August 23, 2023 | 11:01 GMT+7

Các nghệ sĩ có bài hát được AI lấy để sử dụng sẽ được nhận thù lao?

Tuệ Mỹ -

Bài hát "Heart on My Sleeve" do AI tạo đã gây sốt với hơn 20 triệu lượt nghe hồi tháng 4 vừa qua, nhưng bị các hãng đĩa cáo buộc đánh cắp sở hữu trí tuệ. Các nền tảng như Apple, Spotify, Soundcloud, Deezer sau đó đã phải xóa ca khúc khỏi hệ thống của mình...

Ảnh: MetaNews
Ảnh: MetaNews

Theo các chuyên gia, sự xuất hiện của các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh đặt ra thách thức lớn đối với ngành công nghiệp âm nhạc vốn đang phải vật lộn với vấn đề bản quyền. Đầu tháng 4/2023, hãng thu âm Universal Music Group đã gửi thông báo cho các dịch vụ phát trực tuyến như Spotify, Apple kêu gọi ngăn chặn các công cụ AI học hỏi và lấy giai điệu, lời bài hát từ các ca khúc hiện hành. Nguyên nhân do công cụ AI này vẫn hoạt động dựa trên cơ chế nhận biết và nhân bản các mẫu có sẵn nằm trong kho cơ sở dữ liệu thu thập được từ mạng Internet.

Trong bối cảnh đó, Google và Universal Music (UMG) mới đây đã bắt đầu đàm phán một thỏa thuận về việc cấp phép giọng nói và giai điệu của các nghệ sĩ cho các bài hát do AI tạo ra. Theo The Guardian, các cuộc đàm phán dự kiến ​​sẽ bao gồm các nội dung: khả năng phát triển một công cụ dành cho người hâm mộ, nơi các cá nhân có thể tạo các bài hát do AI tạo ra nhưng chủ sở hữu bản quyền có liên quan sẽ vẫn được trả bản quyền. Các nghệ sĩ cũng sẽ có quyền chọn lựa việc tham gia vào quá trình này. 

Đây là một bước đi khá nhanh và hợp thời của Google. Trong khoảng 1 năm trở lại đây, các phần mềm AI tạo sinh bùng nổ và được dự đoán sẽ thay đổi, định hình lại ngành công nghiệp sáng tạo ở mọi cấp độ. Nhưng đi kèm với đó là hàng loạt những lùm xùm, kiện tụng về bản quyền bởi sự phát triển của AI đã tạo ra các sản phẩm “deepfake” có thể bắt chước giọng hát, lời bài hát hoặc âm thanh của các nghệ sĩ thành danh một cách chân thật mà chưa được sự đồng ý của họ.

Các phần mềm AI tạo sinh bùng nổ và được dự đoán sẽ thay đổi, định hình lại ngành công nghiệp sáng tạo ở mọi cấp độ.
Các phần mềm AI tạo sinh bùng nổ và được dự đoán sẽ thay đổi, định hình lại ngành công nghiệp sáng tạo ở mọi cấp độ.

Theo hệ thống được đề xuất, các nghệ sĩ sẽ cho phép Google và Universal Music được sử dụng giọng nói của họ cho các bài hát do AI tạo ra. Do vậy, họ sẽ nhận được một phần tiền bản quyền từ những bài hát đó. Số tiền bản quyền sẽ dựa trên một số yếu tố như mức độ phổ biến của bài hát và thời lượng sử dụng giọng hát của nghệ sĩ. Đổi lại, thỏa thuận này sẽ cho phép các mô hình AI của Google học hỏi các phong cách thanh nhạc và biểu cảm từ các ca sĩ của Universal Music, đồng thời tạo ra các bài hát mới có âm hưởng tương tự.

Hồi tháng 4, rapper Drake đã phản ứng dữ dội sau khi giọng của anh xuất hiện trong bài hát “Heart on My Sleeve” do người dùng TikTok sử dụng AI tạo ra. Ngược lại, Grimes và một vài nghệ sĩ khác ủng hộ việc phát triển nhạc do AI tạo ra. Ca sĩ Grimes cho phép mọi người dùng giọng của mình để tạo ra bài hát “mà không bị kiện” miễn là cô nhận được 50% tiền bản quyền.

Như vậy có thể thấy rằng, nếu thỏa thuận được triển khai, thì nó sẽ là một bước đột phá trong việc tìm hiểu cách dữ liệu và AI phối hợp với nhau trong tương lai. Điều này cũng sẽ giải quyết mối tranh cãi lớn xung quanh AI tổng quát trong việc nó thu thập thông tin, nội dung cung cấp cho người dùng. Mặc dù có vẻ như nội dung là mới và được chính AI “tạo ra”, nhưng thực chất đây lại là dữ liệu được lấy từ các nguồn và được ghép lại với nhau thành nội dung mới.

Bài hát “Heart on My Sleeve” do người dùng TikTok sử dụng AI tạo ra đã gây sốt với hơn 20 triệu lượt nghe hồi tháng 4 vừa qua.
Bài hát “Heart on My Sleeve” do người dùng TikTok sử dụng AI tạo ra đã gây sốt với hơn 20 triệu lượt nghe hồi tháng 4 vừa qua.

Đầu năm nay, công ty Alphabet (công ty mẹ của tập đoàn Google) cũng đã giới thiệu công cụ AI thử nghiệm có khả năng tạo ra âm thanh mang tên MusicLM. Google cho biết các nhà phát triển đã huấn luyện AI bằng cơ sở dữ liệu 280.000 giờ âm nhạc, cho phép nó tạo ra các bản nhạc phức tạp với đa dạng thể loại khác nhau. Nó thậm chí có khả năng sáng tác các điệu nhạc dựa trên tiếng huýt sáo hoặc mô tả tranh vẽ. Tuy nhiên, AI này vẫn có một số hạn chế, như không hiểu được tiếng hát. Nhiều bản nhạc của nó cũng mang tính trùng lặp, khác với tác phẩm do con người sáng tác...

Không chịu thua kém, Meta sau đó đã tung ra AudioCraft là AI mới nhất hỗ trợ người dùng tạo ra các bản nhạc hoặc âm thanh chỉ từ các yêu cầu bằng văn bản. Meta cho biết phần mềm đã được đào tạo từ cơ sở dữ liệu hơn 20.000 giờ âm nhạc, tất cả do Meta sở hữu hoặc được cấp phép đặc biệt cho mục đích huấn luyện AI. Ở thời điểm hiện tại, AudioCraft có thể được sử dụng cho nhạc trong thang máy hoặc nhà hàng để tạo bầu không khí thoải mái, dễ chịu. Tuy nhiên, Meta tin rằng mô hình mới của họ trong tương lai sẽ là một làn sóng mới cho thị trường âm nhạc.

Lucian Grainge, Giám đốc điều hành của Universal Music Group (UMG), đã lưu ý trong một cuộc họp thông báo về doanh thu vào tuần trước rằng các nền tảng phân phối âm nhạc do AI tạo ra sẽ có thêm trách nhiệm xác định nội dung vi phạm bản quyền hoặc nội dung trong đó AI được đào tạo dựa trên giọng của các nghệ sỹ. Tuy nhiên, có một yếu tố quan trọng đã được đưa ra. Ông Grainge lưu ý rằng UMG sẽ sẵn sàng cấp phép bản quyền cho các doanh nghiệp “hợp pháp” và mang tính “hỗ trợ” cho những bên nắm quyền sở hữu bản quyền.

Robert Kyncl, Giám đốc điều hành của Warner Music Group cho biết rằng các nghệ sĩ nên có sự lựa chọn khi sử dụng âm nhạc do AI tạo ra. Ông ta cho rằng ưu tiên của Warner Music Group là đảm bảo các ca sĩ có quyền lựa chọn và "đối với một nghệ sĩ không có gì quý hơn giọng hát của họ, và bảo vệ giọng hát của nghệ cũng chính là bảo vệ cuộc sống và nhân cách của họ". 

Meta đã tung ra AudioCraft là AI mới nhất hỗ trợ người dùng tạo ra các bản nhạc hoặc âm thanh chỉ từ các yêu cầu bằng văn bản.
Meta đã tung ra AudioCraft là AI mới nhất hỗ trợ người dùng tạo ra các bản nhạc hoặc âm thanh chỉ từ các yêu cầu bằng văn bản.

Rosie Burbidge, đối tác sở hữu trí tuệ tại Gunnercooke LLP, cũng cho biết: “Âm nhạc do AI tạo ra thì bản chất rõ ràng chúng đang vi phạm bản quyền. Do đó, điều quan trọng là có thể chứng minh rằng AI tạo ra âm nhạc bằng cách sử dụng các tác phẩm có bản quyền cụ thể và có những điểm tương đồng trong giai điệu hoặc lời bài hát”.

Các hãng phim Hollywood và ngành công nghiệp ghi âm đã âm thầm đấu tranh suốt thời gian qua để chống lại những hành vi xâm phạm bản quyền dưới mọi hình thức trên Internet. Trên thực tế, hoạt động chống vi phạm bản quyền diễn ra thường xuyên đến nỗi một trong những chiến thắng lớn của mạng xã hội chia sẻ video YouTube ở giai đoạn đầu mới hoạt động, là tìm ra cách bảo vệ tuyên bố bản quyền.

Chiến lược của YouTube khiến công ty vừa có thể tăng danh mục video và lưu lượng truy cập, trong khi vẫn có thể trở thành một "đồng minh" của các chủ sở hữu bản quyền, bất chấp việc hàng loạt video có chứa nội dung bị xâm phạm bản quyền vẫn được tải lên đều đặn trên nền tảng này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate