Ngoài việc thiếu hụt nguồn cát nói trên, Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng việc khai thác vật liệu cát hiện nay tại các địa phương chưa đạt công suất nhằm đáp ứng tiến độ thi công.
Bộ này cũng đang phối họp với các bộ, ngành và địa phương liên quan điều phối nguồn vật liệu, bảo đảm việc cung ứng vật liệu cát đắp nền đường cho các dự án cao tốc ở khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, trong đó ưu tiên cung ứng cho các dự án hoàn thành vào cuối năm 2025.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ triển khai thi công 16 dự án, dự án thành phần trọng điểm được áp dụng chính sách đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường cho 16 dự án này vào khoảng 63 triệu m3; trong đó, nguồn cung vật liệu cát đắp tập trung chủ yếu tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Tiền Giang.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Giao thông vận tải, tính đến hết tháng 5/2024, các bên liên quan đã xác định được nguồn cung cho 37 triệu trong tổng số 63 triệu m3 cát vật liệu, còn thiếu 26 triệu m3 chưa xác định được nguồn cung.
Cụ thể: Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau xác định được khoảng 16/18,5 triệu m3, thiếu 2,98 triệu m3; dự án cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng xác định được khoảng 18,5/29 triệu m3, còn thiếu 10,5 triệu m3; dự án cao tốc trục ngang Cao Lãnh - An Hữu đã xác định được 2,3/3,25 triệu m3, thiếu khoảng 1 triệu m3...
Đặc biệt, nguồn cát san lấp đang tiếp tục là vấn đề nóng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Vì nếu tính riêng 4 dự án cao tốc trong vùng là Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh, thì tổng khối lượng cát đắp nền và cát san lấp là xấp xỉ 54 triệu m3; trong đó nhu cầu cát đắp đã ước khoảng hơn 36 - 37 triệu m3.
Về công suất khai thác, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện công suất khai thác tại các mỏ đã cấp cũng chưa đáp ứng tiến độ thi công, chỉ đạt trung bình 20.000 m3/ngày, trong khi nhu cầu của dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau là 50.000 - 60.000 m3/ngày. Còn lãnh đạo Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận), chủ đầu tư thì cho rằng dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đến nay vẫn đang chậm tiến độ sau hơn một năm triển khai thi công, sản lượng đạt hơn 20% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 6 tháng. Đối với dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, hiện cũng cần khoảng 29 triệu m³ cát. Các địa phương đã xác định nguồn cung là 18,5 triệu m³ và đã hoàn thành việc cấp bản xác nhận khai thác 11,8 triệu m³, đủ điều kiện khai thác 5,9 triệu m³; còn thiếu khoảng 10,5/29 triệu m³. Công suất cung ứng trung bình cho dự án chỉ đạt 12.000 m³/ngày, nếu khai thác toàn bộ các mỏ được cấp sẽ đạt 17.000 m³/ngày.
Theo Ban Mỹ Thuận, hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp có trữ lượng cát sông lớn nhất trong vùng, nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu nguồn cát cho các công trình xây dựng trên địa bàn. Khó khăn hiện nay, theo Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang là nguồn cát sông ngày càng khan hiếm trong chưa có vật liệu khác thay thế hoặc chia sẻ để phục vụ thi công các công trình giao thông, cao tốc trọng điểm; cũng như chưa có phương pháp xác định chính xác sản lượng từng khu mỏ để tính toán khối lượng đã khai thác, trữ lượng còn lại,…
Về nguồn cát biển thay thế, đến nay, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long” và đã bàn giao kết quả cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng với trữ lượng khoảng 145 triệu m3. Kết quả này khẳng định, điều kiện khai thác khả thi và có thể chuyển sang giai đoạn thăm dò khai thác; tuy nhiên, đến nay các thủ tục cấp mỏ để nhà thầu vào khai thác vẫn chưa hoàn thành.
Để xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc về vật liệu cát đắp, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các tỉnh có nguồn vật liệu cát như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre… phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nhằm tiếp tục rà soát, thực hiện việc điều phối nguồn vật liệu, bảo đảm việc cung ứng đáp ứng cho các dự án, ưu tiên cung ứng cho các dự án hoàn thành vào cuối năm 2025.