Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất, doanh thu nửa đầu năm tại châu Á không gồm Nhật Bản của tập đoàn hàng xa xỉ LVMH giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là quốc gia chiếm lĩnh thị trường hàng xa xỉ khu vực này.
Đà giảm có xu hướng gia tăng khi doanh thu quý 2 của LVMH giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn này sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton và Christian Dior, cùng một số thương hiệu trang sức xa xỉ và khách sạn hạng sang.
Sau khi kết quả kinh doanh trên được công bố, giá cổ phiếu LVMH trong phiên giao dịch ngày 24/7 giảm 4,7%, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong một phiên kể từ tháng 10 năm ngoái. Tính tới phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước, mã này đã hồi nhẹ nhưng vẫn thấp hơn 4,4% so với thời điểm trước khi báo cáo kết quả kinh doanh được công bố.
Những con số đáng lo ngại về kết quả kinh doanh của LVMH cũng gây hiệu ứng lan tỏa tới cổ phiếu của công ty thời trang xa xỉ Prada với mức giảm 3% trong phiên giao dịch ngày 24/7. Niêm yết tại Hồng Kông, Prada dự kiến công bố kết quả kinh doanh trong tuần này.
“Hiện tại, thị trường hàng xa xỉ vẫn đầy biến động trong bối cảnh nhà đầu tư đang đánh giá lại niềm tin trước đây rằng các thương hiệu xa xỉ là một kênh đầu tư an toàn, là ‘vịnh tránh bão’ trước những cuộc suy thoái kinh tế”, ông Jochen Stanzl, nhà phân tích thị trường trưởng tại CMC Markets, nói với hãng tin CNN.
Theo tổng hợp từ hãng tin Reuters, kể từ tháng 3 đến nay, tổng giá trị vốn hóa của 10 công ty hàng xa xỉ lớn nhất thế giới đã giảm 250 tỷ USD.
Richemont, công ty mẹ của thương hiệu trang sức Cartier ghi nhận doanh thu quý 2 tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông giảm 27% so với cùng kỳ năm trước với nguyên nhân chính là “niềm tin người tiêu dùng yếu”.
Trong khi đó, nhà sản xuất xe sang Porsche của Đức nói rằng “nhu cầu yếu trong phân phúc hàng xa xỉ” tại Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn tới doanh thu của hãng. Thương hiệu ô tô xa xỉ Mercedes-Benz cuối tuần trước cũng cho biết doanh thu quý 2 đã giảm 4%.
“Thị trường Trung Quốc đã suy giảm trong quý 2. Phân khúc hàng cao cấp và xa xỉ tại trường này vẫn rất yếu”, Mercedes-Benz cho biết.
Trong khi đó, tập đoàn Kering, sở hữu thương hiệu Gucci, cho biết doanh thu của công ty tại Trung Quốc chứng kiến “sự sụt giảm đáng chú ý” trong 6 tháng đầu năm 2024, còn “xu hướng tại Bắc Mỹ, châu Âu cũng chưa cải thiện đáng kể”.
Tuy vậy, thương hiệu thời trang Hermes là một ngoại lệ. Nổi tiếng với túi xách da cá sấu Birkin, Hermes ghi nhận tăng trưởng doanh thu tại tất cả các quốc gia châu Á (không bao gồm Nhật) trong nửa đầu năm.
Nhìn chung, báo cáo kết quả kinh doanh của các thương hiệu xa xỉ cho thấy sự đảo chiều trong xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc. Sau khi Bắc Kinh gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch Covid vào cuối năm 2022, người tiêu dùng nước này đã mạnh tay mua sắm hàng xa xỉ sau thời gian dài “kìm nén” trong đại dịch, giúp ngày này tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, nền kinh tế ảm đạm, khủng hoảng bất động sản cùng nhiều vấn đề nội tại khác khiến người tiêu dùng tại đất nước tỷ dân phải thắt chặt chi tiêu.
Theo các số liệu chính thức, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,7% trong quý 2 năm nay, thấp hơn dự báo của các nhà phân tích và đánh giá quý tăng trưởng yếu nhất kể từ quý 1/2023.