Các startup về chất liệu thế hệ mới, bền vững cần mở rộng quy mô sản xuất và thu hẹp tốc độ áp dụng vào sản phẩm để thành công. Không tìm thấy các dòng vốn đầu tư từ các đối tác thời trang, một số công ty đang tìm kiếm đối tác mới trong ngành nội thất và ô tô để đa dạng hóa và thúc đẩy sự phát triển về quy mô.
Đó là con đường mà các chuyên gia ngày càng khuyến khích cho các startups theo đuổi hoặc các doanh nghiêp đang gợi ý cho các đối tác của họ. Nếu thành công, nó có thể đem lại sự hỗ trợ đắc lực cho một lĩnh vực đổi mới đang sôi động với các sáng kiến mới nhưng lại thiếu sự hỗ trợ cần thiết để đưa những đổi mới đó ra khỏi phòng thí nghiệm - hoặc ra khỏi bộ sưu tập thời trang - và bước vào thị trường rộng lớn hơn. Mặc dù sự chuyển hướng có thể có lợi cho các thương hiệu thời trang, nhưng nó cũng có thể khiến họ gặp rủi ro nếu đứng ngoài quá lâu.
Tricia Carey, cựu giám đốc thương mại của Renewcell, cho biết việc phụ thuộc quá nhiều vào các thương hiệu thời trang là một trong những sai lầm chết người khiến startup tái chế dệt may Thụy Điển này phải tuyên bố phá sản vào tháng Hai và công bố vào tháng Sáu rằng họ đã có nhà đầu tư mua lại công ty và một cái tên mới: Circulose.
Khi tin tức phá sản của Renewcell nổ ra, nó cũng gióng lên hồi chuông báo động cho những công ty khác trong ngành. Có thể kể Veshin Factory, một nhà sản xuất chuyên về da giả đã nhanh chóng mở rộng quy mô và đàm phán với các các công ty ngoài lĩnh vực thời trang, từ phụ kiện thú cưng đến nhà hàng và chuỗi khách sạn.
Các startup chất liệu sinh học khác cũng đang nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ làm việc. Thương hiệu sản xuất chất liệu da thay thế TômTex bắt đầu với trọng tâm hướng vào ngành thời trang và hiện đang mở rộng sang ngành nội thất ô tô, khách sạn và nội thất. TômTex được thành lập bởi Uyên Trần - doanh nhân Việt Nam gốc Đà Nẵng và Ross McBee - một nhà khoa học Mỹ, với khả năng cung cấp chất liệu bền vững và xanh như những gì thời trang đang theo đuổi: một chất liệu khả thi để thay thế hoàn toàn da thật, chất lượng cao, hiệu quả về chi phí, không chứa nhựa hoặc các hóa chất gốc dầu mỏ.
Các công ty khởi nghiệp khác đã có các cuộc đàm phán hoặc hợp tác với các lĩnh vực khác ngoài thời trang trong nhiều năm. Hãng xe BMW đã đầu tư vào Natural Fiber Welding, thương hiệu đã hợp tác với các thương hiệu thời trang như Ralph Lauren và đã nhận tài trợ từ một sáng kiến do Stella McCartney đứng sau hậu thuẫn. Vào năm 2021, chất liệu thay thế da sinh học có tên gọi Mirum của Natural Fiber Welding đã đáp ứng các tiêu chí về độ bền, chi phí, khả năng phát triển và tác động môi trường. Trong khi đó, vào năm 2023, bộ phận đầu tư của hãng xe Jaguar Land Rover đã rót vốn vào công ty khởi nghiệp vật liệu sinh học Uncaged Innovations.
Ngành nội thất và ô tô có thời gian phát triển lâu hơn vì các tiêu chuẩn hiệu suất rất cao, nhưng họ cũng làm việc với khối lượng đơn hàng lớn hơn. Thời trang có thể yêu cầu thời gian hoàn thành nhanh hơn, nhưng nó không cung cấp đủ khối lượng nhu cầu, đặc biệt là ở thời điểm ban đầu, mà một công ty sản xuất vật liệu cần để có thể tăng công suất sản xuất lên mức cao hơn.
Đối với các thương hiệu thời trang, chất liệu thay thế và công nghệ cần rất nhiều thử nghiệm và sai sót để được phát triển, chúng cần đầu tư để được mở rộng, và quá trình mở rộng chắc chắn đòi hỏi nhiều thử nghiệm. Nếu các công ty khởi nghiệp tìm thấy các đối tác thuộc ngành công nghiệp khác để bắt tay thực hiện công việc đó, thời trang có thể được hưởng lợi sau này.
VẪN CÒN NHIỀU THÁCH THỨC
Thương mại hóa - đặc biệt vào giai đoạn ở giữa khi startup đang phát triển - là thời điểm mà một số chuyên gia gọi là ‘thung lũng tử thần’. Một startup nếu được rót vốn đầu tư nhưng chưa biết kiểm soát chi phí sao cho hợp lý, hoặc nhân rộng quy mô quá nhanh mà chưa có nền tảng vững chắc thì rất dễ gặp thất bại.
Tương tự với các startup lĩnh vực vật liệu thay thế - đây là một lĩnh vực mới mẻ, chỉ mới phổ biến trong ngành công nghiệp thời trang, nên nhiều nhà đầu tư vẫn còn e dè vì chưa thấy được hiệu quả rộng rãi và quy mô còn nhỏ lẻ. Đồng thời, họ cũng phải trả lời câu hỏi: liệu chuỗi cung ứng của các startup này có đủ khả năng để nhận những đơn hàng lớn hơn, thậm chí “khổng lồ" hay không?
“Chất liệu thế hệ mới là một ngành rất mới đối với thời trang để cân nhắc về các startup được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm. Máy tính, CNTT và phần mềm là những ngành hoạt động chủ yếu dựa trên vốn đầu tư mạo hiểm. Ô tô, dược phẩm và nhiều lĩnh vực khác cũng vậy... Tôi không nghĩ rằng các giám đốc cấp cao đang suy nghĩ về cách khai thác thị trường đổi mới này,” Peter Majeranowski, Giám đốc điều hành và chủ tịch của công ty khởi nghiệp tái chế dệt may Circ, nhận xét.
Điều này cũng đúng với công cuộc logistics liên quan đến việc triển khai các công nghệ mới. “Các thương hiệu đang cố gắng thúc đẩy chuỗi cung ứng, nhưng các chuỗi cung ứng đã bị dồn ép và liên tục được thúc đẩy hàng thập kỷ để thu lại lợi nhuận cao nhất. Tôi sẽ nói rằng đó là thách thức về cấu trúc nguyên bản của ngành,” ông nói. “Các thương hiệu muốn chất liệu đổi mới, nhưng họ vẫn không thực sự hiểu cách mà vật liệu này được tạo ra hoàn chỉnh.”
Hiện nay, TômTex vẫn đang tìm kiếm đối tác bên ngoài lĩnh vực thời trang và vẫn còn những thách thức cần giải quyết, bao gồm việc tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa độ bền và khả năng phân hủy sinh học của vật liệu. Uyên Trần tự tin rằng TômTex có thể đạt được điều đó và trong quá trình này đã truyền tải một thông điệp lớn hơn cho toàn bộ ngành công nghiệp. “Hoàn toàn có thể tạo ra các sản phẩm hiệu suất cao mà không làm giảm đi sự vẹn toàn của môi trường,” bà Uyên cho biết.