October 18, 2022 | 11:52 GMT+7

"Các ngành công nghiệp chiến lược" trong kế hoạch tăng trưởng mới của Trung Quốc

Trang Linh -

Các ngành công nghiệp mới nổi này được mô tả là "động cơ" tăng trưởng trong tương lai của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới...

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo là động cơ tăng trưởng mới của kinh tế nước này - Ảnh: AP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo là động cơ tăng trưởng mới của kinh tế nước này - Ảnh: AP

Trong bối cảnh căng thẳng công nghệ ngày càng leo thang với Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa phát đi thông điệp thể hiện sự ủng hộ đối với ngành công nghệ thông tin (IT), trí tuệ nhân tạo (AI) và các ngành năng lượng mới trong nước – những ngành được mô tả là “động cơ” tăng trưởng trong tương lai.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), trong tài liệu dài 72 trang là cơ sở cho bài phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 16/10, ông Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc phải thúc đẩy phát triển tổng hợp “các ngành công nghiệp mới nổi chiến lược” và phát triển “một nhóm động cơ tăng trưởng mới” bao gồm công nghệ sinh học, vật liệu mới, thiết bị tiên tiến và sản phẩm xanh.

Thông điệp này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang hành động quyết liệt trong cuộc chiến cạnh tranh công nghệ. Đầu tháng này, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã ban hành các quy định mới nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip tiên tiến của Mỹ. Dù không trực tiếp đề cập tới Mỹ hay cuộc chiến công nghệ trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc phải bắt kịp các lĩnh vực liên quan đến “việc đảm bảo an ninh phát triển”.

Giá nhiều cổ phiếu liên quan tới IT và AI tăng vọt trong phiên giao dịch ngày 17/10 sau bài phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Cổ phiếu công ty phần mềm Talkweb đã tăng trần 10% trên sàn giao dịch Thẩm Quyến. Cổ phiếu công ty màn hình thông minh HiteVision, công ty AI dữ liệu lớn JYD ở Bắc Kinh cùng nhiều mã khác cũng tăng trần trong phiên này.

Trong một báo cáo mới đây, các nhà kinh tế học của ngân hàng HSBC, Jing Liu và Erin Xin, dự báo số lượng các công ty công nghệ nội địa của Trung Quốc có thể tăng gấp đôi trong thời gian tới.

“Khi các động lực tăng trưởng cũ dần hạ nhiệt, việc nâng cao năng suất thông qua đổi mới sáng tạo và tiếp tục tiến bộ trong phát triển công nghệ là chìa khóa để tiếp tục tăng trưởng”, hai nhà kinh tế viết trong báo cáo. “Nâng cao năng lực sản xuất sẽ vẫn là trọng tâm… và việc tăng cường hỗ trợ chính sách cho các lĩnh vực công nghệ cốt lõi sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển công nghệ của Trung Quốc trong tương lai”.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập cũng cho biết Trung Quốc sẽ đẩy nhanh phát triển “nền kinh tế số” nhằm tăng cường sự tích hợp giữa các lĩnh vực “thực” và “kỹ thuật số” của nền kinh tế, đồng thời xây dựng một nền kinh tế số có khả năng cạnh tranh toàn cầu”.

Theo ông Li Chengdong, nhà sáng lập cơ quan nghiên cứu ngành công nghiệp internet Dolphin ở Bắc Kinh, thông điệp của ông Tập là sự tiếp nối của chính sách Internet Plus mà chính phủ Trung Quốc đưa ra từ năm 2015, trong đó thúc đẩy công nghệ internet nhằm nâng cao hiệu quả của các ngành công nghiệp truyền thống.

“Một điểm quan trọng là bài phát biểu của ông Tập không đề cập đến việc kiểm soát vốn hay kiểm soát sự phát triển của các nền tảng internet. Đây là tín hiệu tích cực nhất”, ông Li nói thêm.  

Trong báo cáo nghiên cứu mới công bố, các nhà kinh tế học tại ngân hàng Barclays, Jian Chang và Yingke Zhou, nhận định thông điệp “tự lực về công nghệ và tập trung vào nội địa” trong bài phát biểu của ông Tập “phản ánh sự cấp bách của giới lãnh đạo Trung Quốc trong việc cải thiện khả năng phục hồi của kinh tế”.

Tổng Cục Thống kê Trung Quốc ban đầu dự kiến công bố số liệu GDP vào ngày 17/10 nhưng đã bất ngờ hoãn lại việc này giữa lúc diễn ra Đại hội Đảng. 

Theo một khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ phục hồi trong quý 3 lên mức 3,3%, từ mức gần 0 trong quý trước đó. Dù vậy, đây vẫn là mức tăng trưởng tương đối thấp đối với Trung Quốc, phản ánh tác động đối với nền kinh tế của các biện pháp chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt và giai đoạn suy giảm dài nhất lịch sử của thị trường bất động sản nước này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate