July 17, 2023 | 12:02 GMT+7

Các thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc hướng tới thị trường Ấn Độ

Băng Hảo -

Xuất khẩu mỹ phẩm là nguồn thu không thể thiếu, góp phần tăng trưởng kinh tế cho Hàn Quốc. Nước này thậm chí đã công bố "Phương án thúc đẩy ngành công nghiệp mỹ phẩm tương lai" nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế cho "K-Beauty"…

Ảnh: Kotra India
Ảnh: Kotra India

Năm 2021, số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu mỹ phẩm của Hàn Quốc đạt mức cao kỷ lục trong, lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 10 nghìn tỷ won. Con số này cao hơn kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gia dụng, dược phẩm và điện thoại di động của xứ kim chi. Thị trường xuất khẩu mỹ phẩm của nước này cũng ngày một mở rộng đa dạng hơn. Trong số 153 quốc gia nhập khẩu mỹ phẩm từ Hàn Quốc, Trung Quốc từng là khách hàng lớn nhất, với thị phần lên tới 53,2%. Tiếp theo sau là kim ngạch xuất khẩu mỹ phẩm của Hàn Quốc sang Mỹ và Nhật Bản.

Đến năm nay, báo Korea Herald dẫn dữ liệu của Hiệp hội Mỹ phẩm Hàn Quốc được công bố hôm 26/6 vừa qua cho thấy Việt Nam hiện đang là thị trường “màu mỡ” nhất đối với mỹ phẩm Hàn Quốc khi lượng mỹ phẩm xuất khẩu sang Việt Nam vẫn đang tăng lên theo cấp số nhân.

Cụ thể, tổng lượng mỹ phẩm Hàn Quốc xuất khẩu sang Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 tăng 43,4% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 187,5 triệu USD. Xếp sau Việt Nam là thị trường Mỹ với mức kim ngạch xuất khẩu đạt 425,1 triệu USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của mỹ phẩm Hàn sang Hong Kong đạt 23,8 triệu USD, tăng 16,7%.

Theo Nikkei Asia, với mức tăng trưởng nhanh chóng về nhu cầu sử dụng các sản phẩm làm đẹp từ Hàn Quốc, các hãng mỹ phẩm Hàn hiện đang xem một số quốc gia châu Á khác như là thị trường tiềm năng để thay thế cho thị trường Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã rời khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây do quan hệ Hàn – Trung đang chuyển biến xấu. Theo đó, ngoài Việt Nam, Ấn Độ nổi lên như vùng đất hứa mới, đầy cơ hội cho các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Các thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc hướng tới thị trường Ấn Độ - Ảnh 1
Các thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc hướng tới thị trường Ấn Độ - Ảnh 2
 
Các thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc hướng tới thị trường Ấn Độ - Ảnh 3
Các thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc hướng tới thị trường Ấn Độ - Ảnh 4
 

Hãng mỹ phẩm AmorePacific lớn nhất Hàn Quốc mới đây đã chọn Ấn Độ, Bắc Mỹ và châu Âu để đối phó với khó khăn kinh doanh hiện tại với Trung Quốc. “Ấn Độ là một thị trường rất quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi đã đạt được một số thành tựu đáng chú ý ở thị trường Bắc Mỹ và châu Âu và thị trường Ấn Độ là bước tiếp theo của chúng tôi. Người Ấn Độ rất quan tâm đến các sản phẩm mỹ phẩm tự nhiên. Nhờ vào các loại mặt nạ dưỡng môi và da, thương hiệu Laneige của chúng tôi đạt mức tăng trưởng bình quân 77% mỗi năm trong ba năm qua”, quản lý cấp cao của AmorePacific cho biết.

AmorePacific đang mở rộng hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ, tập trung vào các nền tảng thương mại điện tử và cửa hàng đa thương hiệu. Hãng đã hợp tác với NYKKA, sàn thương mại điện tử lớn nhất Ấn Độ chuyên về mỹ phẩm, để quảng bá các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc. “Chúng tôi hiện đang nhắm vào tất cả các nhóm tiêu dùng từ thanh thiếu niên đến trung niên. Mục tiêu ngắn hạn của chúng tôi là đảm bảo thị phần đáng kể ở Ấn Độ và mở rộng dần dần”, vị quan chức AmorePacific nói. Hiện hãng có bốn thương hiệu tại Ấn Độ là Innisfree, Laneige, Etude House và Sulwhasoo.

Theo BBC, kem làm trắng da từ lâu trở thành một ngành công nghiệp lớn ở Ấn Độ, với hàng triệu nam nữ có nhu cầu sử dụng các biện pháp tẩy trắng.  Một làn da hoàn hảo cho thấy nỗ lực mà họ dành cho việc chăm sóc da, đồng thời phụ nữ Ấn Độ cũng rất chuộng các sản phẩm có nguồn gốc từ thảo mộc trong việc làm đẹp. Trong khi đó, người Hàn Quốc trang điểm thực sự tối giản nhưng rất cầu kỳ trong việc chăm sóc da. Họ dựa vào những sản phẩm tốt nhất để tạo ra công thức mang lại cho họ làn da khỏe mạnh, trong veo như thủy tinh.

Tiến sĩ Rinky Kapoor, bác sĩ da liễu tại New Delhi, Ấn Độ đã quan sát và chia sẻ một số bí quyết chăm sóc da của Hàn Quốc để có làn da sáng bóng: “Chăm sóc da kiểu Hàn Quốc không chỉ là sử dụng sản phẩm đắt tiền mà còn là áp dụng đúng kỹ thuật. Các sản phẩm và thành phần được lựa chọn cẩn thận, bao gồm nước gạo lên men, nhân sâm và các sản phẩm làm từ ốc sên,... Tất cả đều trở thành một phần của quy trình chăm sóc da”. Do đó, thật dễ hiểu khi phụ nữ Ấn Độ "phát cuồng" vì mỹ phẩm Hàn Quốc.

AmorePacific đang mở rộng hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ, tập trung vào các nền tảng thương mại điện tử và cửa hàng đa thương hiệu.
AmorePacific đang mở rộng hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ, tập trung vào các nền tảng thương mại điện tử và cửa hàng đa thương hiệu.

Nền kinh tế Ấn Độ cũng đã tăng trưởng 6,3% trong năm 2022, cao hơn mức 5% của Trung Quốc, theo Ngân hàng Thế giới. Đất nước Nam Á này cũng vượt Trung Quốc về quy mô dân số vào tháng 4 vừa rồi. Truy cập internet phổ biến hơn, mức thu nhập tăng và dân số trẻ lớn nhất thế giới đã góp phần thúc đẩy sự bùng nổ trong thị trường làm đẹp của Ấn Độ, thị trường đã tăng từ 12,3 tỷ đô la năm 2018 lên 15,6 tỷ đô la vào năm 2022 và dự kiến đạt 17,4 tỷ đô la vào năm 2025, theo Euromonitor International.

Ấn Độ cũng đang trở thành điểm nóng làm đẹp mới khi L’Oréal, Estée Lauder Companies (ELC) hay Puig đều đã thể hiện sự quan tâm của mình bằng cách đầu tư vào các thương hiệu làm đẹp địa phương. Cùng với đó, các đại diện trong xu hướng tiếp thị cũng có xu hướng chuyển dịch về những ngôi sao địa phương. Đầu tháng này, Laneige, thuộc sở hữu của gã khổng lồ chăm sóc da Hàn Quốc AmorePacific, đã bổ nhiệm nữ diễn viên Athiya Shetty làm đại sứ Ấn Độ đầu tiên.

Một số chuyên gia cho rằng, mặt hàng mỹ phẩm Hàn Quốc đang ngày càng được ưa chuộng nhờ làn sóng văn hóa Hàn Quốc và nhờ xuất khẩu của các doanh nghiệp mỹ phẩm vừa và nhỏ sang thị trường Ấn Độ tăng. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng không ngừng nâng cao được sức cạnh tranh bằng việc đổi mới, phát triển nhiều sản phẩm được yêu thích, đi đầu ngành công nghiệp mỹ phẩm toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc Oh Yu-kyoung, bộ này sẽ tiếp tục hợp tác hỗ trợ phát triển ngành mỹ phẩm trong nước và củng cố năng lực cạnh tranh quốc tế của Hàn Quốc bằng cách kịp thời sửa đổi các quy định không cần thiết trên cơ sở mạnh dạn đổi mới nhưng vẫn bảo đảm an toàn.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chính phủ Hàn Quốc quyết định chú trọng sở hữu các công nghệ tương lai, chẳng hạn như đề ra phương án nâng cao trình độ công nghệ lĩnh vực mỹ phẩm, từ mức 86,8% so với thế giới năm nay lên 95% năm 2030, giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu từ Nhật Bản từ 23,5% năm nay xuống 18% sau ba năm… Ngành công nghiệp làm đẹp nước này cũng cải thiện mạnh quy chế để các doanh nghiệp có thể dễ dàng xúc tiến ra thị trường nước ngoài; xây dựng "Tổ hợp K-Beauty," nơi diễn ra đồng thời các hoạt động sản xuất, nghiên cứu, phát triển và đào tạo lĩnh vực mỹ phẩm.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng công bố "Kế hoạch đa dạng hóa thị trường xuất khẩu" nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các thương hiệu trong nước ở các thị trường mới nổi khu vực Đông Nam Á, như mở triển lãm, gian trưng bày quy mô lớn ở các nước.

Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Park Neung-hoo kỳ vọng nếu doanh nghiệp tích cực tận dụng sức hút từ làn sóng văn hóa Hallyu, như K-Pop, để nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu, mở rộng thị trường tại Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản hơn nữa, thì Hàn Quốc sẽ có thể trở thành một trong ba cường quốc xuất khẩu mỹ phẩm hàng đầu thế giới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate