Hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đã và đang phải đối mặt với nhiều biến động trong vài năm qua, như cú sốc về kinh tế và địa chính trị, lạm phát hay khủng hoảng năng lượng. Mặc dù vậy, sức hấp dẫn của thương mại điện tử không hề giảm sút.
Mới đây, ông Matthew Merrilees, Giám đốc điều hành khu vực Bắc Mỹ của Global-e, một nền tảng hàng đầu thế giới chuyên hỗ trợ và tăng tốc thương mại điện tử xuyên biên giới trực tiếp đến người tiêu dùng toàn cầu, đã có những chia sẻ về sự phát triển của lĩnh vực này. Điều gì đang định hình hành vi của người tiêu dùng toàn cầu và các thương hiệu, nhà bán lẻ nên làm gì?
Theo ông Matthew Merrilees, các dữ liệu hiện có đều đang chứng minh rằng, người tiêu dùng trên toàn thế giới thích mua hàng trực tiếp trên các trang web của thương hiệu hơn. Có tới 68% người mua sắm online trong độ tuổi 25-34 thích mô hình mua sắm D2C, mua hàng trực tiếp từ thương hiệu.
Ngày nay, người mua sắm online trên khắp thế giới đang bị “bủa vây” bởi giá cả, sự đa dạng và chất lượng của nhiều sản phẩm. Đôi khi, họ cũng sẵn sàng chuyển qua mua hàng trực tiếp nếu các thương hiệu họ bắt gặp bên ngoài có thứ họ mong muốn. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Prosper Insights and Analytics China, mức độ yêu thích các nhãn hiệu tới từ Châu Âu và Mỹ của người tiêu dùng Trung Quốc tăng lần lượt 2,2% và 1,6%, còn những thương hiệu nội địa lại có dấu hiệu giảm.
Điều mà khách hàng trên toàn thế giới mong muốn là có một trải nghiệm mua sắm online liền mạch và minh bạch. Theo khảo sát của Global-e, các mắt xích như chi phí vận chuyển, tùy chọn trả lại, khả năng xem giá quy đổi, tùy chọn sử dụng phương thức thanh toán ưa thích và tính minh bạch về chi phí thanh toán cuối cùng của họ đều ảnh hưởng đến quyết định đặt hàng của người mua.
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, khách hàng càng ngày càng thích tương tác trực tiếp với thương hiệu trên mạng xã hội. Qua dữ liệu của Global-e, 75% người tiêu dùng chọn mua hàng của một thương hiệu trên mạng xã hội là vì họ có thể tương tác với bên bán. Trên thực tế, nếu đi nghiên cứu sâu hơn về nhân khẩu học, chúng ta sẽ thấy rằng gần ⅓ số người tham gia khảo sát trong độ tuổi 16-34 cho hay, nhờ mạng xã hội họ đã mua được những món hàng bên ngoài thị trường nội địa.
Ba lý do chính để người tiêu dùng lựa chọn mua hàng trực tuyến từ các thương hiệu quốc tế là giá cả (47%), sự đa dạng (37%) và chất lượng (28%). Dù giá cả là lý do chính nhưng chính sự đa dạng lại tác động nhiều hơn đến thế hệ trẻ (16-24 tuổi).
Điều quan trọng nhất các thương hiệu cần lưu ý là sự ảnh hưởng của phương tiện truyền thông xã hội áp dụng cho các danh mục sản phẩm. Theo cuộc khảo sát gần đây của Prosper Insights and Analytics với người tiêu dùng nữ ở độ tuổi 18-34, có tới 30,3% người quyết định mua quần áo, 29,4% người muốn mua mỹ phẩm và 27,2% người đồng ý mua đồ điện tử sau khi được tương tác trực tiếp với người bán qua nền tảng truyền thông.
Điều đó cho thấy mạng xã hội đang thúc đẩy một môi trường kỹ thuật số không biên giới, mang đến cho các thương hiệu cơ hội để tiếp cận và tương tác với khách hàng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, khi tiến ra thị trường quốc tế, các thương hiệu cũng phải đối mặt với nhiều bất cập, như sự khác nhau về ngôn ngữ, tiền tệ, quy định nhập khẩu và phương thức thanh toán ưa thích ở các quốc gia. Do đó, họ cần phải có nghiên cứu về sở thích mua hàng của người tiêu dùng địa phương, để cung cấp trải nghiệm bản địa hóa hợp lý đáp ứng mong đợi của khách hàng. Đó chính là chìa khóa để chuyển đổi lưu lượng truy cập trực tuyến toàn cầu thành doanh số bán hàng.
Khi khảo sát về các nền tảng mạng xã hội người tiêu dùng hay sử dụng để tương tác với các thương hiệu, ông Matthew Merrrilees biết, Instagram là nền tảng hàng đầu được mọi người tin dùng. Có tới hơn 60% người tham gia khảo sát cho biết họ thường quyết định mua hàng qua tương tác với thương hiệu trên Instagram. Tuy nhiên, bên cạnh đó Facebook lại dẫn đầu trong việc chiếm lĩnh nhóm khách hàng lớn tuổi (44-54, 55+) và TikTok là sân chơi của thế hệ trẻ.
Ngày nay, có nhiều nhà bán lẻ chia sẻ rằng thị trường nội địa của họ đang dần bão hòa và họ cần những cách kinh doanh mới để tăng doanh thu và tiếp cận được nhiều khách hàng trên toàn thế giới hơn. Chẳng hạn như họ có thể tìm đến những thị trường như Mỹ Latinh, nơi được dự đoán sẽ có doanh số bán lẻ trực tuyến lên tới 160 tỷ USD vào năm 2025, qua đó hiểu được tiềm năng gần như vô hạn của việc khai thác cơ sở người tiêu dùng toàn cầu.