Trong tuần từ ngày 11/3 – 15/3/2024, dòng tiền các quỹ ETF vẫn duy trì xu hướng rút ròng với hơn 386 tỷ đồng và đây là tuần rút ròng thứ 5 liên tiếp, nhưng quy mô rút ròng giảm. Xu hướng này diễn ra ở 9/20 quỹ ETF ở cả quỹ ETFs trong nước và nước ngoài.
Như vậy, từ đầu năm 2024, dòng tiền rút ròng từ các quỹ ETF là 4.951 tỷ đồng.
Cụ thể, các quỹ ETF ngoại tiếp diễn trạng thái rút ròng hơn 84 tỷ đồng, chủ yếu đến từ quỹ Xtrackers FTSE Vietnam Swap ETF với giá trị rút ròng hơn 192 tỷ đồng. Ngược lại, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF và VanEck Vietnam ETF vào ròng lần lượt hơn 70 tỷ đồng và 40 tỷ đồng.
Dòng tiền quỹ ETF nội tiếp tục rút ròng mạnh với hơn 301 tỷ đồng, ghi nhận ở 2 quỹ do Dragon Capital quản lý là VFM VNDiamond ETF (-205 tỷ đồng) và VFM VN30 ETF (-42 tỷ đồng). Bên cạnh đó, quỹ SSIAM VNFIN LEAD ETF cũng ghi nhận bị rút ròng hơn 46 tỷ đồng
Trong ngày 18/03/2024, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF bị rút ròng 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, quỹ này mua ròng mạnh các cổ phiếu STB (4,2 triệu cổ), EIB (4 triệu cổ), PDR (3,1 triệu cổ), và FRT (966 nghìn cổ) trong danh mục đầu tư. Trong khi đó, quỹ VFM VN30 ETF không có biến động gì về dòng tiền ròng.
Các cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất trong tuần qua gồm HPG, SBT, VCB, MSN, VNM, SSI, VRE, DGC, VND, VJC....
Theo thống kê của BSC, ngành Ngân hàng và Bất động sản là 2 nhóm chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu danh mục của các ETF lớn đang đầu tư trên thị trường, đối với ETF nội thì nhóm Ngân hàng là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất, trong khi đó nhóm Bất động sản là nhóm được phân bổ lớn nhất ở các ETF ngoại.
Điều này phản ánh rõ nét về tác động và mức độ ảnh hưởng vốn hóa của nhóm Ngân hàng, Bất động sản trên thị trường chứng khoán Việt Nam – hiện 02 nhóm này chiếm tỷ trọng 52.2% vốn hóa của toàn thị trường trên 2 sàn HOSE và HNX trong đó nhóm ngân hàng chiếm 35.46% ~ giá trị vốn hóa 1.7 triệu tỷ đồng (số liệu kết thúc ngày 31/12/2023).
Theo đánh giá của BSC, thị trường các quỹ ETF đang tiếp tục thu hút thêm các quỹ đầu tư mới cả trong và ngoài nước với số lượng tăng dần qua từng năm. Đặc biệt, trong trường hợp Việt Nam sớm được tổ chức FTSE nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi sơ cấp vào 2024-2025, các quỹ ETF sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới – đặc biệt là dòng vốn từ các ETF ngoại tham chiếu theo bộ chỉ số của FTSE.
BSC Research đưa ra 2 kịch bản cho dòng vốn ngoại và ETF trong 2024: trong kịch bản tích cực dòng vốn ngoại sẽ tăng ròng 700 triệu USD với các yếu tố hỗ trợ bao gồm tình trạng chênh lệch lãi suất giữa USD-VND dần được thu hẹp khi FED bắt đầu thực hiện giảm lãi suất; Tiến trình nâng hạng thị trường mới nổi sơ cấp do FTSE đánh giá có các tín hiệu tích cực; Nhà đầu tư Thái Lan dần hoạt động tích cực trở lại sau khi quy định thuế mới có hiệu lực vào 01/01/2024.
Tổng vốn ngoại và dòng tiền vào ETF trong kịch bản tích cực là 1 tỷ USD.
Đối với diễn biến các ETF, trong kịch bản tích cực nhà đầu tư Thái Lan sẽ dần quay trở lại mua ròng ở các ETF chính (Diamond, E1) sau quy định áp dụng thuế mới, với ước tính giá trị vào ròng 300 triệu USD.
Bên cạnh đó là sự chuyển biến và thu hút được nhiều dòng vốn mới đối với các ETF nội mới niêm yết trên thị trường, cụ thể như: ETF tham chiếu theo chỉ số VN-Diamond (CTQLQ Mirae, Bảo Việt), ETF FinSelect (CTQLQ Kim quản lý). ETF Fubon, FTSE, Vaneck được dự báo sẽ không có nhiều chuyển động lớn, sự kỳ vọng đối với các ETF ngoại đến từ các quỹ ETF mới khi vấn đề nâng hạng diễn biến tích cực hơn.