February 26, 2024 | 10:19 GMT+7

Các nhà khoa học Việt Nam tìm ra hoạt tính kháng ung thư từ cây dược liệu

Hoài Phương -

Hiện nay, một số cây dược liệu tại Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức, đang bị khai thác tràn lan làm khan hiếm, cạn kiệt nguồn tài nguyên dược liệu. Thành công của những nghiên cứu này sẽ là cơ sở để khôi phục và phát triển dược liệu quý...

Việc định danh thành phần dược liệu có trong mắc khén có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó triển vọng nhất là các loại thuốc điều trị ung thư.
Việc định danh thành phần dược liệu có trong mắc khén có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó triển vọng nhất là các loại thuốc điều trị ung thư.

Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước đã nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế, trong đó có thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược. Đây cũng là xu hướng tất yếu của ngành thực phẩm chức năng trong nhiều năm qua nhằm tìm ra các hoạt chất, dược liệu quý ứng dụng vào trong các sản phẩm để chăm sóc sức khoẻ người dân.

CÂY LAN KIM TUYẾN VÀ CÂY SÂM ĐÁ

Theo Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (VAST), TS Lê Thành Long, Viện Sinh học Nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và cộng sự vừa thực hiện thành công Đề tài “Nghiên cứu xác định thành phần các hợp chất có hoạt tính sinh học của cây Lan Kim Tuyến (Anoectochilus setaceus) và cây Sâm Đá (Curcuma singularis) để tạo ra các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe cho bệnh nhân ung thư”.

TS Lê Thành Long cho hay, cây Sâm Đá hay còn gọi là cây Khỏe, có tên khoa học là Curcuma singularis Gagnep., thuộc họ Gừng, chi Nghệ được phát hiện lần đầu tiên ở Việt Nam. Thân rễ và củ của cây Sâm Đá được ghi nhận có tác dụng bồi bổ sức khỏe, cường gân, bổ cốt, tăng sinh lực, trị phong thấp, bổ thận, hạn chế suy nhược cơ thể và hỗ trợ điều trị một số bệnh. Tuy nhiên, các tác dụng dược lý của cây này chưa được nghiên cứu nhiều.

Trong khi đó, cây Lan Kim Tuyến hay còn gọi là cây Lan Gấm, cây Kim Cương thuộc họ Orchidaceae cũng có nhiều tác dụng sinh học như hoạt tính kháng viêm, tác dụng bảo vệ gan và giảm đường huyết. Đặc biệt, các nghiên cứu gần đây cho thấy cây Lan Kim Tuyến có hoạt tính tăng cường miễn dịch và hoạt tính kháng ung thư trên cả mô hình thực nghiệm in vitro và in vivo. Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 12 loài Lan Kim Tuyến khác nhau được phát hiện trên nhiều vùng miền, trong đó một số loài có giá trị dược liệu và thương mại cao như Anoectochilus formosanus Hayata, Anoectochilus roxburghii Lindl.

Thân, rễ và củ của cây Sâm Đá được ghi nhận có tác dụng bồi bổ sức khỏe, cường gân, bổ cốt, tăng sinh lực, trị phong thấp, bổ thận...
Thân, rễ và củ của cây Sâm Đá được ghi nhận có tác dụng bồi bổ sức khỏe, cường gân, bổ cốt, tăng sinh lực, trị phong thấp, bổ thận...

TS. Lê Thành Long và các cộng sự đã xác định được một số thành phần các hợp chất có hoạt tính sinh học (hoạt tính kháng ung thư) có trong dược liệu cây Lan Kim Tuyến và cây Sâm Đá. Hoạt tính gây độc in vitro của các cao chiết trên một số dòng tế bào ung thư khác nhau, nhưng ít ảnh hưởng tới các tế bào bình thường. Nhóm cũng làm rõ cơ chế phân tử gây độc các tế bào ung thư của các cao chiết thông qua con đường hoạt hóa tế bào chết theo chương trình (apoptosis) phụ thuộc Caspase cũng như tác dụng kháng u in vivo trên mô hình chuột mang khối u Sarcoma.

Thử nghiệm trên chuột cho thấy cao chiết Lan Kim Tuyến không gây độc cho động vật thí nghiệm với các mức liều thử nghiệm. Ngược lại, cao chiết Sâm Đá có một số ảnh hưởng gây độc, đặc biệt là cho cơ quan chuyển hóa gan khi sử dụng cao Sâm Đá với liều lượng cao trong một thời gian dài. Các kết quả đánh giá hoạt tính cũng như tính an toàn của sản phẩm là tiền đề cho các thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng tiếp theo.

Nhóm nghiên cứu đề tài cũng đã xây dựng được các quy trình thu nhận cao nguyên liệu chuẩn hóa; quy trình bào chế sản phẩm viên nén (bao phim) Lan Kim Tuyến và viên nén (bao phim) Sâm Đá, các bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ sở cho sản phẩm cao chiết và sản phẩm viên nén. Đây là cơ sở cho việc phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp, công ty sản xuất dược phẩm trong việc chuyển giao kết quả nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm ở quy mô pilot và quy mô thương mại.

Cây Lan Kim Tuyến có nhiều tác dụng sinh học như hoạt tính kháng viêm, tác dụng bảo vệ gan và giảm đường huyết.
Cây Lan Kim Tuyến có nhiều tác dụng sinh học như hoạt tính kháng viêm, tác dụng bảo vệ gan và giảm đường huyết.

Theo TS Lê Thành Long, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ giúp cho các nhà quản lý trong việc hoạch định các chính sách phát triển dược liệu của địa phương (bảo tồn các giống cây quý hiếm, quy hoạch nuôi trồng và phát triển các vùng dược liệu…); tạo định hướng phát triển, nâng cao giá trị của các loại cây dược liệu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo sản phẩm có giá trị về y tế, kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đồng thời hỗ trợ cho các đơn vị doanh nghiệp, công ty dược trong việc xây dựng kế hoạch hợp tác sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm từ cây Lan Kim Tuyến và cây Sâm Đá.

CÂY MẮC KHÉN

Trước đó, vào tháng 5/2023, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân và nhóm nghiên cứu Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên đã thông báo kết quả thực hiện Đề tài “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học cây mắc khén (Zanthoxylum rhetsa) nhằm định hướng khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài nguyên thực vật này”.

PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân chia sẻ, mắc khén thuộc họ Cam (Rutaceae). Một số tên thường gọi khác là vàng me, sẻn hôi, hoàng mộc hôi. Theo y học dân gian, quả mắc khén có vị đắng cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng làm se, kích thích, lợi tiêu hóa. Vỏ thân thơm, bổ và hạ nhiệt. Vỏ rễ màu đỏ nâu có vị đắng, mùi thơm dễ chịu, tính ấm, có tác dụng kích thích, trị giun, điều kinh, lọc máu ở thận… Ở Việt Nam, mắc khén mọc hoang hoặc được trồng khá phổ biến ở vùng núi phía Bắc và một số tỉnh phía Nam.

Các nghiên cứu về thành phần hóa học cây mắc khén trên thế giới cho thấy cây này có thành phần chủ yếu là các hợp chất quinoline alkaloid, ngoài ra còn có một số hợp chất khác như amide, lignan, coumarin, triterpenoid, flavonoid. Các nghiên cứu về hoạt tính sinh học cho thấy nhiều hợp chất thu được từ cây này có những hoạt tính sinh học đáng chú ý như kháng nấm, kháng khuẩn, gây độc tế bào, giảm đau, chống tiêu chảy, trừ giun, chống UV…, trong đó nổi bật nhất là khả năng gây độc tế bào ung thư và kháng khuẩn.

Cây mắc khén mọc hoang hoặc được trồng khá phổ biến ở vùng núi phía Bắc và một số tỉnh phía Nam.
Cây mắc khén mọc hoang hoặc được trồng khá phổ biến ở vùng núi phía Bắc và một số tỉnh phía Nam.

“Điều này đã thôi thúc nhóm nghiên cứu đi sâu tìm hiểu rõ thành phần, cơ chế hoạt động cũng như phương pháp chiết xuất để tận dụng hoạt chất quý này”, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân chia sẻ. Nhóm nghiên cứu đã phân lập, xác định cấu trúc hóa học và hoạt tính kháng nấm, kháng khuẩn, gây độc tế bào ung thư của các hợp chất thứ cấp từ các bộ phận lá, quả, vỏ thân cành cây mắc khén.

Kết quả đã phân lập và xác định cấu trúc của 15 hợp chất từ vỏ thân, trong đó có 1 chất mới là Zanthorhetsavietnamese, 8 chất từ lá và 5 chất từ quả. Từ các kết quả này, nhóm đã tìm ra các thành phần có tiềm năng trong cây mắc khén như nitidine, hesperidin và tinh dầu có hoạt tính kháng nấm, kháng khuẩn, gây độc tế bào ung thư, đồng thời chiếm hàm lượng cao trong cây.

PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân chia sẻ, việc định danh thành phần dược liệu có trong mắc khén có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó triển vọng nhất là các loại thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng khuẩn… lành tính, không gây độc cho các tế bào lành. Tuy nhiên từ lúc hoàn thiện nghiên cứu hoạt chất đến ra được sản phẩm là chặng đường dài. Nhóm hy vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn để hiện thực hóa lý thuyết này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate