ASEANPOST 2022 nhằm xây dựng chiến lược chung giải quyết những thách thức, ứng phó với tình hình thực tiễn ở bưu chính mỗi nước ASEAN; nắm bắt cơ hội kinh doanh mới đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Đồng thời, cải tiến hệ thống vận hành, khai thác, nâng cao chất lượng dịch vụ, hợp tác triển khai các hoạt động marketing trong bối cảnh môi trường bưu chính thay đổi.
Tại hội nghị năm 2022, các nhà lãnh đạo cấp cấp sẽ tập trung thảo luận các nội dung trong việc triển khai các vấn đề hợp tác đa phương, kế hoạch hành động được thông qua tại Đại hội Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) và Liên minh Bưu chính khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (APPU).
Đặc biệt, các lãnh đạo bưu chính cũng sẽ trao đổi, thảo luận về các sáng kiến, giải pháp hài hòa để đảm bảo lợi ích, quyền lợi của các nước thành viên, nhất là việc nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ chuyển phát truyền thống, chuyển phát hàng thương mại điện tử như APP ePacket, Asean Pack…
Một hội nghị bàn tròn các Tổng Giám đốc điều hành của Bưu chính các nước Đông Nam Á cũng diễn ra để thảo luận về cơ hội và thách thức đặt ra đối với ngành bưu chính trong thời kỳ chuyển đổi số; các cơ hội để bưu chính các nước thành viên xúc tiến, thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương trong các lĩnh vực phát triển kinh doanh, hỗ trợ kỹ thuật nghiệp vụ, đào tạo chia sẻ kinh nghiệm nhằm chiếm lĩnh và thống trị thị phần bưu chính, phát triển cộng đồng Bưu chính khu vực thịnh vượng.
Hội nghị Bưu chính các nước Đông Nam Á (ASEANPOST) là diễn đàn của Bưu chính 10 nước Đông Nam Á, gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Malaysia, Myanmar, Phillipnes, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Đây là lần thứ 3 Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị. Trước đó, Bưu điện Việt Nam đã 3 lần đăng cai tổ chức thành công các kỳ Hội nghị gồm: ASEANPOST lần thứ 7 tại Hà Nội năm 2000, ASEANPOST lần thứ 17 tại Đà Nẵng năm 2010.
Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”. Đây là lần đâu tiên lĩnh vực bưu chính có bản chiến lược phát triển riêng.
Chiến lược xác định rõ tầm nhìn đến năm 2030, bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và nền kinh tế số, đặc biệt là của thương mại điện tử; mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới; thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số. Phát triển thị trường; Phát triển hạ tầng bưu chính; Tham gia thúc đẩy Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số nông nghiệp; Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ bưu chính công ích của người dân…
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu theo đánh giá xếp hạng của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU). Về phát triển thị trường, đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng trung bình của dịch vụ bưu chính phục vụ thương mại điện tử tối thiểu 30%. Số dân phục vụ bình quân trên 1 điểm phục vụ bưu chính khoảng 3.700 người và phát triển tối thiểu 3 doanh nghiệp bưu chính lớn dẫn dắt thị trường.