December 21, 2022 | 14:54 GMT+7

Các thương hiệu đồng loạt cung cấp dịch vụ sửa chữa đồ xa xỉ

Băng Hảo -

Các “tín đồ hàng hiệu” thường không tiếc tiền để bảo dưỡng những món đồ thời trang xa xỉ của mình. Mặt khác, nếu chỉ vì một vết xước mà bỏ đi món đồ được mua với giá cả ngàn USD, thậm chí vài trăm ngàn USD thì quả là lãng phí…

Ảnh: Hermès
Ảnh: Hermès

Theo SCMP, mỗi người có một kỳ vọng khác nhau về tuổi thọ của các mặt hàng thời trang. Vào những năm 1990, người tiêu dùng có những áp lực nhất định khiến họ phải chạy theo xu hướng và mua các loại xa xỉ phẩm mới nhất. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, người dùng bắt đầu tập trung hơn vào tính bền vững. Ở một mức độ nào đó, nhu cầu thắt chặt chi tiêu cũng khiến người dùng hạn chế mua sắm các loại sản phẩm thời thượng hơn.

Do đó, các thương hiệu đã bắt đầu cung cấp dịch vụ sửa chữa đồ hiệu của họ. Vài tuần trước, giám đốc điều hành của Bottega Veneta, Bartolomeo Rongone, nói rằng một số mẫu túi xách hiện có thể được mang đến để làm mới và sửa chữa miễn phí trọn đời. Được gọi là “Certificate of Craft”, chương trình này còn tiến xa hơn khi cho khách hàng mượn túi xách trong trường hợp việc sửa chữa sẽ mất một khoảng thời gian để hoàn thành. “Chúng tôi tin rằng sự sang trọng thực sự có liên quan đến khái niệm thời gian”, Rongone cho biết.

Thương hiệu của Italy đang đi theo bước chân của Hermès, hãng thời trang xa xỉ đã cung cấp dịch vụ phục hồi và sửa chữa trong gần một thập kỷ. Hermès sở hữu một đội ngũ gồm 78 chuyên gia chỉnh sửa sản phẩm tại 14 xưởng sửa chữa khắp châu Âu, châu Á và Hoa Kỳ, cung cấp 700 dịch vụ khác nhau. Năm ngoái, họ đã nhận được gần 100.000 yêu cầu chỉnh sửa túi xách, va-li, phụ kiện, và sự gia tăng về nhu cầu sửa chữa sản phẩm đã khiến Hermès phải mở thêm một xưởng bổ sung.

Bên cạnh đó, một số hãng đồ xa xỉ khác như Celine, Mulberry và Chanel cũng đã cung cấp các dịch vụ tương tự. Chẳng hạn, chương trình Chanel et Moi cung cấp gói bảo hành 5 năm cho túi xách và một số đồ da, đồng thời cũng nhằm mục đích “tăng thêm tính gắn kết trong mối quan hệ giữa khách hàng và thương hiệu” bằng cách tập trung vào “phục hồi và sửa chữa”. Ngay sau đó, một số người dùng trẻ yêu thích thời trang đang cố gắng mua những chiếc túi hàng hiệu đã qua sử dụng, có vết bẩn hoặc vết rách và cố gắng tự phục hồi chúng.

Bottega Veneta giới thiệu chương trình làm mới và sửa chữa miễn phí trọn đời cho túi xách có tên “Certificate of Craft”.
Bottega Veneta giới thiệu chương trình làm mới và sửa chữa miễn phí trọn đời cho túi xách có tên “Certificate of Craft”.

Rolex cũng đã bắt đầu triển khai chương trình “Rolex Certified Pre-Owned”, mang đến cho khách hàng cơ hội mua những chiếc đồng hồ đã qua sử dụng từ các nhà bán lẻ chính thức của hãng được chứng nhận là hàng thật và được bảo hành bởi thương hiệu. Chương trình Rolex Certified Pre-Owned sẽ cung cấp bảo hành quốc tế hai năm, có hiệu lực kể từ ngày bán lại, tuân theo quy trình chứng nhận. Tất cả đồng hồ Rolex đã qua sử dụng được chứng nhận sẽ đi kèm với một con dấu tượng trưng cho tình trạng của chúng.

Sở hữu đội ngũ nghệ nhân may đo 22 người, xưởng sửa chữa của Paul Stuart chiếm nguyên một tầng lầu tại cửa hiệu chính ở Đại lộ Madison. Giám đốc điều hành Paulette Garafalo cho biết không có gì lạ khi các quý ông chỉnh tề đến xưởng để yêu cầu chỉnh sửa trang phục cho những sự kiện lớn. Nếu không thể giải quyết vấn đề – chẳng hạn như yêu cầu xử lý vết bẩn cho chiếc áo khoác len cashmere của Scotland hoặc thắt lưng da lộn của Ý – các nghệ nhân may đo nội bộ sẽ gửi nó trở lại xưởng sửa chữa để phục hồi.

Ông Garafalo cho biết: “Mối quan tâm ngày càng gia tăng của người tiêu dùng xa xỉ đối với vấn đề chỉnh sửa sản phẩm nhằm mục đích sử dụng dài hạn đang chứng tỏ rằng thái độ của họ đang thay đổi. Thực tế, việc chỉnh sửa đã là một vũ khí bí mật của những khách hàng thông thái trong nhiều thập kỷ”.

Theo Robb Report, một số thương hiệu đang tiến thêm một bước nữa và bán các sản phẩm đã qua khâu phục hồi như những món đồ sưu tập cho chính khách hàng. Sau khi nhận thấy nhu cầu sở hữu các sản phẩm vintage của Mark Cross trên thị trường thứ cấp, vị CEO Ulrik Garde Due đã quyết định mở hướng kinh doanh mới.

“Chúng tôi thể hiện phong cách vintage cho tương lai. Nghĩa là khi bạn mua một sản phẩm Mark Cross, món đồ đó sẽ tồn tại lâu dài và theo quan điểm thiết kế, sản phẩm đó không bao giờ lỗi thời.” Kỷ niệm 175 năm ngày thành lập vào năm nay, thương hiệu này đã bắt đầu mua các sản phẩm vintage vào năm 2019 – từ ống nhòm xem opera cho đến bóng bầu dục. Nhiều món đồ vintage được thương hiệu chào bán hiện đến từ các khách hàng hiện hữu – những người đang kinh doanh đồ cũ của mình.

Nhiều thương hiệu đã biến dịch vụ bảo hành, sửa chữa sản phẩm thành lợi điểm bán hàng.
Nhiều thương hiệu đã biến dịch vụ bảo hành, sửa chữa sản phẩm thành lợi điểm bán hàng.

Thương hiệu giày cao cấp J. M. Weston của Pháp thậm chí đã biến những đôi giày bị xây xước đã qua sử dụng thành lợi điểm bán hàng. Xưởng sửa chữa chuyên dụng tại trụ sở chính ở Limoges có thể sửa chữa hoặc làm mới hoàn toàn khoảng 10.000 đôi giày mỗi năm. Dựa trên dịch vụ đó, thương hiệu quyết định cung cấp cho khách hàng tùy chọn giao dịch đối với những đôi giày cũ để bán lại.

Còn Weston Vintage, thương hiệu mới được ra mắt vào đầu năm nay, chấp nhận những đôi giày cũ tại bất kỳ cửa hàng nào của mình, nơi chúng sẽ được đổi thành khoản tín dụng hoặc nếu chúng không phù hợp, khách hàng sẽ được tận hưởng dịch vụ đánh giày miễn phí. Những đôi giày đã mua sẽ được gửi đến cửa hiệu để tân trang trước khi được chuyển đến quầy bán hàng trong cửa hiệu ở Nhật hoặc Pháp. Và cứ như thế, vòng đời của những sản phẩm vintage sẽ được tiếp diễn theo cách bền vững.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate