm đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đô thị thông minh, kiến trúc, công nghiệp ô tô, tự động hoá, điện tử, IT, dịch vụ, năng lượng, xử lý chất thải và chất thải y tế… tại Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM.
Thông tin về TP.HCM, bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), cho biết hiện TP.HCM có hơn 11.007 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong đó, quốc gia Cộng hòa Áo có 21 dự án đầu tư tại thành phố với tổng số vốn đầu tư hơn 42 triệu USD, đứng thứ 33/115 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư, kinh doanh tại đây.
Thành phố đang ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có sử dụng công nghệ cao, có thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển; các nhà đầu tư về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng; ngành kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; ngành công nghệ thông tin; ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Bà Vân cho rằng các cơ hội cho các doanh nghiệp khi đầu tư tại TP.HCM là có một lượng khách hàng rất lớn tiêu thụ sản phẩm với hơn 10 triệu dân đang sinh sống và làm việc tại thành phố, thu nhập bình quân đầu người gấp gần 2,5 lần thu nhập bình quân cả nước.
Ngoài ra, trong vòng bán kính 100 km từ TP.HCM, doanh nghiệp sẽ gặp các nhà sản xuất và cư dân của 7 tỉnh nữa, mà 7 tỉnh này cùng với TP.HCM tạo nên Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có dân số 20 triệu người với sức mua bằng 2,1 lần bình quân cả nước, tương đương với 42 triệu người mua của Việt Nam.
Ngoài ra, thành phố đang có hơn 4,6 triệu lao động có chuyên môn. Đây là nguồn nhân lực đủ lớn để hỗ trợ thành phố trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ của Việt Nam. Điều này cũng như giúp các doanh nghiệp đầu tư tại thành phố có được nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao.