January 04, 2025 | 18:27 GMT+7

Các ngân hàng cho vay nhà ở xã hội có ưu thế tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn 2025-2030

Tùng Thư -

9 ngân hàng thương mại không phải tính dư nợ cho vay các đối tượng thuộc Chương trình cho vay nhà ở xã hội đã đăng ký tham gia với Ngân hàng Nhà nước (hiện nay là 145.000 tỷ đồng) vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025; đặc biệt thời gian thực hiện chính sách tối đa đến năm 2030...

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 khoảng 16%.
Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 khoảng 16%.

Ngày 3/1/2025, Ngân hàng Nhà nước có công văn số 55/NHNN-TD gửi 9 ngân hàng thương mại: Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, TPBank, Techcombank, VPBank, MB, HDBank về việc triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP.

Theo công văn sô 55, 9 ngân hàng nói trên không phải tính dư nợ cho vay các đối tượng thuộc Chương trình cho vay nhà ở xã hội mà các ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia với Ngân hàng Nhà nước (hiện nay là 145.000 tỷ đồng) để thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm của các ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước thông báo. 

 

Ngân hàng Nhà nước cho biết trước đó, một số ngân hàng thương mại đã đề xuất về việc bổ sung hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại tham gia Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (nhà ở xã hội) hoặc loại trừ dư nợ cho vay nhà ở xã hội khi tính hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Thời gian thực hiện chính sách này tối đa đến năm 2030 và doanh số cho vay không vượt quá số tiền mà ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia Chương trình. Trường hợp ngân hàng thương mại nào nào không có nhu cầu thực hiện chính sách này thì có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước (qua Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) trước ngày 15/01/2025 để theo dõi, tổng hợp.

Định kỳ hằng tháng, các ngân hàng thương mại tiếp tục báo cáo tình hình cho vay đối với khách hàng thuộc Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Công văn số 2308/NHNN-TD ngày 01/04/2023. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc các cam kết tham gia Chương trình về lãi suất ưu đãi, thời gian cho vay phù hợp với đối tượng và mục đích vay vốn; quan tâm, phối hợp với các Dự án xây dựng đủ điều kiện cho vay để giải ngân kịp thời khi chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn; tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà ở xã hội tiếp cận vốn vay.

Các ngân hàng cho vay nhà ở xã hội có ưu thế tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn 2025-2030 - Ảnh 1

Theo ước tính sơ bộ của Công ty Chứng khoán MB (MBS), năm 2024, tăng trưởng tín dụng của HDBank, Techcombank đạt xấp xỉ 25%; MBB và TPBank tăng trưởng tín dụng gần 20%; các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước như Vietcombank, BIDV, VietinBank ở mức 13-15%.

Với việc được hưởng chính sách ưu đãi về "room" tín dụng khi tham gia Chương trình cho vay nhà ở xã hội, các ngân hàng trên sẽ có ưu thế tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn 2025-2030. 

 

Ngay từ ngày đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các đơn vị, nhà điều hành cũng dự kiến mức tăng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%.

Ngoài ra, giới phân tích cho rằng các ngân hàng đã sử dụng hết hạn ngạch tín dụng cao vào năm 2024 sẽ có lợi thế cạnh tranh trong việc đảm bảo hạn ngạch tín dụng cho năm tài chính 2025.

Hai điều kiện khác giúp duy trì lợi thế cạnh tranh tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong năm 2025 là (1) bộ đệm dự phòng  và chất lượng tài sản lành mạnh; (2) biên lãi thuần (NIM) cao sẽ cho phép các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, mang lại lợi thế quan trọng trong việc mở rộng tín dụng vào năm 2025.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate