UBND tỉnh Quảng Nam vừa thông tin về tình hình phát triển nhà ở xã hội, cũng như thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Đối với tình hình thực hiện các quy định về quản lý thị trường bất động sản và Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững thì trong năm 2023, không có danh mục dự án đầu tư bất động sản nhà ở đủ điều kiện được tỉnh Quảng Nam phê duyệt để thu hút đầu tư.
Trong quý 2 và quý 3/2023 không có dự án mới được chấp thuận. Tiến độ đầu tư các dự án hiện chậm; giá giao dịch giảm; giao dịch trầm lắng; một số khu vực gần như rơi vào trạng thái “ngủ đông”.
Thị trường bất động sản tại Quảng Nam gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Cụ thể, cơ chế về tín dụng bị siết chặt, đây là vấn đề khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại Quảng Nam.
Công tác giải phóng mặt bằng các dự án phức tạp, cơ chế chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng thay đổi qua các thời kỳ làm khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Người dân không đồng ý với việc không bố trí tái định cư. Công tác này vướng mắc kéo theo chậm tiến độ thực hiện dự án, chậm được giao đất, kéo theo toàn bộ dự án thực hiện không đúng tiến độ quy định.
Ngoài ra, việc thực hiện thủ tục gia hạn tiến độ phải xin ý kiến của địa phương và nhiều đơn vị liên quan dẫn đến thủ tục mất rất nhiều thời gian. Đồng thời, chưa có quy định thời gian bắt buộc phải có ý kiến góp ý về điều chỉnh tiến độ, dẫn đến phải chờ đợi đầy đủ ý kiến các ngành liên quan ảnh hưởng đến các thủ tục khác liên quan.
Chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, doanh nghiệp phản ánh việc giải quyết thủ tục hành chính chậm trễ theo phiếu hẹn. Cụ thể như thủ tục gia hạn tiến độ thực hiện dự án, thẩm định nhu cầu sử dụng đất đồng thời thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; thủ tục đăng ký biến động đất đai; thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 được thực thông qua dịch vụ công, nhưng thời gian xử lý, giải quyết hồ sơ vẫn chưa đúng giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả.
Về phát triển nhà ở xã hội, tỉnh đã phê duyệt 01 danh mục dự án nhà ở xã hội trong Khu kinh tế mở Chu Lai; xem xét phê duyệt 01 danh mục dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% trong dự án Khu dân cư dọc tuyến đường Điện Biên Phủ nối dài (giai đoạn 1).
Hoạt động xây dựng gặp khó khăn, chủ yếu do sức ép lạm phát, thiếu nguyên liệu đất đắp, giá cát tăng, tỷ giá, lãi suất tăng. Tình hình xây dựng các dự án đầu tư gặp nhiều khó do công tác giải phóng mặt bằng, nhiều dự án nhà ở, thương mại dịch vụ chậm tiến độ, lĩnh vực kinh doanh bất động sản chưa phục hồi… dẫn đến tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng giảm 3,1% so với năm 2022.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tính đến hết quý 3/2023, nợ khối lượng hoàn thành hơn 811 tỷ đồng, giảm 79 tỷ đồng so với quý trước. Trong đó, khối lượng nợ xây dựng cơ bản cấp tỉnh hơn 171 tỷ đồng. Một số chủ đầu tư có nợ lớn, như: Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp 80,6 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông 50,2 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh 11,2 tỷ đồng. Khối lượng nợ xây dựng cơ bản cấp huyện gần 640 tỷ đồng.
Năm 2024, UBND tỉnh Quảng Nam dự kiến hoàn thành các quy hoạch vùng huyện, liên vùng huyện phía Đông để sớm triển khai các thủ tục đầu tư dự án; Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các dự án bất động sản du lịch, các dự án khu dân cư, khu đô thị; Rà soát các dự án đầu tư có sử dụng đất của các chủ đầu tư tư nhân…