Các MSME đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. Trong thời kỳ hậu đại dịch như hiện nay, rất khó để một quốc gia có sự tăng trưởng về công nghiệp mà không có những chuyển đổi mang tính căn bản trong các MSME.
NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG
60 triệu MSME tại Ấn Độ là nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia Nam Á. Những doanh nghiệp này tạo thành 95% các ngành công nghiệp trên toàn quốc, đóng góp khoảng 45% tổng sản lượng công nghiệp, 40% tổng sản lượng xuất khẩu, 7,9% GDP trong lĩnh vực kỹ thuật, 37,5% tổng GDP và 30,5% trong ngành dịch vụ.
Các doanh nghiệp MSME được coi là những “trợ thủ đắc lực” cho các nhà sản xuất phụ tùng gốc (Original Equipment Manufacturers - OEM). Họ góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng hoạt động trơn tru. Hơn nữa, sáng kiến “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ) của chính phủ phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt trong các lĩnh vực mang tính chiến lược.
Môi trường ngày càng cạnh tranh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải bắt kịp với những thay đổi trong hệ thống hỗ trợ, quy trình sản xuất, nguồn nhân lực, nhu cầu dịch vụ của khách hàng và công nghệ để đảm bảo phát triển bền vững. Tuy đáng lo ngại là vậy nhưng cho tới nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Ấn Độ đã thể hiện nỗ lực tiếp cận và áp dụng các công cụ số, hay cũng có thể coi là bắt kịp xu hướng thời đại Công nghiệp 4.0.
TIỀM NĂNG MANG TÍNH TOÀN CẦU
Sự hỗ trợ của công nghệ là động lực khắc phục sự cố gián đoạn do COVID-19 và thúc đẩy sản xuất lên một cấp độ hoạt động mới. Dưới trướng của nền công nghiệp số hóa, cùng với sự bùng nổ của khối lượng - quy mô sản xuất lớn, số hóa hoạt động, sự tương tác với máy móc - rô bốt, tự động hóa và phân tích dữ liệu tiếp tục đóng vai trò trụ cột, giúp hoạt động sản xuất trở nên hiệu quả, năng suất và sinh lời cao hơn.
Do cạnh tranh toàn cầu liên tục gia tăng, các công ty buộc phải mở rộng và kết nối quy trình sản xuất nội bộ với quy trình của nhà cung cấp bên ngoài và nguyện vọng của khách hàng. Công nghiệp 4.0 sẵn sàng tận dụng trí tuệ dữ liệu, loại bỏ những sai sót về mặt hệ thống, giúp tăng giá trị cho khách hàng. Các doanh nghiệp dẫn đầu trong thời đại Công nghiệp 4.0 ở châu Âu và Hoa Kỳ đã thu lợi thông qua toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất, như tăng năng lực sản xuất và giảm tổn thất nguyên vật liệu, cải thiện dịch vụ khách hàng và giảm thời gian giao hàng, đạt được độ tín nhiệm và hài lòng của nhân viên đồng thời giảm tác động từ phía môi trường lên họ.
THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP CHO CÁC DOANH NGHIỆP ẤN ĐỘ
Mặc dù có tiềm năng tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với nhiều rào cản khi áp dụng Công nghiệp 4.0 tại Ấn Độ. Họ vẫn hoạt động trong vùng an toàn của Công nghiệp 3.0 và không lường trước được ảnh hưởng của việc không áp dụng công nghệ tân tiến nhất trong hành trình kinh doanh đầy cạnh tranh ở tương lai.
Những mối lo ngại lớn là về thiếu hụt kinh tế, tài chính, gây áp lực lên nguồn nhân lực, công nghệ và cơ sở hạ tầng khi vận hành mới. Ngoài ra, những doanh nghiệp này chưa có đủ động lực và sự thúc đẩy từ phía chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc các ban lãnh đạo công ty mẹ, dẫn đến lo ngại về các rủi ro khi tiếp cận Công nghiệp 4.0 một cách triệt để.
Để khắc phục những vấn đề nêu trên, trước tiên các chủ sở hữu cần định hướng văn hóa hoạt động, vận hành của doanh nghiệp sao cho phù hợp để phát triển bền vững. Doanh nghiệp nên sớm tiếp cận các công nghệ hỗ trợ như trí tuệ nhân tạo, ngôn ngữ máy…trong toàn bộ quá trình vận hành từ khâu thiết kế sản phẩm tới khâu phục vụ khách hàng, đồng thời tự động hóa quy trình để giảm thời gian thực hiện cũng như đảm bảo chất lượng và tăng hiệu quả tổng thể. Ngoài ra, việc trang bị kiến thức và kỹ năng liên quan đến Công nghiệp 4.0 cũng rất quan trọng. Các doanh nghiệp phải thường xuyên tiếp xúc, đào tạo và tương tác với chuyên gia, xác định chiến lược, kế hoạch để dễ theo dõi đánh giá định kỳ theo tiến độ.
Tóm lại, trong giai đoạn hậu COVID-19, khi lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ đang mở rộng quy mô đáp ứng yêu cầu hiện thời, cùng với sự tạo điều kiện của chính phủ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của quốc gia này cần kích hoạt và áp dụng công nghệ số tân tiến để nắm bắt cơ hội phát triển bền vững.