Nắng nóng khắc nghiệt ở nhiều khu vực tại Mỹ, châu Âu cũng như trên toàn thế giới buộc các hãng hàng không phải giảm tải nhiên liệu, giảm hành lý và thậm chí giảm cả hành khách để đảm bảo cho máy bay hoạt động. Theo CNN, nhiệt độ cao làm giảm hiệu suất của động cơ cũng như khả năng nâng cánh của máy bay, điều này khiến các hãng hàng không không thể mạo hiểm.
Ông Paul Williams, Giáo sư ngành Khí quyển học tại Đại học Reading ở Anh, cho biết: “Thách thức cơ bản đối với bất kỳ chiếc máy bay nào khi nó cất cánh là máy bay rất nặng và lực hấp dẫn muốn giữ chúng ở trên mặt đất. Để vượt qua trọng lực, chúng cần tạo ra lực nâng, đó là bầu khí quyển đẩy máy bay lên. Lực nâng phụ thuộc vào một số yếu tố, nhưng một trong những yếu tố quan trọng nhất là nhiệt độ của không khí. Khi không khí nóng lên, nó sẽ giãn nở, do đó số lượng phân tử có sẵn để đẩy máy bay lên sẽ giảm đi”.
Chuyên gia này cho biết, với mỗi 3 độ C nhiệt độ tăng lên, lực nâng của máy bay sẽ giảm đi hơn 1%. “Đó là lý do tại sao nhiệt độ cực cao khiến máy bay khó cất cánh hơn – và trong một số điều kiện thực sự khắc nghiệt, điều đó hoàn toàn bất khả thi,” ông nói. Hãng hàng không Delta của Mỹ tháng trước đã đưa ra tuyên bố bổ sung các giao thức nhằm giải quyết các tác động vận hành mà nhiệt độ cực cao gây ra cho máy bay, theo đó, hãng sẽ giảm nhiên liệu để đảm bảo trọng lượng cho máy bay cất cánh. Việc tiếp nhiên liệu sẽ được thực hiện trên các chặng hành trình.
Bên cạnh đó, đối với các hãng hàng không, cân nặng ngày càng tăng của hành khách thực sự là vấn đề lớn. Quay ngược lại năm 1993, cân nặng trung bình của nam giới ở Anh là 79 kg và nữ là 67 kg. Nhưng đến năm 2021, con số này lần lượt tăng lên 85 kg và 72 kg. Điều này đồng nghĩa với việc tổng trọng lượng của hành khách nặng hơn một tấn so với 30 năm trước.
Thông tin từ Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ cho biết một chiếc Boeing 737 - 800 trung bình có trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 80 tấn. Trừ đi 41 tấn trọng lượng của máy bay và 18 tấn nhiên liệu, chỉ còn lại 21 tấn cho hàng hóa, hành lý và hàng khách.
Việc hành khách trở nên nặng hơn khiến các hãng hàng không phải tìm cách cắt giảm trọng lượng ở những phần khác. Đơn cử như Virgin Atlantic của Anh phải sử dụng đồ thủy tinh mỏng hơn, thiết kế lại các khay đựng thức ăn để có thể giảm số lượng xe đẩy. Hãng cho biết giảm trọng lượng trên một chiếc máy bay sẽ giúp tiết kiệm 53.000 lít nhiên liệu mỗi năm, tương đương với hàng chục nghìn USD. Trong khi các hãng hàng không khác đã loại bỏ tạp chí trên chuyến bay và màn hình phía sau ghế để giảm trọng lượng...
Hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc Korean Air mới đây cho biết họ sẽ cân hành khách và hành lý xách tay từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 9 năm nay, nhằm đảm bảo an toàn hàng không cũng như giảm thiểu sử dụng nhiên liệu quá mức. Cụ thể, những hành khách trên các chuyến bay nội địa sẽ được yêu cầu cân trọng lượng cơ thể từ ngày 28/8 đến ngày 6/9. Trong khi đó, những hành khách trên các chuyến bay quốc tế sẽ được cân từ ngày 8 đến ngày 19/9.
Theo báo Korea Herald, quá trình cân trọng lượng sẽ được thực hiện tại các cửa lên máy bay, và việc thực hiện cân trọng lượng sẽ chỉ thực hiện khi được sự đồng ý của hành khách. Số cân nặng của các hành khách sẽ được gửi trực tiếp đến trung tâm khảo sát và được ghi nhận lại dưới dạng dữ liệu ẩn danh.
Theo quy định của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc quy định, các hãng hàng không tại nước này phải cung cấp trọng lượng trung bình của hành khách trên mỗi chuyến bay năm năm một lần để cập nhật trọng lượng tiêu chuẩn của máy bay. Các dữ liệu cân nặng của hành khách cũng sẽ được sử dụng để lập kế hoạch phân bổ trọng lượng tối ưu trên mỗi chuyến bay cũng như nghiên cứu các biện pháp nhằm giảm chi phí nhiên liệu.
Trước đó, hãng hàng không quốc gia Air New Zealand đã cân hành khách trên tất cả các chuyến bay khởi hành từ sân bay quốc tế Auckland từ ngày 31/5 đến hết ngày 2/7/2023. Theo đại diện hãng, việc cân trọng lượng hành khách trước khi lên máy bay nhằm giúp đảm bảo an toàn cho các hành khách trên chuyến bay. Bên cạnh đó, việc biết được chính xác trọng lượng của tất cả các hành khách cũng là một “chìa khóa” để hãng hàng không này tính toán chính xác mức tiêu thụ nhiên liệu của máy bay.
“Vì lý do an toàn, chúng tôi cần biết trọng lượng của tất cả hành khách, đội bay, hành lý xách tay. Chúng tôi cân mọi thứ trên máy bay, từ hàng hóa, bữa ăn, đến hành lý trong khoang hành lý. Chúng tôi cũng ghi nhận trọng lượng trung bình của các hành khách, phi hành đoàn và hành lý xách tay mà chúng tôi thu được từ cuộc khảo sát này”, ông Alastair James, chuyên gia kiểm soát tải trọng máy bay của hãng Air New Zealand, cho biết.
Ông Alastair cũng tiết lộ thêm rằng việc cân hành khách chỉ là một phần của cuộc khảo sát định kỳ. Các hành khách sẽ được yêu cầu đứng trên một chiếc cân kỹ thuật số khi họ làm thủ tục chuyến bay. Theo Air New Zealand, việc tham gia cân là hoàn toàn tự nguyện. Đặc biệt, Air New Zealand cũng đảm bảo rằng quy trình cân trọng lượng hành khách chắc chắn sẽ không làm chậm bất kỳ chuyến bay nào.
Tuy nhiên vẫn có các chuyên gia không đồng tình với việc này. Paul Charles, người sáng lập PC Agency, nhận xét: "Ý tưởng yêu cầu hành khách đúng lên bàn cân mất quá nhiều thời gian. Thật vô nghĩa vì các phi công có thể tính toán trọng lượng trung bình của hàng khách. Tốt hơn nên tập trung vào trọng lượng của hàng lý ký gửi, hàng hóa".
Trong một trường hợp cực đoan hơn, hồi cuối năm 2013, Samoa Air trở thành hãng hàng không đầu tiên tính phí hành khách theo cân nặng, đối với cả chuyến bay trong nước lẫn nước ngoài. Trang web của hãng thông báo: "Bạn sẽ phải trả tiền cho cân nặng của mình và trọng lượng của hành lý đi kèm". Để đặt vé online, khách hàng cần nhập gần đúng cân nặng và trọng lượng hành lý của họ rồi thanh toán trước. Khi đến sân bay, hành khách và hành lý sẽ được cân lại một lần nữa để đảm bảo độ chính xác
Tại thời điểm đó, giám đốc điều hành của hãng là Chirs Langton nói rằng "điều này là xu hướng". Tuy nhiên, hãng này đã nhận rất nhiều chỉ trích từ công chúng rằng việc này giống như "thuế đánh vào lượng mỡ" trên cơ thể họ và ngừng chính sách này hai năm sau đó.