June 21, 2021 | 07:37 GMT+7

Các ngân hàng tăng vay mượn nhau nhưng lãi suất giảm

Bình quân mỗi ngày có tổng cộng hơn 173 nghìn tỷ đồng được giao dịch trên liên ngân hàng, tăng hơn 27 nghìn tỷ so với tuần trước đó...

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong tuần từ 7/6 đến 11/6, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng VND đạt xấp xỉ 694.551 tỷ đồng, bình quân 138.910 tỷ đồng/ngày, tăng 22.686 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.

Doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 170.770 tỷ đồng, bình quân 34.154 tỷ đồng/ngày, tăng 4.593 tỷ đồng/ngày.

  • Như vậy bình quân mỗi ngày có tổng cộng hơn 173 nghìn tỷ đồng được giao dịch trên liên ngân hàng, tăng hơn 27 nghìn tỷ so với tuần trước đó.

Xét theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (79% tổng doanh số giao dịch) và kỳ hạn một tuần (12% tổng doanh số giao dịch). Tương tự, đối với giao dịch USD, kỳ hạn qua đêm và một tuần có doanh số lớn nhất với tỷ trọng lần lượt là 72% và 17%.

Mặc dù ngân hàng tăng vay mượn lẫn nhau nhưng không kéo lãi suất tăng
Mặc dù ngân hàng tăng vay mượn lẫn nhau nhưng không kéo lãi suất tăng

Mặc dù nhu cầu vay mượn tăng nhưng lãi suất liên ngân hàng lại có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, sau diễn biến tăng mạnh ở tuần đầu tháng 6, lãi suất liên ngân hàng nhanh chóng hạ nhiệt.

Trong đó, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, một tuần và một tháng giảm lần lượt 0,39 điểm %/năm, 0,26 điểm %/năm và 0,15 điểm%/năm xuống mức 1,06%/năm, 1,29%/năm và 1,66%/năm. Thậm chí, sang tuần liền sau, các mức lãi suất này cũng không thay đổi quá nhiều, kỳ hạn qua đêm vẫn lình xình quanh mốc 1%/năm.

Đối với các giao dịch USD, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tương đối ổn định, dao động nhẹ xung quanh so với tuần trước.

Theo đó, lãi suất một số kỳ hạn chủ chốt như qua đêm và một tháng tăng 0,01 điểm %/năm và 0,03 điểm %/năm lên mức 0,11%/năm  và 0,22%/năm, trong khi, kỳ hạn một tuần giảm 0,02 điểm %/năm xuống mức 0,1%/năm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate