Khi việc sử dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT ngày càng trở nên phổ biến, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp thế giới cũng đang phải vật lộn để tìm cách thiết lâp các rào cản nhằm giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn, chẳng hạn như tấn công dữ liệu, xâm phạm quyền công dân, đưa ra thông tin sai lệch và sử dụng dữ liệu phi đạo đức v.v.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 gần đây, lãnh đạo của các nước phát triển hàng đầu thế giới thừa nhận rằng bất chấp sự phát triển nhanh chóng của AI và metaverse–công nghệ nhập vai, thế giới vẫn chưa thực sự có các quy định quốc tế chung về quản lý sử dụng đối với các tiến bộ công nghệ mới này.
XÂY DỰNG “HÀNH LANG” XUNG QUANH TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
Mặc dù những công nghệ mới luôn mang lại cơ hội thúc đẩy và đổi mới trong tất cả các ngành, tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, cũng cần xem xét các thách thức của chúng. Theo đó, các lãnh đạo đồng tình các công nghệ mới như AI phải được quản lý phù hợp với các giá trị dân chủ, bao gồm sự công bằng, minh bạch, đảm bảo không bị lạm dụng trực tuyến và tôn trọng quyền riêng tư và nhân quyền.
Tiến bộ nhanh chóng của AI trong những tháng gần đây càng làm gia tăng các kêu gọi yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn các ứng dụng của nó. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak đã cùng tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 và kêu gọi “các biện pháp bảo vệ” đối với sự phát triển của công nghệ.
“Những lợi ích tiềm năng của trí tuệ nhân tạo đối với người dân và nền kinh tế là rất lớn. Tuy nhiên, chúng tôi muốn các hệ thống AI phải chính xác, đáng tin cậy, an toàn và không phân biệt đối xử, bất kể nguồn gốc của chúng”, von der Leyen cho biết trong phiên khai mạc cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo G7 tại Hiroshima.
Trong khi đó, Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak nói rằng AI có tiềm năng rất lớn trong tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi các dịch vụ công cộng, miễn là nó được sử dụng “an toàn và bảo mật và có lan can bảo vệ”. Sunak cho biết thêm chính phủ Anh sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh quốc tế để phối hợp nỗ lực nhằm đảm bảo quy định phù hợp cho các công ty AI.
“Chúng tôi nhận thấy cần khẩn trương nắm bắt các cơ hội và thách thức của trí tuệ nhân tạo AI, vốn đang ngày càng nổi bật ở các quốc gia và khu vực”, các nhà lãnh đạo viết trong thông cáo thượng đỉnh. Đồng thời, họ cũng lưu ý rằng “các phương pháp tiếp cận và chính sách về AI có thể khác nhau giữa các thành viên G7”.
Các cuộc đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra khi các nhà lãnh đạo đẩy nhanh xử lý tiến trình AI ở các quốc gia. Theo tờ Washington Post, Liên minh châu Âu đang tranh luận gay gắt các luật định của AI, các quan chức Nhà Trắng cũng bày tỏ hy vọng rằng các tiêu chuẩn AI sẽ tiếp tục được thảo luận tại G7 nhằm giải quyết các vấn đề mới nổi có thể gây lo ngại.
Cố vấn an ninh quốc gia của Biden, Jake Sullivan, cho biết trong một cuộc họp ngắn: “Các nhà lãnh đạo G7 khác cũng đã nói về vấn đề này. Tôi nghĩ rằng đây là một chủ đề đang thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo của tất cả các nền kinh tế dân chủ tiên tiến”. Ông cho biết thêm, có nhiều yếu tố khác nhau được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh, bao gồm quy định công nghệ tại mỗi quốc gia và trong vai trò toàn cầu.
QUY ĐỊNH VỀ AI PHẢI HƯỚNG TỚI MỘT MÔI TRƯỜNG THUẬN LỢI, CỞI MỞ
“Làm thế nào để chúng ta kết hợp với nhau theo một định dạng quốc tế nhằm sắp xếp các cách tiếp cận một cách hiệu quả để chúng ta có thể đối phó với những công nghệ phát triển cực nhanh này với những tác động sâu rộng?”, một lãnh đạo cho biết. Các nhà lãnh đạo G7 đề nghị các quốc gia cần hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề này.
Các nhà lập pháp EU gần đây đã đồng ý về một bộ quy tắc cứng rắn đối với việc sử dụng AI, bao gồm các hạn chế đối với chatbot như ChatGPT. Đầu tháng này, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ và cơ quan giám sát cạnh tranh của Vương quốc Anh đều cho biết sẽ xem xét lại vấn đề này.
Các bộ trưởng chịu trách nhiệm về công nghệ từ các quốc gia G7 đã gặp nhau tại Nhật Bản vào tháng trước. Kết thúc hội nghị, thông cáo của các bộ trưởng nêu rõ: “Chúng tôi tái khẳng định các chính sách và quy định về AI phải lấy con người làm trung tâm và dựa trên 9 giá trị dân chủ, bao gồm bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản cũng như bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân. Chúng tôi cũng khẳng định lại, các chính sách và quy định về AI phải dựa trên rủi ro và hướng tới tương lai để duy trì một môi trường cởi mở và thuận lợi cho việc phát triển và triển khai AI nhằm tối đa hóa lợi ích của công nghệ cho con người”.