Lượng khách du lịch gia tăng đã kéo theo sự cải thiện về công suất thuê, giá thuê và doanh thu của các cơ sở lưu trú. Các chuyên gia nhận định, thị trường du lịch nói chung và phân khúc khách sạn nói riêng “đã bước đầu vượt qua khó khăn sau dịch bệnh”.
Tuy nhiên, nhu cầu du lịch của khách trong và ngoài nước vẫn chưa đủ để nâng công suất lên đến 100% tại các khách sạn ngay lúc này. Do đó, các cơ sở lưu trú vẫn phải chú trọng vào chiến lược vận hành hợp lý để nâng dần công suất, bảo đảm phân bổ hợp lý các hoạt động cải thiện vận hành, nâng cao chất lượng, truyền thông, thu hút khách hàng, đặc biệt cực kỳ thận trọng trong việc mở rộng quy mô nhanh chóng. Song song với đó là sự hỗ trợ, định hướng từ các cơ quan quản lý.
Mới đây nhất, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, bổ sung nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” để áp dụng giá bán lẻ điện ngang bằng giá bán lẻ điện cho khách hàng sản xuất. Đây là chỉ đạo của Chính phủ được nêu trong Nghị quyết số 82/NQ-CP ban hành ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Đồng thòi đây cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho du lịch phát triển đã được đặt ra trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thời gian qua, việc áp dụng giá bán điện sản xuất cho các cơ sở lưu trú du lịch đã được Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiều lần đề xuất với các cấp có thẩm quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động du lịch.
Đặc biệt, trong giai đoạn ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất và được Chính phủ đồng ý ban hành chính sách giảm giá điện, giảm tiền điện (trong đó, có giảm giá bán điện từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất) thực hiện theo 4 đợt cho các cơ sở lưu trú du lịch.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch, Bộ VHTTDL yêu cầu các Sở quản lý du lịch chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn. Đồng thời, Tổng cục Du lịch sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch trên một số địa bàn trọng điểm phát triển du lịch trên toàn quốc từ tháng 6 – 10/2023.
Cụ thể, Tổng cục Du lịch, phối hợp với Thanh tra Bộ VHTTDL và các Sở quản lý du lịch kiểm tra, giám sát tại: Miền Bắc (Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An); miền Trung (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam); miền Nam (Bình Thuận, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang).
Thời gian qua, dù đã cố gắng nhưng vẫn còn nhiều cơ sở lưu trú du lịch chưa đáp ứng đầy đủ quy định về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường. Việc phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức và chưa đạt hiệu quả.
Việc thông báo về thời gian bắt đầu hoạt động và các báo cáo định kỳ theo quy định của cơ sở chưa được thực hiện đầy đủ. Nhiều cơ sở lưu trú du lịch quảng cáo sai loại hạng hoặc quảng cáo hạng sao khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền công nhận. Đặc biệt, những thông tin này được quảng bá trên internet, mạng xã hội, gây hiểu lầm về chất lượng dịch vụ.
Tổng cục Du lịch tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch về việc tăng cường quản lý, đảm bảo chất lượng cơ sở lưu trú du lịch nhằm mục tiêu phát triển du lịch bền vững; chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hoạt động kiểm tra cụ thể. Vụ Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các Trường đào tạo du lịch tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng về quản lý và nghiệp vụ du lịch phù hợp, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cụ thể từng giai đoạn.
Đối với hoạt động quảng bá, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý, chấn chỉnh các cơ sở lưu trú du lịch quảng bá không đúng chất lượng dịch vụ, quảng cáo, niêm yết không đúng hạng sao hoặc quảng bá hạng sao khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Đáng chú ý, hoạt động quảng bá trên các trang mạng xã hội, hệ thống đặt phòng trực tuyến như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Facebook, Zalo… cũng nằm trong nội dung kiểm tra nêu trên.
Hoạt động này nhằm thực hiện Kế hoạch số 1819/KH-BVHTTDL về kiểm tra đảm bảo chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam năm 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Qua đó, nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và người quản lý, điều hành cơ sở lưu trú về sự cần thiết phải duy trì và kiểm soát chất lượng dịch vụ, phát triển bền vững, tạo sự hưởng ứng tích cực của toàn ngành du lịch trong việc tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch, đặc biệt là giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19.
Hoạt động này sẽ góp phần tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ, vệ sinh môi trường trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chuẩn. Các cơ sở lưu trú du lịch nâng cao ý thức ứng xử văn minh, thái độ lễ phép, thân thiện phục vụ khách đối với tất cả nhân viên.