Theo CNBC, ba quốc gia gồm: Mỹ, Canada và Anh nằm trong số các quốc gia thu nhập cao đã bác bỏ đề xuất miễn bằng sáng chế đối với vaccine Covid-19 - đề xuất vốn được đưa ra nhằm thúc đẩy sản xuất vaccine Covid-19 trên toàn cầu.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đang tăng nhanh với tốc độ chưa từng thấy kể từ khi dịch bùng phát. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liên tục cảnh báo về sự “mất cân bằng đáng kinh ngạc” trong việc phân phối vaccine Covid-19 trên toàn cầu.
Trước đó, các nước thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới đã có cuộc họp trực tuyến để thảo luận về việc có nên tạm thời miễn quyền sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế đối với các loại vaccine và thuốc điều trị Covid-19 hay không.
Đề xuất này được Hàn Quốc và Ấn Độ đưa ra hồi tháng 10/2020 và nhận được sự ủng hộ của hơn 100 quốc gia, trong đó đa số là nước đang phát triển. Mục tiêu của đề xuất nhằm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất vaccine Covid-19 tại các quốc gia, đồng thời thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng vaccine trên toàn cầu.
6 tháng kể từ đó, đề xuất này vẫn vấp phải sự phản đối từ một số chính phủ gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Thụy Sỹ, Nhật Bản, Na Uy, Canada, Australia và Brazil.
“Trong đại dịch Covid-19, chúng ta một lần nữa đối mặt đối mặt với sự khan hiếm vaccine, điều có thể được giải quyết bằng cách đa dạng hóa sản xuất, tăng năng lực của chuỗi cung ứng và tạm thời miễn quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine Covid-19", Tiến sĩ Maria Guevara, thư ký y tế quốc tế tại Medecins Sans Frontieres, nhấn mạnh đầu tuần này.
WHO, các chuyên gia y tế, các nhóm hoạt động dân sự xã hội, các cựu lãnh đạo thế giới, hay các tổ chức nhân quyền cũng đã nhiều lần nhấn mạnh sự cấp thiết và tầm quan trọng của việc miễn bằng sáng chế đối với vaccine Covid-19 trong bối cảnh đại dịch.
Việc miễn quyền sáng chế này, nếu được thông qua Đại hội đồng - cơ quan ra quyết định cao nhất của WTO - thông qua, có thể giúp các quốc gia trên thế giới tự sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19 mà không vướng phải các rào cản pháp lý.
Dù những người ủng hộ đề xuất trên thừa nhận việc miễn bằng sáng chế không phải "liều thuốc tiên", nhưng là động thái vô cùng quan trọng trong cuộc chiến ngăn chặn và điều trị Covid-19.
Tuy nhiên, các hiệp hội đại diện cho ngành dược phẩm lại kịch liệt phản đối đề xuất này. Họ cho rằng đề xuất này làm lung lay hệ thống pháp lý nhằm bảo vệ và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo.
Cuối năm ngoái, ông Thomas Cueni, Tổng giám đốc Liên đoàn Các nhà sản xuất và Hiệp hội Dược phẩm Quốc tế, lập luận rằng việc nới lỏng các khuôn khổ pháp lý đối với bằng sáng chế, quyền sở hữu trí tuệ tại các quốc gia và trên toàn cầu là điều "nguy hiểm và phản tác dụng”.
Ông Cueni cho rằng các nước nên tập trung vào phát triển khoa học và đổi mới thay vì "đảo ngược lại hệ thống hỗ trợ những điều này".
Đến nay, tại các quốc gia thu nhập cao, cứ 4 người thì có 1 người đã được tiêm vaccine Covid-19. Trong khi đó, tỷ lệ này tại các nước thu nhập thấp là 1/500 người.
Với tốc độ tiêm chủng hiện tại, dự kiến tới giữa năm 2022, phần lớn người trưởng thành tại các nền kinh tế phát triển sẽ được tiêm vaccine đầy đủ. Trong khi đó, các nền kinh tế kém phát triển hơn phải chờ tới năm 2024 mới đạt được điều đó.