Nằm trong chuỗi sự kiện do HIDC (Cộng đồng các nhà phát triển quốc tế tại Hà Nội) tổ chức, vừa qua, Tech Meetup #4 đã quy tụ hàng loạt CEO của các công ty công nghệ trong và ngoài nước tham gia trao đổi và đánh giá những tiềm năng sắp tới của thị trường Việt Nam. Cũng trong sự kiện, công ty KSE, startup R&D chuyên cung cấp các giải pháp chuyển đổi số đã có những chia sẻ thú vị về hành trình phát triển đồng thời trình bày những dịch vụ, giải pháp công nghệ mà họ đã phát triển nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi trong kỷ nguyên số hiện nay.
Trước khi khởi nghiệp tại Việt Nam, Tang Nguyen, nhà sáng lập đồng thời là CEO của KSE từng có 8 năm làm việc tại những thị trường công nghệ hàng đầu thế giới như Anh, Mỹ và Nhật Bản. Năm 2016, ông quyết định quay trở lại Việt Nam và bắt đầu hành trình sáng lập KSE. Bên cạnh hợp tác phát triển các sản phẩm/dịch vụ công nghệ cùng các công ty nước ngoài, KSE hiện cũng đang cung cấp các phần mềm công nghệ (Trí tuệ nhân tạo, IOT & Hệ thống nhúng, Gia công phần mềm,...) đáp ứng nhu cầu tối ưu hóa hoạt động điều hành, quản lý hay kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Với đội ngũ chuyên gia công nghệ dày dặn kinh nghiệm bao gồm các tiến sĩ và thạc sĩ trong nhiều lĩnh vực, KSE hiện đang cung cấp đa dạng các mô hình, phù hợp với nhu cầu và ngân sách của từng doanh nghiệp. Những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam mà KSE đã từng hợp tác để hỗ trợ chuyển đổi số, có thể kể đến là Ngân hàng SHB, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tập đoàn Vingroup, v.v.
Chính vì vậy, có thể nói, KSE là một trong nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đã và đang phát triển thành công nhiều sáng kiến và giải pháp hữu ích đóng góp vào nhiệm vụ chuyển đổi số chung của quốc gia, giúp các doanh nghiệp Việt theo kịp với xu hướng phát triển chung của toàn thế giới.
Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, Việt Nam được cho là một trong những nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Đến năm 2030, lĩnh vực kỹ thuật số của Việt Nam được dự đoán sẽ đóng góp 30% vào GDP của đất nước.
Trước đó, trong một báo cáo của Google (năm 2020), nền kinh tế internet của Việt Nam đã tăng 16% từ năm 2019 lên 14 tỷ USD, thuộc hàng cao nhất ở Đông Nam Á. Báo cáo dự kiến Việt Nam sẽ tăng trưởng nền kinh tế kỹ thuật số từ năm 2020 đến năm 2025 lên 29%, chỉ đứng sau Philippines với 30%. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng cũng ước tính đến năm 2025, nền kinh tế internet của Việt Nam sẽ trị giá khoảng 52 tỷ USD.
Về phía chính phủ, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, trọng tâm đến năm 2030 sẽ là động lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thông qua những thay đổi trong nhận thức, chiến lược kinh doanh và khuyến khích số hóa trong hoạt động kinh doanh, quản trị và sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Mặc dù đã có những tiến bộ và động lực thúc đẩy đáng kể, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để thu hẹp khoảng cách về phát triển kỹ năng số so với các nước trong khu vực cũng như các quốc gia khác trên toàn thế giới. Trong bối cảnh công nghệ trở thành động lực hàng đầu để các doanh nghiệp tồn tại và phát triển, vẫn còn nhiều công ty tại Việt Nam coi việc chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh/sản xuất là không cần thiết hoặc chưa sẵn sàng đổi mới vì những rào cản liên quan đến vấn đề kinh tế. Chính vì vậy, chuyển đổi số vẫn sẽ là bài toán lớn cần những đóng góp giải pháp từ cả phía Chính phủ và các công ty phát triển công nghệ trong nước nhằm tạo ra môi trường chuyển đổi thuận lợi, giúp các doanh nghiệp Việt Nam không bị bỏ lại phía sau…