November 09, 2022 | 07:37 GMT+7

Các doanh nghiệp bất động sản đang cần “thổi ngạt”

Phan Nam -

Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 8/11, nhiều đại biểu đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản nhìn chung đang rất khó khăn. Do vậy, rất cần các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ phía Nhà nước…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Báo cáo tại Hội nghị, Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết thị trường bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc triển khai thực hiện dự án do có vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án đặc biệt là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính tiền sử dụng đất.

Cùng với đó, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án. Rồi lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng..., dẫn đến chi phí đầu vào tăng cao, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

MỘT SỐ DOANH NGHIỆP “ĐÓI” VỐN, PHẢI VAY TÍN DỤNG “ĐEN”

“Do việc xây dựng dự án bất động sản tại hầu hết địa phương đều khó khăn dẫn đến nguồn cung nhà ở sụt giảm, nguồn cung quá thiếu nhưng cũng quá thừa so với nhu cầu. Trong khi phân khúc nhà ở cao cấp có dấu hiệu thừa cung thì số lượng nhà ở xã hội, nhà công nhân, đặc biệt là nhà ở cho người thu nhập thấp, trung bình lại thiếu trầm trọng.

Giá nhà cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân. Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào bất động sản chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro. Cơ cấu nguồn vốn bất động sản còn hạn chế. Nguồn cung vốn trung và dài hạn chưa có. Người mua nhà vẫn gặp khó trong tiếp cận nhà ở phù hợp với nhu cầu. Vẫn còn tình trạng đầu cơ, găm hàng bất động sản. Thị trường bất động sản còn thiếu công khai, minh bạch do hệ thống thông tin chưa được cập nhật đầy đủ…”, Bộ Xây dựng nhìn nhận.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), bày tỏ rằng hiện nay thị trường bất động sản đang đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả, nhưng phải đi đôi với nỗ lực tái cấu trúc, tái cơ cấu của từng doanh nghiệp bất động sản về đầu tư, sản phẩm hướng đến nhu cầu thực của thị trường bất động sản.

 

"Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đã phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) hoặc phải giảm lương. Thực trạng này tác động đến vấn đề an sinh xã hội, tác động đến nhiều hộ gia đình, đến cuộc sống của nhiều người lao động”.

Ông Lê Hoàng Châu 

“Bởi lẽ đã có một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn; lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí bị lỗ; một số cổ phiếu bất động sản “nằm sàn”, đặc biệt là “rủi ro” bị sụt giảm sâu thanh khoản, có thể bị mất thanh khoản, thể hiện qua việc một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để “tồn tại trước đã”. Trong đó có biện pháp thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO…), mà điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước", ông Châu phân tích.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, do “tắc” nguồn vốn tín dụng, “tắc” nguồn vốn “trái phiếu”, “tắc” cả nguồn “vốn huy động từ khách hàng”, nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao, đầy “rủi ro”, hoặc phải bán bớt tài sản, dự án, bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (có khi đến 40% giá hợp đồng). Điều đó tạo ra cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ hơn, nhưng cũng tiềm ẩn “rủi ro” vì là sản phẩm hình thành trong tương lai. Bên cạnh đó, việc bán dự án với “giá hời” có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội “thâu tóm”, có thể làm mất đi “lợi thế” của các doanh nghiệp trong nước.

SẼ TẬP TRUNG THÁO GỠ VƯỚNG MẮC VỀ PHÁP LÝ

Nhiều đại biểu cho rằng trong bối cảnh hiện nay, giải pháp lớn nhất, bao quát nhất và có tính quyết định nhất là thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất” nhằm “phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững”, góp phần thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. 

Đi đôi với việc hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và “một số luật liên quan” trong năm 2023 gồm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Phòng, chống rửa tiền, các doanh nghiệp đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đồng thời xem xét sửa đổi Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đấu giá tài sản, Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TNDN, Luật Đầu tư, Bộ Luật Dân sự… để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Đề cập đến vấn đề này, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết cơ quan này đã kiến nghị các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản; Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án nhà ở, bất động sản để hỗ trợ, tăng nguồn cung cho thị trường…

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát lập danh mục các dự án bất động sản trên địa bàn, đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án...

Với các giải pháp đưa ra, nhiều ý kiến nhận định nếu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ thì thị trường bất động sản sẽ dần cải thiện, ổn định, hướng tới mục tiêu phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

 

Hiệp hội bất động sản TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành tập trung tháo gỡ “vướng mắc” cho 116 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố. Đồng thời đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét lựa chọn khoảng 10 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn có nhiều dự án bị vướng mắc pháp lý (đang phải dừng triển khai) để tập trung tháo gỡ, tạo niềm tin và “cú huých” cho thị trường.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate