March 13, 2024 | 16:08 GMT+7

Các nhà bán lẻ “bắt tay” kinh doanh thực phẩm an toàn

Băng Hảo -

Thời gian qua, hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn đã chứng kiến sự phát triển và tham gia mạnh mẽ của nhiều chuỗi phân phối hiện đại, có quy mô rộng khắp trên cả nước; cùng với đó là sự chuyển mình tích cực của kênh bán lẻ truyền thống…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiện nay, thực phẩm được lưu thông, buôn bán chủ yếu qua kênh phân phối truyền thống, đặc biệt là thực phẩm tươi sống. Theo thống kê, cả nước hiện có 8.517 chợ, trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đại…

HỆ THỐNG SIÊU THỊ NGÀY CÀNG CHIẾM ƯU THẾ

Theo Báo cáo về hành vi và xu hướng tiêu dùng do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố năm 2023, trước tình trạng thực phẩm kém chất lượng, hàng giả trên thị trường, người tiêu dùng càng khắt khe hơn với sự lựa chọn của mình. Đối với nhóm ngành thực phẩm, vệ sinh an toàn và tươi ngon là hai yếu tố lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng hiện đại. Bên cạnh đó, khi thu nhập gia tăng, người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả cao hơn để có được những sản phẩm an toàn, sạch, tốt cho sức khỏe.

Còn theo các chuyên gia bán lẻ, xu hướng trên sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai khi sức khỏe trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt. Vì thế, nguồn thực phẩm sạch, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh, truy xuất nguồn gốc rõ ràng… đang trở thành lợi thế cạnh tranh thu hút khách hàng giữa các nhà bán lẻ trên thị trường.

Tại các tỉnh thành, những hệ thống phân phối nông sản thực phẩm an toàn với sản lượng lớn, có độ phủ cao có thể kể đến như WinCommerce - chuỗi bán lẻ vận hành WinMart/WinMart+/WIN, thu mua và tiêu thụ khoảng 83.000 tấn nông sản một năm (trong đó 54% là rau củ quả và 46% trái cây thu mua từ các nhà cung cấp địa phương). Central Retail vận hành hơn 340 cửa hàng bán lẻ trên 40 tỉnh thành tại Việt Nam, doanh thu của hệ thống cũng chủ yếu đến từ mảng kinh doanh nông sản thực phẩm với con số gần 22.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023.

Đối với nhóm ngành thực phẩm, vệ sinh an toàn và tươi ngon là hai yếu tố lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng hiện đại.
Đối với nhóm ngành thực phẩm, vệ sinh an toàn và tươi ngon là hai yếu tố lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng hiện đại.

“Phủ sóng” không kém là Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) - đơn vị chủ quản của các hệ thống bán lẻ: Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, HTV Co.op, Cooponline… với trên 1.000 điểm bán tại hơn 40 tỉnh thành. Không thể không kể đến MM Mega Market Việt Nam với 21 trung tâm bán sỉ và siêu thị trên toàn quốc, cùng với 5 trạm cung ứng hàng hóa và 2.000 đối tác cung ứng nông sản thực phẩm; hay Chuỗi siêu thị mini Bách Hoá Xanh với số lượng cửa hàng tính đến tháng 8/2023 là 1.706 cửa hàng...

Các nhà bán lẻ “bắt tay” kinh doanh thực phẩm an toàn - Ảnh 1

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chương trình Bình ổn thị trường, cả nước cũng có khoảng 20.000 điểm bán hàng. Nhiều doanh nghiệp cung ứng hàng nông sản thực phẩm tham gia Chương trình bình ổn thị trường tại các thành phố có năng lực chiếm lĩnh trên 50% thị phần trên địa bàn. Cùng với sự phát triển của các chuỗi siêu thị, các kênh hiện đại, các chợ truyền thống cũng từng bước có sự thay đổi, nâng cấp để phù hợp với xu hướng phát triển.

Với sự hỗ trợ và đồng hành của Bộ Công Thương, trong thời gian qua, tại 63/63 tỉnh thành phố đã xây dựng và nhân rộng mô hình thí điểm chợ kinh doanh thực phẩm. Tới nay, trên cả nước đã có gần 200 mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm. Tiêu chí chợ an toàn thực phẩm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong các tiêu chí để xét công nhận xã nông thôn mới nâng cao thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

“SIẾT” CHẤT LƯỢNG THỰC PHẨM VÀO SIÊU THỊ

Mới đây, lần đầu tiên 6 hệ thống phân phối lớn gồm Saigon Co.op, Satra, AEON, Central Retail, MM Mega Market và Bách Hóa Xanh đã ký thỏa thuận triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trong hệ thống trên địa bàn TP.HCM. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam do Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP.HCM tổ chức vào ngày 8/3.

Tại hội nghị đã diễn ra ký kết giữa Saigon Co.op với 6 nhà cung cấp tiên phong tham gia Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa, bao gồm: công ty Anh Hoàng Thy, San Hà (cung cấp thịt gia súc, thịt gia cầm); HTX sản xuất rau an toàn Nhuận Đức, công ty MeKong Delta Food, công ty Xuân Thái Thịnh (cung cấp rau củ quả); HTX Tân Mỹ (cung cấp trái cây). Ông Nguyễn Anh Đức, tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết ngoài 6 đơn vị cung ứng thịt, rau củ, trái cây lớn đã chọn ký kết để cùng triển khai thỏa thuận này, đơn vị đã phổ biến và áp dụng đối với nhiều nhà cung cấp khác.

“Việc cùng triển khai thỏa thuận này cần quá trình nhưng chúng tôi sẽ tính toán để sớm thúc đẩy, hướng tới việc sẽ ký kết với toàn bộ nhà cung cấp. Đây là hành động giúp các bên đều có lợi", ông Đức nhận định. Chương trình bước đầu sẽ thí điểm áp dụng đối với 3 nhóm sản phẩm, gồm: trái cây (xoài cát chu, cam sành, bưởi da xanh, thanh long trắng, dưa lưới), rau củ quả (xà lách lô lô xanh, cải thìa, bắp cải trắng, cà chua thường, dưa leo thường), thịt (thịt heo, thịt gà).

Theo Sở Công Thương TP.HCM, 6 đơn vị tham gia thỏa thuận hiện nay chiếm khoảng 50 - 60% thị phần của hệ thống bán lẻ hiện đại của TP. Do đó, nhà cung cấp, sản xuất muốn bán được hàng, tồn tại ở các hệ thống này thì bắt buộc phải thay đổi. Ở góc độ điều phối chung, cơ quan này cho biết trong quá trình thực hiện, sẽ khắc phục dần những hạn chế nhưng sẽ dựa trên quyền lợi, hài hòa cho các bên. 

6 hệ thống phân phối lớn đã ký thỏa thuận triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trong hệ thống trên địa bàn thành phố.
6 hệ thống phân phối lớn đã ký thỏa thuận triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trong hệ thống trên địa bàn thành phố.

Theo tiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa, hàng tươi sống thường có nguy cơ mất an toàn cao, nên việc áp dụng kiểm soát trước với ngành hàng này là phù hợp. "Qua thỏa thuận này, với mục tiêu siết chặt chất lượng, đồng nghĩa việc tăng trách nhiệm cho các nhà cung cấp, gắn lực lượng này vào để cùng kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa, bởi để một mình siêu thị thực hiện là không xuể. Đây là điểm tích cực của thỏa thuận", ông Nghĩa khẳng định

Ngoài ra, Sở Công Thương và Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM cũng ký thỏa thuận hợp tác triển khai các giải pháp phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển kênh bán hàng trực tuyến, triển khai tập huấn bán hàng trực tuyến tại chợ truyền thống.

Trước đó, hồi cuối tháng 12/2023, Sở Công thương TP.HCM đã trao đổi với các nhà phân phối hiện đại việc xây dựng bộ quy tắc chung về các tiêu chuẩn, chất lượng đưa hàng vào siêu thị như: giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn ViepGap, cách xử lý của nhà cung cấp khi hàng hoá có vấn đề... Tất cả nội dung này sau khi xây dựng thành bộ quy tắc, được công khai, minh bạch. Sản phẩm nào vi phạm, không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ bị công khai tên trên website của Sở Công thương thành phố.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate